Nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM cho hay nhà văn Trần Kim Trắc từ trần vào ngày 7/11. Tuy nhiên, thông tin này đã được gia đình giữ kín, vào dịp lễ 49 ngày của nhà văn, Hội nhà văn mới biết sự việc.
"Sau ngày mất của cụ Trắc một ngày, cháu gái ông tổ chức đám cưới. Vì vậy, gia đình đã làm lễ tang đưa tiễn cụ lặng lẽ", Phó chủ tịch hội nhà văn cho biết thêm.
Theo Phan Hoàng, nhà văn Trần Kim Trắc là một cây bút tài năng, một nhân cách lớn của văn học miền Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Cái lu, xuất bản vào những năm 1954.
Nhà văn Trần Kim Trắc. |
"Thành công sớm nhưng đắng cay cụ Trắc nhận được cũng rất nhiều. Sau tác phẩm Chiếc lu, cụ phải lên rừng sống, làm nghề nuôi ong. Chính thời gian lận đận này đã tôi luyện và khiến cụ thay đổi nhiều từ cách viết đến suy nghĩ. Tác phẩm của cụ có giọng điệu lạ lùng, ẩn chứa cách nhìn của một người độ lượng, đối diện với mọi thứ thanh thản", nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ.
Ngoài đời, nhà văn kỳ cựu có cuộc sống bình lặng, giản dị. Phó chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM đánh giá Trần Kim Trắc sống cởi mở, gần gũi với mọi người.
Nhà văn Trần Kim Trắc sinh năm 1929 tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Ông còn có bút danh NT và Trần Kim. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn, 1999), Con trai ông tướng (truyện ngắn, 1998), Trăng đẹp mình trăng (truyện ngắn, 1997), Học trò già (truyện ngắn, 1997), Ông Thiềm Thừ (truyện ngắn, 1994), Hoàng đế ướt long bào (tiểu thuyết, 1996), Cái bót (truyện ngắn in chung, 1989), Con cá bặt tăm (truyện ngắn, in chung, 1990), Cái lu (truyện ngắn, 1954).
Nhà văn Trần Kim Trắc và học giả An Chi. |
Ông từng đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Con người và Cuộc sống hôm nay do Hội Nhà văn TP.HCM và báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức năm 2012. Ông được tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 với tập Ông Thiềm Thừ.