Mộ lừa ở St. Augustine, Mỹ
Đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra lời giải xung quanh bí ẩn về ngôi mộ chôn bộ xương lừa ở thành phố St. Augustine, Mỹ. Ảnh: Viện Khảo cổ Mỹ |
Các nhà khảo cổ ở thành phố St. Augustine, bang Floria, Mỹ phát hiện ngôi mộ độc đáo và kỳ lạ chôn một bộ xương lừa. Bộ xương nằm sâu 1,2 mét trong lòng đất và có niên đại vào khoảng nửa sau thể kỷ XVII, MyFloridahistory đưa tin. Căn cứ vào vết lõm trên sọ lừa, người ta đoán nó chết vì một cú đánh vào đầu. Tuy nhiên, những chi tiết khác khiến họ hoang mang, khó tìm ra giải thích hợp lý.
Tứ chi con lừa được tháo khớp một cách cẩn thận. Không dấu hiệu nào chứng tỏ người ta xẻ thịt nó để cung cấp thực phẩm. Sau khi lóc thịt, họ đặt tứ chi theo hướng bắc – nam. Rõ ràng, theo lẽ thường, người ta chỉ cần đào một cái hố lớn hơn là có thể chôn nó mà không cần tỉ mỉ tháo khớp và sắp xếp bộ xương như vậy. Vì thế, các nhà khảo cổ loại bỏ nghi vấn người xưa làm thế vì thuận tiện.
Carl Halbirt, người tìm thấy bộ xương, cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta sẽ tìm ra câu chuyện hoàn chỉnh phía sau ngôi mộ”. Ông cố tìm những trường hợp tương tự nhưng thất bại.
Vào cuối thế ỷ XVII, người ta sử dụng lừa để vận chuyển đá vôi dùng trong xây dựng. Tuy nhiên, điều này chỉ lý giải tại sao con lừa được chôn cất ở đó chứ không làm sáng tỏ lý do người ta bỏ nhiều công sức để xử lý bộ xương một cách cẩn thận như vậy.
Ngôi mộ thách thức người xem bằng những ký tự lộn xộn
Người ta chỉ tìm ra lời giải cho ô chữ khắc trên mộ của một thợ sơn Mỹ sau 170 năm. Ảnh: Robert Cutts |
John Renie là một thợ sơn ở xứ Wales, Anh, qua đời năm 1832. Bia mộ của ông là một ô chữ kỳ lạ với 19 ô theo hàng dọc và 15 ô theo hàng ngang. Mỗi ô khắc một chữ cái. Người ta thấy dòng chữ “o J s e i L e r e H e r e L i e s J o” ở hàng giữa. Họ có thể đọc những chữ “Here” (Ở đây), “Lies” (Nằm) và hai chữ bắt đầu cho từ “John”, tên người thợ sơn. Tuy nhiên, bia mộ vẫn là một hệ thống các ký tự lộn xộn.
170 năm sau, một đài truyền hình phân tích và giải nghĩa ô chữ. Đọc từ chữ H ở trung tâm, người ta có thể đọc ra câu “Here Lies John Renie” (John Renie yên nghỉ tại đây) theo 46.000 cách, theo The Free Library.
Một số người đoán Renie làm thế để đánh lừa ma quỷ, giúp linh hồn ông yên nghỉ. Tuy nhiên, một cha xứ cho rằng họ đánh giá ô chữ quá nghiêm trọng. Ông nghĩ nó “chỉ là một niềm vui nho nhỏ” người quá cố để lại cho những ai trông thấy bia mộ.
Vết cắt Duffy, tài liệu cất giấu sự thật đằng sau một khu mộ
Khu mộ ghi lại trong tài liệu "Vết cắt Duffy" ẩn giấu bí ẩn về cái chết của những thanh niên Ireland. Ảnh: Smallbones/Wikimedia |
Tháng 6/1832, một con tàu chở hàng chục thanh niên Ireland cập bến tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Họ vượt Đại Tây Dương để làm công nhân đường sắt cho chủ thầu tên là Duffy. Theo các báo cáo chính thức, 8 người trong số họ bất hạnh qua đời trong một trận dịch tả và được chôn gần đó. Năm 1909, Martin Clement, một quan chức ngành đường sắt thành phố Philadelphia, cho xây dựng một khu mộ bằng đá granite ở nơi chôn cất những thanh niên xấu số.
Khi ông ta trở thành chủ tịch hãng Đường sắt Pennsylvania, ông lập tài liệu “Vết cắt Duffy” lưu giữ những thông tin liên quan đến vụ việc. Trong những năm 1960, trợ lý của Clement giữ tập tài liệu. Đầu những năm 2000, cặp cháu trai song sinh của viên trợ lý, Bill và Frank Watson, tình cờ nhìn thấy nó. Họ phát hiện số người tử vong lên đến 57, cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Tháng 11/2005, hai người khai quật khu mộ nhưng chỉ phát hiện một ống đất sét trang trí hình cỏ 3 lá, quốc huy của Ireland. Năm 2009, anh em Watson thuê một nhà địa chất học. Trong vòng hai năm, họ tìm thấy 6 bộ hài cốt. Trong đó, 3 hộp sọ có vết chém gây ra bởi hung khí cùn, một họp sọ xuất hiện vết đạn bắn, Crimelibrary đưa tin.
Janet Monge, nhà nhân chủng học ở Bảo tàng Đại học Pennsylvania, kết luận: “Tôi cho rằng đó là một vụ thảm sát”.
Các nhà nghiên cứu suy đoán vào thời điểm đó, chính quyền phong tỏa khu dịch bệnh và sát hại các công nhân khi họ cố gắng bỏ trốn.
Bia mộ Nick Beef khiến nhiều người tranh cãi
Bia mộ khắc bút danh của một nhà văn tự do khiến nhiều người tranh cãi. Ảnh: Examiner |
Nghĩa trang Shannon Rose Hill ở thành phố Fort Worth, bang Texas, Mỹ, là nơi chôn cất Lee Harvey Oswald, kẻ đã ám sát Tổng thống John F. Kennedy. Năm 1997, một bia mộ tương tự khắc tên “Nick Beef” xuất hiện bên cạnh bia mộ Oswald khiến nhiều người tò mò.
Một số ý kiến cho rằng Nick Beef là tên của một diễn viên hài và ông ta đặt hòn đá khắc tên mình ở đó để tấu hài. Những người quan tâm đến vụ ám sát Kennedy đưa ra giả thuyết bia mộ là một lời chỉ dẫn vì quản lý nghĩa trang từ chối cung cấp thông tin về ngôi mộ của Oswald. Đến nay, họ vẫn không tiết lộ thông tin liên quan đến tấm bia bí ẩn.
Trên thực tế, Nick Beef là bút danh của Patric Abedin, một nhà văn tự do người Texas hiện sống tại thành phố New York. Năm 1970, ông mua khu mộ. Năm 1996, mẹ nhà văn qua đời, Abedin trở về bang Texas và đến thăm khu nghĩa trang. Ông quyết định đặt một bia mộ ở đó. Vì ông có thẻ tín dụng dưới tên Nick Beef nên quản lý nghĩa trang cho phép Patric Abedin khắc bút danh lên bia, New York Times cho hay.
Nhà văn đính chính đó không phải trò đùa mà chỉ là một chuyện riêng tư. Tuy nhiên, bia mộ đó sẽ để trống bởi Abedin muốn hỏa táng thi thể sau khi chết.
Bia mộ với dòng mật mã thách thức người dân trong một thế kỷ
Dòng mật mã khắc trên bia mộ của James Leeson thách người dân New York tìm lời giải trong một thế kỷ. Ảnh: Lactitia Dardier |
James Leeson qua đời năm 1794 ở tuổi 38. Không nhiều người biết đến cuộc đời ông nhưng ngôi mộ của Leeson lại nổi tiếng khắp New York, Mỹ, bởi những đồ trang trí chôn cùng: Một chiếc đồng hồ cát có cánh đại diện cho thời gian trôi qua nhanh; một bình đựng tro cốt rực rỡ tượng trưng cho sự bất tử của linh hồn và các công cụ cắt đá cho thấy Leeson từng sống ở thành phố Mason, Mỹ.
Nhiều người cũng chú ý đến dòng mật mã chạm khắc trên bia mộ. Ban đầu, không ai đoán ra ý nghĩa của dòng chữ. Một thế kỷ sau, năm 1889, một người giải mã nó. Dòng mật mã mang thông điệp “Hãy nhớ cái chết” (REMEMBER DEATH), theo Hyperallergic.
Kết hợp với chiếc đồng hồ cát, chủ nhân ngôi mộ nhắc nhở rằng đời người rất ngắn ngủi, chúng ta không nên lãng phí thời gian. James Leeson khiến người dân New York bối rối trong một thế kỷ. Ngày nay, ngôi mộ vẫn thu hút khách tham quan. Người ta coi nó là một phiên bản khó hiểu ở thế kỷ XVIII của thông điệp YOLO hiện đại, “Đời người chỉ có một lần” (You Only Live Once).