Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Phong Việt đi qua 10 năm thương nhớ

Góp nhặt những tâm tư, trăn trở vào trang thơ, tác giả Nguyễn Phong Việt nhắn nhủ bạn đọc: “Cuộc đời đã rất nhiều lần chắp vá, đừng xé thêm những ký ức yên vui”.

“Có rất nhiều hành trình trong kiếp sống, bước khởi đầu trên đó không thuộc về quyền lựa chọn của bạn mà do cuộc đời. Chặng đường 10 mùa Giáng sinh kể từ tháng 12/2012 chắc chắn là quãng đời như thế”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt mở đầu trong tập thơ mới ra mắt của mình.

Mỗi mùa Giáng sinh, Nguyễn Phong Việt đều đặn cho ra mắt một tập thơ. Đúng hẹn Giáng sinh năm nay, anh trình làng tập thơ mang tựa đề Đã đi qua thương nhớ. Đây là ấn phẩm đặc biệt đánh dấu hành trình 10 năm cầm bút của anh.

Phong cách và dấu ấn sáng tác của cây bút 8X này được thể hiện qua những trang thơ gây thương nhớ trong lòng độc giả. Đã đi qua thương nhớ là một tập thơ như vậy. Cuốn sách gồm 62 bài thơ, do Wavebooks và Nhà xuất bản Thế Giới liên kết phát hành.

Nha tho Nguyen Phong Viet anh 1

Sau 48 giờ ra mắt, tập thơ Đã đi qua thương nhớ vào danh sách bán chạy trên Tiki. Ảnh: Thu Huệ.

Những xúc cảm đan xen

Chia sẻ về sự nghiệp cầm bút 10 năm qua, Nguyễn Phong Việt nói: “Phải thú nhận, mình chỉ là con người nhỏ bé. Một ngày kia được tiếp nhận sứ mệnh nhỏ nhoi và rồi thong thả ngồi xuống viết ra”.

Chính sự “thong thả” trong cách viết ấy mang đến cho độc giả xúc cảm nhẹ nhàng về những suy tư, trăn trở trong đời sống tâm hồn con người, từ đó biết mạnh mẽ bước đi dẫu cuộc đời còn nhiều trắc trở.

Tác phẩm lên kệ trong những ngày cuối năm, nên nhiều vần thơ phảng phất đâu đó phong vị sắc xuân. Mình thương mùi Tết - một trong số những bài thơ của tuyển tập này - là ví dụ.

“Mình thương những vạt nắng / của chiều ba mươi vừa tắt / trước sân nhà… / Mình thương mùi nhang trầm len lén ở trong gió với bao nhiêu thiết tha / nhắc cho lòng nhớ những ngày thơ bé / mình bá cổ, choàng vai mẹ cha cười nắc nẻ / rồi cuộc đời bán cho một tấm vé / đi không thể khứ hồi…/”.

Tác giả không “thương” một đối tượng cụ thể, mà chỉ đơn giản gợi nhắc về “những vạt nắng” hay “mùi nhang trầm”, nhưng cũng đủ để độc giả cảm nhận được chữ “thương” ở mọi ngóc ngách của ngôn từ.

Không chỉ thế, anh còn thương “mùi ấm áp của lời hỏi han trên hành trình trở về”, “mùi thơ ấu”, để rồi kết lại: “Mình thương mùi Tết vì nơi ấy trong lòng chưa bao giờ chia hai”.

Người đọc tìm được giữa những dòng thơ ấy là suy tư của chính bản thân mình với những nhớ nhung, hoài niệm mỗi dịp ngày Tết đến gần kề.

Nguyễn Phong Việt dẫn dắt bạn đọc cùng “đi qua thương nhớ” để biết được rằng nhớ thương giờ chỉ còn nằm trong mệnh đề “đã”, đúng như tiêu đề tập thơ. Sau đó, anh đưa độc giả tìm đến những niềm vui sum vầy với bài thơ Chúng ta cởi áo khoác và ngồi xuống trong đêm Giáng sinh.

Nhà thơ biết vẫn còn nhiều người lạc lõng trong dịp này, nhưng anh kết lại: “Chúng ta đang có với nhau những giây phút sum vầy / mở lòng mình ra cho tim mình lấp lánh / mỗi ngọn đèn Giáng sinh đều thắp lên một hơi ấm… / Chúng ta cởi áo khoác và ngồi xuống trong đêm Giáng sinh / với những nhiệm màu”.

Nha tho Nguyen Phong Viet anh 2

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Ảnh: NVCC.

Bài học về sự trưởng thành

Bên cạnh những cảm xúc về sự cô đơn, phiền muộn hay khao khát tìm niềm vui, Đã đi qua thương nhớ còn mang đến cho bạn đọc bài học về sự trưởng thành, để biết được rằng khó khăn nào rồi cũng phải học cách chấp nhận, thay vì day dứt trong đó, hãy biết cách vượt qua. Đó cũng là lúc ta nhận ra mình cần quý trọng giá trị của hạnh phúc, niềm vui và sự tích cực.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ trong cuốn sách: “Mình không chọn nhìn thấy đớn đau trong tâm hồn để phải viết xuống trang giấy. Mình chẳng chọn những cảm xúc ray rứt lẫn hoang mang… Mình cũng không hề chọn ngoái nhìn những thương nhớ… Thật sự, mộng mơ của đời mình là sống một cuộc đời bình thường với tất cả yêu dấu bình dị nhất. Song ở đâu đó, đã có sẵn những thứ bày biện ra, hòng thử thách nước mắt cùng niềm tin của một con người”.

Tập thơ được viết trong năm cả nước cùng chống chọi đại dịch Covid-19 nên không thể thiếu những trăn trở của người cầm bút về sức mạnh của niềm tin. Thành phố này những sớm mai vẫn đẹp hay Một niệm lành là những bài thơ lột tả được tinh thần đó.

Nguyễn Phong Việt cho rằng dù “thành phố này có những chiều hoang mang vì phố xá vẫn im bặt âm thanh / tiếng còi xe, tiếng rao quen, tiếng mồ hôi nức nở”, nhưng vẫn “đầy bao dung không thể nói hết thành lời” và quan trọng nhất là có “những sớm mai vẫn đẹp”.

"Tập thơ đánh dấu việc chúng ta từng có những thương nhớ, day dứt trong cuộc đời nhưng rồi đến lúc phải bước qua và đi tiếp. Thương nhớ ấy không thể quên nhưng cũng không nên để nó níu kéo tâm hồn mình lùi lại mãi với thời gian, trong khi ngày mai là một ngày mới với những hành trình mới", nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói.

62 bài thơ trong Đã đi qua thương nhớ có chất thơ mộc mạc, giản dị nhưng chân thành, sâu lắng và mang nặng tâm tư. Đọc tập thơ, ta có dịp chiêm nghiệm những cung bậc xúc cảm đúc kết từ hành trình có đầy đủ thăng trầm để rồi cùng cảm nhận: “10 năm không chỉ là cơn gió thoảng”, đúng như lời tác giả viết.

Cũng vì lẽ đó mà một chữ “đã” thêm vào trong tựa sách sau 10 năm ra mắt tập thơ đầu tay Đi qua thương nhớ cho độc giả hình dung về thông điệp của Đã đi qua thương nhớ: Đã đến lúc mỗi người cần mạnh mẽ để bước tiếp một hành trình mới của cuộc đời với nguồn năng lượng tích cực để tái sinh tâm hồn.

Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980, là nhà thơ, nhà báo. Các tập thơ của anh đã thu hút nhiều độc giả.

Tên tuổi anh gắn liền các tập thơ: Đi qua thương nhớ (2012), Từ yêu đến thương (2013), Sinh ra để cô đơn (2014), Sống một cuộc đời bình thường (2015), Về đâu những vết thương (2016), Sao phải đau đến như vậy (2017), Chỉ cần tin mình là duy nhất (2018), Mình sẽ đi cuối đất cùng trời (2019), Bao nhiêu thương nhớ cho vừa (2020) và hiện tại là Đã đi qua thương nhớ (2021) - tập thơ khép lại hành trình 10 năm sáng tác thơ.

Thế giới ấm áp tình thân qua con mắt trẻ thơ

Nhìn thế giới qua con mắt trẻ thơ, tập “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” gồm các câu chuyện giản dị mà ấm áp tình thân.

Tinh thần Ngày thơ Việt Nam vẫn lan tỏa

Ngày thơ Việt Nam 2021 bị hủy nhưng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói tinh thần thơ sẽ lan tỏa trên truyền hình, mạng xã hội trong Tết Nguyên tiêu.

Nha xua yeu dau hinh anh

Nhà xưa yêu dấu

0

Bài thơ “Nhà xưa” của Thái Hoàng Duy in trong tập "Giữa những giờ tuyệt vọng". Đó là những ký ức bâng khâng khi trở lại căn nhà xưa yêu dấu.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm