Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô Brent (tiêu chuẩn toàn cầu) đã phục hồi lên gần 95 USD/thùng vào ngày 5/9 (theo giờ Việt Nam), nhưng vẫn chưa thể trở về mức cách đây một tuần.
Giá dầu thô thế giới đã lao dốc mạnh trong vòng một tuần qua. Giá dầu giảm mạnh từ gần 106 USD/thùng vào cuối tháng 8 xuống dưới ngưỡng 102 USD/thùng hôm 2/9.
Dầu thô WTI chuẩn Mỹ cũng chưa thể lấy lại mốc giá 90 USD/thùng. Giá phục hồi lên 89 USD/thùng sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 86 USD/thùng hôm 2/9.
Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng triển vọng u ám của những nền kinh tế lớn đã đè nặng lên thị trường dầu. Tuy nhiên, sự khan hiếm nguồn cung trên thực tế ngăn giá dầu rớt mạnh.
Biến động của giá dầu thô thế giới trong vòng một tuần qua. Ảnh: Trading Economics. |
Trung Quốc là ẩn số lớn
"Dầu thô lao dốc khi kinh tế Trung Quốc phải gồng mình trước các đợt bùng phát dịch mới. Cùng với đó là lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do lãi suất tăng cao", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
"Trung Quốc là ẩn số lớn nhất đối với diễn biến trên thị trường dầu thô toàn cầu. Đến nay, vẫn rất khó để dự đoán về nhu cầu tại đất nước tỷ dân", vị chuyên gia thừa nhận.
Theo ông, việc phong tỏa Thành Đô - một trong những trung tâm giao thông quan trọng của Trung Quốc - sẽ tạo ra cú sốc lớn đối với kinh tế Trung Quốc, vốn đã lao đao vì dịch bệnh và sự suy yếu trên thị trường nhà đất.
Dầu thô lao dốc khi kinh tế Trung Quốc phải gồng mình trước các đợt bùng phát dịch mới. Cùng với đó là lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do lãi suất tăng cao
Chuyên gia tài chính Edward Moya
Hôm 4/9, Trung Quốc gia hạn lệnh phong tỏa đối với một số quận tại Thành Đô - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Kể từ ngày 1/9, hơn 21 triệu cư dân ở Thành Đô được yêu cầu "ở nhà theo quy định".
Thành Đô hiện chiếm 1,7% GDP của Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ và hãng sản xuất xe lớn như Toyota Motor và Volkswagen Group China.
Ngoài Thành Đô, một số thành phố lớn khác như Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Đại Liên và nhiều khu vực ở Thâm Quyến cũng đang siết chặt các hạn chế để chống dịch.
Chỉ số quản lý thu mua trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc - do Caixin công bố - đã giảm từ 55,5 điểm trong tháng 7 xuống 55 điểm vào tháng 8.
Khi các hoạt động di chuyển, vận tải và sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn, nhu cầu dầu tại đất nước tỷ dân - thị trường dầu hàng đầu thế giới - được dự báo sẽ lao dốc.
Vào giữa tháng 8, OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đã điều chỉnh giảm dự báo đối với nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nguyên nhân được nhóm đưa ra là tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Đây là lần hạ dự báo thứ 3 của OPEC kể từ tháng 4 tới nay.
"Mối lo ngại suy thoái ngày càng phình to. Nếu một cuộc suy thoái thực sự xảy ra, tình trạng mất cân bằng cung - cầu sẽ được giải quyết phần nào, dù đó không phải là cách mà chúng ta mong muốn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
Đà tăng của đồng USD
Đà tăng của đồng USD, vốn được thúc đẩy bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất, cũng góp phần đẩy giá dầu đi xuống. Chỉ số USD đo lường sức mạnh của đồng USD với các tiền tệ chủ chốt khác đã tăng lên 109,9 điểm, mức cao nhất trong vòng 20 năm.
"Tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm Phố Wall. Điều này đưa đồng bạc xanh lên mức cao kỷ lục mới. Khi sức mạnh của đồng USD tăng lên, mọi hàng hóa khác đều bị ảnh hưởng", ông Moya giải thích.
"Thị trường dầu thô đang ở tình thế rất dễ tổn thương. Bởi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh phong tỏa, trong khi đồng USD đang trên đà tăng mạnh", ông Moya nhận định.
Theo ông, nếu FED tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất trong tháng 9, Phố Wall sẽ chao đảo, giá dầu WTI có thể trượt về vùng 80 USD/thùng.
Chỉ số USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm. Ảnh: Trading Economics. |
Tuy nhiên, nguồn cung bị thắt chặt có thể ngăn cản phần nào đà giảm mạnh của giá dầu.
Mới đây, Saudi Arabia cảnh báo OPEC+ (OPEC và đồng minh) có thể giảm sản lượng để kìm hãm đà giảm mạnh của giá dầu. Điều này khiến giá dầu phục hồi phần nào trước thềm cuộc họp của OPEC+.
Giá dầu cũng có xu hướng đi lên khi châu Âu đối mặt với nguy cơ Nga chặn hoàn toàn nguồn cung khí đốt qua đường ống chính Nord Stream 1. Mới đây, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom đã hoãn mở lại đường ống Nord Stream 1 do phát hiện lỗi trong quá trình bảo trì. Đáng nói, tập đoàn này không công bố thời hạn tái khởi động.
"Ngay cả khi một cuộc suy thoái thực sự xảy ra, giá xăng dầu vẫn ở mức cao do tình trạng khan hiếm nguồn cung", chuyên gia Moya nhận định.