Đầu tiên, người ta ngửi thấy mùi hôi thối, hăng mốc. Rồi sau đó, thứ âm thanh như tiếng sóng biển xuất hiện, đôi lúc như tiếng mưa va vào mái tôn, đi kèm những tiếng kêu như gió rít.
Ẩn mình trong bóng tối, nỗi kinh hoàng của bóng đêm, là đàn chuột hàng nghìn con. Chùng lởn vởn quanh hầm chứa lúa mì tại nông trại của gia đình Fragar, nằm cách Sydney 7 giờ lái xe.
Thời gian hạn hán qua đi, vụ mùa thu hoạch khấm khá đầu tiên sau nhiều năm của gia đình Fragar lại đang bị đàn chuột tàn phá.
Nhưng nhà Fragar không phải nạn nhân duy nhất. Vô số trang trại nằm dọc vành đai ngũ cốc phía đông Australia đang đối mặt với dịch chuột được miêu tả là tồi tệ chưa từng có trong ký ức của người dân, theo New York Times.
Chuột trong kho ngũ cốc tại trang trại của gia đình Fragar. Ảnh: New York Times. |
Dịch chuột đến sau năm mùa màng bội thu
Trung bình, cứ mỗi 10 năm, Australia lại đối mặt dịch chuột. Năm nay, đàn chuột xuất hiện sau một năm mưa thuận gió hòa 2020. Mùa màng bội thu, các kho chứa lương thực của nông dân đầy ắp, trở thành nguồn thức ăn lý tưởng cho loài chuột sinh sôi.
Dịch chuột năm nay cũng có một phần nguyên nhân từ sự thay đổi trong phương thức canh tác của người dân. Trước đây, nông dân thường đốt gốc rạ sau mỗi vụ mùa, trước khi bắt đầu gieo sạ. Nhưng 15 năm qua, nông dân Australia bắt đầu gieo sạ trực tiếp lên thân những cây lương thực cũ, nhằm bảo vệ môi trường.
Chính sự thay đổi này đã tạo ra thêm nguồn cung cấp thức ăn cũng như nơi làm tổ lý tưởng cho loài chuột.
Những tác nhân cả tự nhiễn cũng như do con người, kết hợp với chu kỳ sinh sản nhanh - một con mẹ có thể đẻ tới 6-10 cá thể chuột con trong 3 tuần, đã khiến số lượng loài chuột bùng nổ lên đến hàng triệu con.
Trong khi đó, chính quyền Australia bị chỉ trích phản ứng chậm chạp. Mới đây, sau quãng thời gian dài dịch chuột hoành hành, chính quyền tiểu bang New South Wales đã dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng chất độc bromadiolone, thứ được coi là "bom napal" đối với loài chuột.
Bầy chuột trên tấm bạt phủ ngũ cốc tại một trang trại ở Tottenham. Ảnh: AP. |
Tottenham là một thị trấn nhỏ ở khu vực trung tây của tiểu bang New South Wales. Cư dân tại đây cho biết họ chưa từng chứng kiến dịch chuột kéo dài như hiện nay trong quá khứ.
Mùa đông lúc này đang dần đến với nam bán cầu, trong đó có Australia. Thời tiết lạnh giá giúp làm chậm đà sinh trưởng của loài chuột.
Robert Brodin, chủ sở hữu một cửa hàng ở Tottenham, cho biết số lượng chuột ông bắt được mỗi sáng hiện là 15-20 con, giảm đi gần một nửa so với thời gian trước.
Tuy nhiên, ông Brodin tỏ ra hoài nghi trước khả năng dịch chuột sẽ chấm dứt chỉ nhờ vào mùa đông.
"Họ thường nói, một khi chúng (loài chuột) bắt đầu ăn thịt lẫn nhau, dịch chuột sẽ qua. Nhưng chúng đã ăn thịt lẫn nhau từ tháng 12/2020 và chẳng có gì thay đổi", ông Brodin cho biết.
Steve Henry, chuyên gia về dịch chuột tại Australia, thừa nhận rất khó để dự đoán khi nào dịch chuột hiện nay qua đi. Ông Henry cho biết dịch chuột chỉ có thể kết thúc khi nó đã đạt đỉnh.
"Dịch sẽ chấm dứt khi có quá nhiều chuột trong hệ sinh thái, tất cả chúng tương tác với nhau, làm dịch bệnh lây lan nhanh. Cùng lúc đó, đàn chuột hết thức ăn, chúng sẽ vừa bệnh, vừa đói, đó là khi chúng sẽ tấn công lẫn nhau và ăn các con non", chuyên gia Henry dự đoán.
Nếu đàn chuột sống sót qua mùa đông với số lượng lớn, quy mô đàn chuột sẽ lại bùng nổ vào mùa xuân, tình hình khi đó có thể càng trầm trọng hơn.
Cho tới khi dịch chuột qua đi, nó sẽ tiếp tục là gánh nặng tâm lý cho những người sống ở các khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng.
Cuộc sống đảo lộn
"Tôi cảm giác như đang chứng kiến đàn chuột gặm nhấm dần tương lai của gia đình", bà Kathy Fragar cho biết.
Trong thời gian nửa năm đầu của 2021, dịch chuột đã lan rộng khắp miền Nam Queesland, New South Wales và phía bắc Victoria, ba bang miền Đông giàu có nhất Australia.
"Dịch chuột là mặt trái của năm may mắn hiếm hoi thoát khỏi nạn hạn hán tồi tệ nhất trong vòng một thế kỳ", New York Times bình luận.
Không chỉ tấn công mùa màng, đàn chuột thậm chí tấn công con người ngay trong nhà. Chúng chui vào trong hệ thống điều hòa, phá hoại các thiết bị gia dụng, ăn thịt các loại gia cầm.
Hệ thống thông tin liên lạc ở một số khu vực ở Australia đã bị gián đoạn khi chuột cắn đứt dây cáp viễn thông. Chuột cắn dây điện cũng khiến chập mạch và làm một ngôi nhà ở New South Wales cháy rụi.
Ông Terry Klante đổ chuột ra khỏi bẫy. Ảnh: New York Times. |
Dịch chuột khiến người dân mỗi ngày phải làm những điều mà không ai thích thú. Tại các cửa hàng, nhân viên đặt bẫy vào mỗi tối, và đến sáng thì phải dìm chết những con chuột mà họ bắt được.
Tại các khu dân cư, những bãi "hỏa thiêu" mọc lên, đây là nơi người dân mang tới xác những con chuột họ tìm thấy hoặc tiêu diệt được để thiêu hủy. Các bệnh viện cũng chật vật với yêu cầu giữ gìn vệ sinh trước sự xâm nhập của đàn chuột.
Jeff Fragar, người chủ trang trại của gia đình, cho biết kho chứa lúa mì hao hụt trông thấy bởi sự phá hoại của đàn chuột. Ông Fragar hy vọng có thể bán được 500 tấn trong tổng số 700 tấn lúa mì đã thu hoạch được ở trang trại. Ngay cả với con số lạc quan như vậy, gia đình vẫn thiệt hại 30.000 USD.
Nhiều nông dân rơi vào tình cảnh hàng hóa bị trả lại bởi người ta phát hiện chuột trong các lô nông sản.
Ông Fragar cho biết lo ngại lớn nhất của gia đình hiện nay là nguy cơ không thể tiếp tục trồng trọt trong vụ mùa sắp tới. Trang trại gia đình Fragar đang trong thời kỳ gieo sạ.
Bầy chuột sẽ ăn bất cứ hạt giống nào con người gieo vào đất. Nhưng nếu cứ tiếp tục chờ đợi, thời gian lý tưởng để gieo sạ sẽ qua đi, trang trại có nguy cơ mất mùa, hay thậm chí là không có vụ mùa nào để thu hoạch.
Tổ chức vận động hành lang NSW Farmers cảnh báo bang New South Wales có thể thiệt hại hàng tỷ USD bởi dịch chuột ảnh hưởng tới vụ mùa lúa mì, lúa mạch và cải dầu sắp tới.
"Đã ba năm nay chúng tôi không thể trồng trọt gì được bởi hạn hán. Chúng tôi chỉ mới có nửa năm thời tiết thuận lợi, và rồi đàn chuột phá hoại tất cả. Nếu thời tiết không tiếp tục thuận lợi, tôi có thể nói là vận may đã hết. Ngân hàng sẽ không tiếp tục cứu giúp chúng tôi nữa", ông Fragar nói.
Chỉ còn biết chờ đợi
Jo Randall sống cách nông trại của gia đình Fragars hơn 100 km về phía nam. Người phụ nữ cho biết bà từng khóc thét khi phát hiện đàn chuột đã chui vào nhà và phá hoại đồ đạc.
Gia đình Randall tự cho mình là may mắn bởi họ có thể bảo vệ khu trang trại không bị chuột phá hoại, nhờ tích cực đánh bẫy và thiêu hủy đất canh tác.
Nhưng gia đình Randall sống trong một ngôi nhà cũ, với nhiều khe nứt, dễ dàng bị đàn chuột xâm nhập. Ngay cả khi trời giá rét vào buổi sáng, bà Randall cũng thường phải mở cửa sổ để giải phóng mùi hôi thối từ lũ chuột.
Con chó nhà đuổi theo chuột dưới tấm bạt phủ ngũ cốc tại trang trại của gia đình ông George Greig. Ảnh: New York Times. |
Trong ngôi nhà, khắp nơi là dấu vết của đàn chuột. Vỏ điện thoại của bà Randall bị nhai nát mép viền. Dàn âm thanh của gia đình thì hỏng hóc bởi bị cắn đứt dây. Chuột để lại dấu răng lên nhiều đồ vật khác trong gia đình.
Với bà Randall, giới hạn cuối cùng là lũ chuột chui vào giường ngủ. Điều này cuối cùng đã xảy ra, khi người phụ nữ tìm thấy phân chuột trên ga trải giường.
"Cuối cùng thì chúng tôi phải thừa nhận thực tế là chúng tôi sẽ không thắng cuộc chiến này, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi lũ chuột. Điều tốt nhất có thể làm là chờ đợi cho dịch chuột qua đi", bà Randall nói.