Ngoài cái chuyện bản tính không thể thay đổi, có một lý do nữa khiến cho Nguyễn Khải - theo sự nhìn nhận của cánh cùng cơ quan như bọn tôi - dám sống ích kỷ như trên còn là ở một quan niệm khổ hạnh nó chi phối sinh hoạt hàng ngày và cũng được ông thực thi một cách thuần thục.
Như nhiều người đã biết, trong những năm từ 1980 trở về trước, Nguyễn Khải và gia đình chỉ sống trong một căn phòng hẹp tổng cộng 14 mét vuông ngoài bãi Phúc Xá. Là người đã có ít lần lui tới nhà ông ngay từ hồi ấy, ở đây tôi phải nói thêm: Ngay so với đờì sống của dân Hà Nội những năm chiến tranh thì căn phòng đó cũng quá đạm bạc. Đồ đạc sơ sài. Về ánh sáng mà nói, cả phòng chỉ có một ngọn đèn 75 oát, rồi con cái thì học bài mà ông bố ngồi cạnh đọc sách chứ không có được những ngọn đèn bàn xinh xắn như các nhà khác.
Kể ra cũng có một đôi lần nhà văn liệp thiệp thế nào cũng xong này bị ngôi nhà ngoài bãi làm khổ. Ấy là những năm nước sông Hồng lên to, bãi Phúc Xá bị ngập. Cố nhiên loại người chỉ biết có văn chương và chỉ khôn ngoan trong viết lách như Nguyễn Khải không dám tính chuyện gác tre lên sát mái để cố thủ với nước.
Có lần ông còn đành bỏ phí cả một chiếc radio sang trọng trong tủ không kịp chạy (hồi đang chiến tranh, radio là một thứ của hiếm ở Hà Nội, còn quý hơn cả TV thời nay). Nhưng qua cơn nước rồi là Nguyễn Khải lại đưa gia đình về bãi sống thoải mái.
Trong đời sống hàng ngày, có thể nói đây là một người hay la cà, lúc rỗi sẵn sàng ngồi ở một quán nước vỉa hè bắt chuyện với một người qua đường và ngay cả trong những ngày viết bận nhất, vẫn dành thì giờ lên phố ghé lại một tòa soạn báo nào đó tán gẫu mấy câu để lấy không khí. Thế nhưng kéo được Nguyễn Khải vào một đám lai rai suốt ngày thì xưa nay chưa ai làm nổi.
Đi ra với đời là để có lúc trở về với trang giấy, và chỉ có viết là công việc duy nhất có ý nghĩa - đấy là điều mà theo ông, người viết nào cũng nên tuân thủ.
Khoảng 1966-1967, thấy Đỗ Chu đang viết lên tay với tập Phù sa, và đang chuẩn bị viết Ráng đỏ, Nguyễn Khải thường bảo: “Lúc ngòi bút đang đà thế này, có khi cả chuyện tình yêu cũng nên gạt sang một bên mà lo viết cái đã”.
Luôn luôn Nguyễn Khải quan niệm mình sinh ra chỉ để viết, toàn bộ cuộc sống phải dồn theo cái định hướng đã chọn.
Nghe ra có vẻ lạ tai nhưng quả thật chính vì có một mục đích rõ ràng mà cuộc sống với ông trở nên nhẹ nhõm. Ông thường đến với mọi người với vẻ thoải mái như không có chuyện gì phải lo nghĩ hết.
“Lúc nào cũng nhăn nhở như con đĩ đánh bồng” - đã có người nửa đùa nửa thật ví von như vậy.
- Ô, việc gì mà tôi không vui nào! Tôi thích viết, viết ra có người đọc. Lương với nhuận bút cộng lại cũng đủ sống, sức khỏe tạm ổn, thế thì còn ước ao gì hơn.
Ngừng lại một lúc và hạ giọng xuống một chút, Nguyễn Khải từ tốn bổ sung thêm:
- Đã có mấy người ra nhà tôi ở bãi Phúc Xá, về sau thú thực rằng không ngờ một nhà văn lại ngồi viết ở cái căn phòng tồi tàn đến vậy, những nghĩ đã sợ. Họ có biết đâu lắm lúc mình lại linh cảm rằng nếu sống cho sướng hơn sẽ không viết được.
- Có thật là ở anh không còn cần gì nữa không?
- Thú thực là cũng còn thèm nhiều thứ chứ. Nhưng tính tôi hay sốt ruột, làm việc gì mất nhiều công sức đều thấy ngại. Chờ đợi mong mỏi van vỉ, chạy đôn chạy đáo hết cửa này đến cửa khác, thấy việc mọi người làm đều có lý, nhưng đến lúc chính mình phải làm thì ngại và đành chuồn ngay đầu nước.
Cũng phải nói ngay ở đây rằng sự dễ dàng trong cách sống của Nguyễn Khải không phải là sự cẩu thả. Trang sách được ông chăm sóc kỹ lưỡng. Mà trong gia đình ông cũng là một người chủ có trách nhiệm.
Có lần tình cờ được đọc ít bản thảo Nguyễn Khải viết những năm 59-60, tôi ngạc nhiên nhận ra ở nhiều mép trang những con số chỉ nhiệt độ, thì ra lúc ấy, có một đứa con trong nhà bị sốt và ông cứ vừa viết vừa nghĩ đến con.
- Tại sao anh quá tỉ mỉ như vậy?
- Chẳng qua tính tôi vốn nhát, lúc nào cũng ghê sợ có chuyện gì đó phiền phức đang rình rập.
Để cho liên tưởng đi xa một chút, có thể mạnh dạn nhận xét rằng cách sống khổ hạnh của Nguyễn Khải nói ở đây có nhuốm một chút màu sắc tôn giáo.
Cá nhân mỗi chúng ta hôm nay là một cái hố trũng, trăm nghìn ảnh hưởng dồn về nên bảo rằng một con người hiện đại như Nguyễn Khải có chất tôn giáo thoạt nghe có vẻ kỳ quặc, song sự thực là vậy: Thờ phụng cuộc sống, tuyệt đối hóa cuộc sống đó; xem đây là dịp duy nhất mình được thi thố tài năng nên khổ sở thế nào cũng chịu, vất vả thế nào cũng cam; cho rằng không chỉ cái vui trần thế ăn ngon mặc đẹp là đáng tự hào, mà quan trọng hơn là những niềm vui tinh thần như được lên tiếng trước mọi người, được nói để mọi người lắng nghe...
Những cách nghĩ đó là gì nếu không phải là một thoáng tôn giáo nó lẩn quất trong tâm trí Nguyễn Khải và bởi nó giúp ông giải phóng sức lực và làm cho ông đi thẳng tới cái đích đã vạch, nên ông đã tự nguyện để nó thấm vào cuộc sống của mình từ lúc nào không biết.
Cũng không nên quên rằng Nguyễn Khải là người sớm thâm nhập và viết về những người công giáo như trong Xung đột, và về sau, ông còn là tác giả của Cha và con và..., Thời gian của người, Điều tra về một cái chết.
Trong các tác phẩm nói trên, nhân vật của ông dù là làm gì và tin ở tôn giáo nào, thì cũng đều có chỗ giống ông là xem trọng đời sống tinh thần và say mê đắm đuối theo đuổi cái mục đích mà họ đã tự nguyện gắn bó.
Có lẽ không phải là quá suy diễn nếu bảo rằng Nguyễn Khải đã lấy bản thân ra để viết.
Tuy nhiên chỉ trong nửa sau cuộc đời viết văn của nhà văn này thì việc khai thác bản thân mới được làm một cách có ý thức.
Có một thực tế là các yếu tố tự truyện không thấy thật rõ trong tác phẩm của Nguyễn Khải từ 1975 về trước. Mãi sau khi đất nước thống nhất, ông mới ít nhiều hé mở cho thấy gia cảnh nhà ông ra sao và nhất là từ 1986 mới có những trang truyện ở đó ông trực tiếp nói về mình hoặc tự nhìn nhận về cái hay cái dở của con người mình.
Mọi chuyện đã diễn ra như thế nào?
Hồi trẻ ông không viết về bản thân vì cái tinh thần khắc kỷ mà thời đại yêu cầu và chính ông thích thú.
Nhưng hầu như tất cả người viết văn đều biết rằng không ai thoát được bản thân và muốn hay không muốn, cái chủ quan của người viết đều tìm cách có mặt trong các trang sách, và một người lịch lãm trong nghề như Nguyễn Khải không thể không biết điều đó.
Rồi cái nguyên cớ cụ thể đã tới: Khi lựa chọn tài liệu để viết, người nghệ sĩ trong Nguyễn Khải những năm sau 1975 thầm mách bảo với ông rằng lúc này không gì có hiệu quả hơn chính những chuyện trong gia đình ông và họ hàng gần gũi với ông.
Thế là để được viết, để mong có dịp tung hoành ngòi bút ở một khu vực mới mẻ, để gây được những hiệu quả có thể nói là bất ngờ với mọi người, Nguyễn Khải xăm xăm băng lối vườn khuya một mình - dám làm cả những việc trước đây ông nghĩ rằng mình không bao giờ làm.
Nguyễn Khải là cả một mớ mâu thuẫn. Là giấu mình đi thật kín và khai thác mình đến cùng. Là chỉ muốn yên thân và sẵn sàng lao vào những cuộc phiêu lưu hào hứng. Là sống chan hòa với mọi người và cực kỳ cô đơn. Là mơ tưởng những điều cao xa và cũng tha thiết với những điều trần tục như bất cứ ai. Là nhạy cảm và cũng là lì lợm bất chấp dư luận. Là ích kỷ và là khổ hạnh...
Tất cả đều có thể có ở Nguyễn Khải miễn là hoàn cảnh đòi hỏi, cụ thể hơn miễn đó là để cần cho sự sáng tác, cho cái sự ông được mọi người biết tên biết mặt.
Vào khoảng mấy năm 1976-1977, có một bộ sách mà anh em viết văn ở tạp chí Văn nghệ quân đội truyền tay nhau đọc: Bộ chưởng Lục mạch thần kiếm của Kim Dung. Trong sách có nhân vật mang tên Mộ Dung Phục. Đó là kẻ cả đời theo đuổi đến cùng một mục đích, gần như quên mình vì mục đích và nếu như phải dùng bất cứ phương tiện nào đạt đến mục đích đã đặt ra thì cũng sẵn sàng.
Không nhớ có phải Nguyễn Khải đã tự nhận hay là có ai đó phát hiện ra, chỉ biết rằng tự nhiên nhiều người cảm thấy là giữa Nguyễn Khải và Mộ Dung Phục có nhiều phần giống nhau: Chỗ nồng nhiệt hơn người của nhà văn này, chỗ làm nên sức mạnh, sự quyến rũ và cả những bi kịch của ngòi bút ông cũng chính là ở cái ám ảnh muốn được lên tiếng, khao khát được viết.
Ở chỗ không ai viết được mình cũng có thể viết và lại viết hay viết giỏi hơn người - mọi người cầm bút đều có thể có lúc nghĩ vậy, nhưng đến Nguyễn Khải thì phải nói ông đã sống với tư tưởng đó thật mãnh liệt, nó là lẽ sống của ông, là nỗi đau thiêng liêng và cũng là niềm vui trần thế nơi ông.
Cái câu ngày nào ông dùng để phác hoạ bản chất nhân vật Tuy Kiền “Một con người tuy tinh khôn nhưng cũng rất đỗi thơ ngây, tính toán chi li nhưng trong quan hệ bạn bè lại hồ hởi rộng rãi và ông ta có thể dám làm tất cả mọi việc miễn sao hoàn thành được chức trách của mình” - không gì khác cũng mang tính cách tự thuật.
Nhiều lần Nguyễn Khải nói với tôi thoáng qua một chút tự hào:
- Ông xem trước sau tôi vẫn là tôi chẳng có gì thay đổi cả.
Nhưng cũng không biết bao lần, nhất là sau khi cho in một cuốn sách mới và được nhiều người xôn xao bàn tán, ông nhìn tôi với vẻ ngấm ngầm thách thức:
- Đã thấy chưa, không gì có thể ràng buộc được tôi. Cần ngả mặt hàng gì tôi cũng làm được. Cần múa trên một khoảng hẹp bằng độ bàn tay như thế này tôi cũng múa được.
Thông thường ở nhiều người ý niệm tự do được hiểu với nghĩa ta muốn làm gì thì làm. Còn Nguyễn Khải, ông cảm thấy rất rõ hoàn cảnh là cụ thể. Với ông, tự do bao giờ cũng có giới hạn và tài năng của mỗi ngòi bút là ở chỗ vẫn tìm được đầy đủ hào hứng sống và viết trong những giới hạn được phép.
Đôi khi có cảm tưởng riêng cái việc gây cho mọi người ngạc nhiên, họ tưởng mình là thế này mà mình hóa ra thế khác, tưởng mình bó tay bất lực song mình vẫn tung tẩy thoải mái như thường... riêng cái việc đó đã khiến Nguyễn Khải náo nức kỳ lạ.
Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang bề bộn,b óng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen đầy rẫy những biến động những bất ngờ - đấy mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ.
Hãy ném mình vào những hoàn cảnh rắc rối nhất mình vẫn tìm được lối thoát rất hiệu nghiệm.
Thành ra còn làm việc thì còn mới, hết làm việc ngày trước ngày sau đã cũ mèm...
Những khái quát kiểu đó rất tiêu biểu cho Nguyễn Khải: Ở ông có cái lối sùng bái hành động thường thấy ở con người hiện đại, lại có lối phù thịnh một cách rất tự nhiên và nếu suy cho cùng ông chính là người đã tuân theo những quan niệm hiện sinh với nghĩa sơ giản nhất của hai chữ hiện sinh, theo đó tính độc đáo tuyệt đối của tồn tại con người được đặt lên hàng đầu.
Đã đành là nhìn cho kỹ thì mỗi chúng ta đều mang những đặc điểm của hoàn cảnh xã hội hôm nay. Tuy nhiên bao giờ cũng vậy, cũng có những người mà ở họ tính hội tụ cao hơn, khả năng đại diện rõ rệt hơn.
Tôi ước ao rằng qua mấy nét phác hoạ ở đây, bạn đọc có thể chia sẻ với tôi cái ấn tượng cuối cùng ở tôi về con người Nguyễn Khải: Nhà văn này mang khá rõ những đặc điểm của con người Việt Nam từ sau 1945. Niềm vui hồn nhiên trước cái hạnh phúc bé nhỏ vừa giành được; khao khát làm nên những kỳ tích lớn lao; thiên hướng gạt bớt đi những gì phức tạp trong suy nghĩ để còn tập trung cho các công việc chung cấp bách hơn...
Rồi cả cái lối hay lý sự hay khái quát, sự thường xuyên quan tâm tới nhau và khi cần thì nói tuột vào mặt nhau, dí điện nhau lột mặt nhau, cốt để thúc đẩy nhau trong công việc, nỗi niềm rưng rưng cảm động cùng những ao ước khôn nguôi về một ngày mai tốt đẹp hơn - có bao nhiêu đặc điểm trong cách sống cách nghĩ của con người đã được các nhà văn tiếp nhận và trình bày không chỉ bằng tác phẩm mà còn bằng chính con người của họ và chính vì thế sự suy nghĩ về mỗi số phận văn học hàm chứa rất nhiều thú vị.
Thời gian làm cho mọi người thay đổi và Nguyễn Khải cũng không ra khỏi quy luật chung. Từ thuở Hội nhà văn Việt Nam thành lập 1957 đến nay, hơn bốn chục năm đã trôi qua, và mới đây (2001), có dịp đọc lại một bài phát biểu trong Hội nghị thành lập Hội, tôi không khỏi ngạc nhiên vì cách ăn nói của thời ấy:
- Còn về phần chúng ta thì chúng ta nên bớt nói, bớt tuyên bố (...). Vì nếu chỉ bằng cái mồm thì không ai tin được ai cả. Hiện giờ có một số đồng chí rất chú ý tìm tòi, sáng tạo trong phạm vi nghệ thuật. Riêng tôi rất mừng vì những đồng chí đó không những có chí mà còn có tài nữa (...). Còn một số rất ít các đồng chí khác cũng đã nói nhiều lắm rồi, phê phán nhiều rồi thì tôi cũng xin các đồng chí đó nên viết đi (...).
Nhưng nếu một năm nay, cả năm tới, hay cả năm sau nữa mà ta cũng chưa viết được cái gì nốt (...) thì ta chớ có trách, quần chúng họ sẽ không nể nang gì mà hạ một câu: “Các ông chỉ tài tán róc”.
Trước đó, ở một đoạn trên, còn có cái câu chua ngoa mà rất thực:
- Nghĩa là làm được nhà văn cũng dễ hóc lắm, chứ không phải muốn là được đâu. Nếu quá dễ dàng thì chúng ta cũng thất nghiệp từ lâu rồi.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là những lời lẽ đó lại là của Nguyễn Khải, người gần đây sẵn sàng nói đi nói lại rằng mình thật ra bất tài chỉ nhờ gặp thời mà trở thành nhà văn.
Cố nhiên vấn đề không phải là phân tích xem khi nào Nguyễn Khải nói sai khi nào nói đúng. Dẫn lại lời xưa và so sánh với lời nay, tôi chỉ muốn nói nhà văn này đã có một cuộc tồn tại dài dài trong văn chương, ông đã dập dềnh thay đổi theo thời cuộc và sự thay đổi của ông chẳng qua phản ánh sự thay đổi trong tâm thế các nhà văn cũng như sự thay đổi trong khí hậu tinh thần của xã hội nói chung. Có phần của mỗi chúng ta trong những trang sách mà ông đã viết.