Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ xung đột từ cơn sốt khí đốt Địa Trung Hải

Mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh thuộc NATO - đã cuốn các quốc gia láng giềng vào cuộc và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Trước đây, những bất đồng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu xoay quanh Cyprus. Sự bế tắc trong việc tiếp cận các nguồn dự trữ khí đốt gần đây đã đẩy Libya, Israel, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào cuộc tranh chấp này.

Bên cạnh đó, các vấn đề chính trị khác ở Địa Trung Hải bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng nói trên làm dấy lên lo ngại về xung đột quân sự giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên biển Aegean.

Cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dẫn đầu các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) phản đối chính sách ngoại giao quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố nước này không còn là đối tác của EU tại Địa Trung Hải.

Ông Macron đồng thời mở lời với Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis về đề nghị hỗ trợ quân sự cho Hy Lạp, bao gồm giao dịch bán 18 chiến đấu cơ Rafale.

tranh chap khi dot giua Hy lap va Tho Nhi Ky anh 1

Tàu chiến Hy Lạp tập trận trên vùng biển Địa Trung Hải vào tháng 8. Ảnh: AFP.

Nỗ lực hòa giải đa phương

Vấn đề về mối bất hòa này nằm trong chương trình nghị sự của giới lãnh đạo các nước thuộc liên minh Med7 ở phía nam Địa Trung Hải hôm 10/9. Cuộc họp của Hội đồng EU ngày 23/9 cũng dự kiến thảo luận về việc áp đặt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc lên lĩnh vực ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Với vai trò là nước trung gian hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, Đức đang tập trung thiết lập một liên minh thuế quan tăng cường giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ để làm dịu tình hình, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nguồn hydrocarbon giàu có đã được phát hiện ở Địa Trung Hải trong thập kỷ qua.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã hướng đến việc thành lập một khu vực thương mại tự do rộng hơn với khối EU.

Trong khi đó, Hy Lạp cho rằng đề nghị mở rộng liên minh thuế quan từ phía Thổ Nhĩ Kỳ là một hình thức tạo áp lực để đạt được mục đích. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Đức tin rằng cần phải vừa nhượng bộ vừa cứng rắn để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chiến lược của mình.

Tuy nhiên, Đức cũng cảnh báo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ rằng cách giải quyết đơn phương của ông hiện tại sẽ sớm đi vào ngõ cụt trên khía cạnh thương mại, vì không doanh nghiệp tư nhân nào có thể hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này cố gắng khai thác các yêu sách bất hợp pháp về trữ lượng khí đốt.

tranh chap khi dot giua Hy lap va Tho Nhi Ky anh 2

Tổng thống Erdogan nhận cảnh báo về động thái giải quyết tranh chấp một cách đơn phương. Ảnh: AP.

Năm 2019, Israel, Ai Cập, Hy Lạp, Cyprus, Italy, Jordan và Palestine đã thành lập một diễn đàn mang tên East Med Gas để vạch ra kế hoạch chung về khai thác và xuất khẩu khí đốt từ khu vực.

Pháp cũng tỏ ý muốn tham gia diễn đàn. UAE vốn đang tìm cách ngăn cản sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya nên bày tỏ sự ủng hộ đối với East Med Gas. Các quốc gia này hợp lại thành một mạng lưới chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc gia Trung Đông này lập luận rằng Hy Lạp đang tuyên bố độc chiếm chủ quyền kinh tế đối với biển Aegean trong khi Thổ Nhĩ Kỳ mới là nước có đường bờ biển dài hơn.

Tổng thống Macron đã tăng cường sự hiện diện của hải quân Pháp trên khu vực biển Aegean và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rút tàu trinh sát Oruc Reis và các tàu hải quân khác của nước này đang đóng trong vùng biển nói trên.

tranh chap khi dot giua Hy lap va Tho Nhi Ky anh 3

Tàu trinh sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biển Aegean. Ảnh: Getty.

Lo ngại cuộc xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát, các bên liên quan cố tìm kiếm chương trình nghị sự thống nhất và đơn vị trung lập đứng ra hòa giải.

Tuy nhiên, Hy Lạp đã phản đối sự vào cuộc của NATO khi tổ chức này nỗ lực tổ chức các buổi đàm phán về lực lượng hải quân của các nước trong khu vực. Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias khẳng định rằng đàm phán sẽ chỉ bắt đầu khi không còn mối đe dọa nào hiện hữu. Sau đó, ông Dendias đã đến New York để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Những nỗ lực hòa giải của EU đã cho thấy những tiến triển nhất định. Theo yêu cầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Erdogan đã tạm dừng các hoạt động thăm dò gần Cyprus vào tháng 8 và chỉ tiếp tục tiến hành khảo sát sau khi công bố một thỏa thuận biên giới trên biển với Ai Cập.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng trong quá trình điều đình căng thẳng, EU có xu hướng thiên vị các quốc gia thuộc khối này, cụ thể là Hy Lạp và Cyprus.

Tranh chấp biển đảo

Việc đạt được một thỏa thuận song phương vào thời điểm này là rất khó, bởi cả Hy Lạp lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều có những yêu sách chính đáng và cả hai nước có cách diễn giải luật biển quốc tế khác nhau, dẫn đến sự mâu thuẫn trong cách nhìn nhận phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), được ký bởi 167 quốc gia (không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ), Hy Lạp sở hữu 12 hòn đảo nằm rải rác ở Dodecanese phía đông Cyprus, do đó có thể đưa ra các yêu sách về quyền thăm dò.

Trong khi đó, hòn đảo nhỏ mang tên Kastelorio cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 2 km và cách Hy Lạp tới 500 km, thuộc chủ quyền của Hy Lạp. Tuy nhiên, hòn đảo này đã trải qua khoảng thời gian dài nằm dưới sự bảo hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Đức và Anh. Trên cơ sở đó, Thổ Nhĩ Kỳ dự định gửi tàu ra đảo Kastelorio để tiến hành thăm dò trữ lượng hydrocarbon.

tranh chap khi dot giua Hy lap va Tho Nhi Ky anh 4

Một giàn khoan ngoài khơi Limassol, Cyprus. Ảnh: AP.

Giới phân tích cho rằng hai bên nên cố gắng giải quyết bất đồng thông qua phương pháp hòa giải trung gian. Trên thực tế, nhiều chuyên gia nhận định tòa trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan, có thể sẽ không tán thành với cách xác định vị trí và lãnh thổ theo chủ nghĩa tối đa của Hy Lạp.

“Khi giải quyết tranh chấp, câu hỏi chính được đặt ra là liệu các đảo đang tranh chấp có chung khu vực biển với phần đất liền của quốc gia đòi chủ quyền hay không”, chuyên gia luật hàng hải người Thổ Nhĩ Kỳ Yunus Emre Acikgonul viết.

Ông Acikgonul nói thêm rằng những yếu tố như kích thước, tình trạng và vị trí của hòn đảo so với đất liền nên được xem xét.

Nhiều nhà ngoại giao hoài nghi về nguyên nhân thực sự châm ngòi cho tranh chấp biển đảo dai dẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số chuyên gia cho rằng bên cạnh nhu cầu gia tăng về khí đốt, nhiều khả năng lý do dẫn đến xung đột là bởi Tổng thống Erdogan đang cố áp đặt hệ tư tưởng Hồi giáo Ottoman, xuất phát từ sự thất thế trên chính trường trong nước của ông.

Pháp đưa tàu chiến đến Cyprus giữa căng thẳng leo thang với Thổ Nhĩ Kỳ

Căng thẳng giữa hai đồng minh NATO gia tăng sau khi Pháp triển khai một số tàu chiến đến phía đông Địa Trung Hải hỗ trợ Hy Lạp trong tranh chấp thăm dò dầu khí với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hy Lạp đặt quân đội ở tình trạng báo động vì tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ

Quân đội Hy Lạp đang được đặt dưới tình trạng báo động cao, đồng thời lực lượng hải quân và không quân cũng được điều động trong kỳ nghỉ lễ do căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ leo thang.

CEO Jeju Air xin loi hinh anh

CEO Jeju Air xin lỗi

0

Hãng hàng không Hàn Quốc Jeju Air ngày 29/12 gửi lời xin lỗi sâu sắc sau khi một máy bay Boeing 737-800 của hãng gặp tai nạn tại sân bay Muan, Tây Nam Hàn Quốc.

Đại Hoàng

theo Guardian

Bạn có thể quan tâm