Hai quốc gia đang mâu thuẫn về hoạt động thăm dò các mỏ năng lượng ở phía đông Địa Trung Hải, theo Guardian.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động Oruç Reis, tàu thăm dò được các pháo hạm hộ tống, đến nghiên cứu địa chất ở các vùng biển tranh chấp. Trước động thái đó, Athens tăng cường kêu gọi Ankara dừng các hoạt động "bất hợp pháp.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Pháp và Israel đã bày tỏ lo ngại về tình trạng hiện nay.
“Đất nước của chúng tôi không đe dọa (bất cứ ai), nhưng cũng không thể bị hăm dọa", Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói tối 12/8. “Mọi người nên biết rằng có nguy cơ xảy ra đụng độ khi có quá nhiều lực lượng quân đội tập trung trong một khu vực giới hạn”.
Tàu thăm dò Thổ Nhĩ Kỳ Oruç Reis được điều động đến nghiên cứu địa chấn ở các vùng biển tranh chấp ở phía đông Địa Trung Hải. Ảnh: AFP. |
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm, Thủ tướng Mitsotakis hôm 13/8 cảm ơn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gọi ông là "người bạn thực sự của Hy Lạp và người bảo vệ nhiệt thành các giá trị châu Âu và luật pháp quốc tế".
Trước đó, tổng thống Pháp yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng các cuộc thăm dò và nói rằng ông sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực. Pháp cũng xác nhận đang điều động hai máy bay chiến đấu Rafale và một tàu khu trục hải quân đến phía đông Địa Trung Hải.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng tuyên bố tương tự, rằng Ankara sẽ bảo vệ “quyền, mối quan hệ và lợi ích của mình” ở các khu vực ven biển.
“Bất chấp tất cả những điều này, chúng tôi muốn tin rằng lẽ thường sẽ chiếm ưu thế… biển cả là quê hương xanh của chúng tôi. Mỗi giọt nước đều có giá trị”, Bộ trưởng Akar nói với Reuters.
Các yêu sách này xoay quanh mâu thuẫn của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vùng biển đang tranh chấp ở phía đông Địa Trung Hải, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác.