Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Motsotakis đêm 12/8 cảnh báo về rủi ro xảy ra tai nạn ở vùng biển ngoài khơi đảo Cyprus với quá nhiều khí tài quân sự tập trung cùng một khu vực. Nước này đang đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ về thăm dò khí đốt ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải.
Căng thẳng châm ngòi khi Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy ý định khai thác dự trữ dầu khí xa bờ gần đảo Cyprus. Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã điều tàu thăm dò Oruc Reis đến vùng biển tranh chấp, được một số tàu quân sự hộ tống.
Ngày 11/8, căng thẳng gia tăng khi xuất hiện thông tin một tàu quân sự Hy Lạp áp sát tàu Oruc Reis và suýt va chạm với tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Hy Lạp không lên tiếng xác nhận vụ việc này.
Tàu thăm dò Oruc Reis của thổ Nhĩ Kỳ được triển khai đến ngoài khơi đảo Cyprus. Ảnh: Reuters. |
Hy Lạp và chính quyền đảo Cyprus đã kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) phản ứng quyết liệt hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng hoạt động thăm dò đơn phương tại vùng biển. Trước vụ việc, quan hệ Paris - Ankara đã căng thẳng vì ủng hộ các phe khác nhau trong nội chiến Lybia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định "tạm thời củng cố" hiện diện quân sự trên vùng biển. Quyết định "nhằm giám sát tốt hơn tình hình tại khu này thuộc Địa Trung Hải và đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng", theo thông cáo của điện Elysee sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Mitsotakis.
Pháp cho thêm 2 chiến đấu cơ Rafale đến căn cứ của Hy Lạp trên đảo Crete. Khu vực phía đông Địa Trung Hải còn có 2 tàu chiến Pháp bao gồm tàu sân bay trực thăng Tonnerre, đang làm nhiệm vụ cứu trợ Lebanon, và khinh hạm La Fayette, vốn đang diễn tập chung với Hy Lạp ở Cyprus.
Chiến đấu cơ Rafale Pháp được triển khai đến căn cứ trên đảo Crete của Hy Lạp. Ảnh: AP. |
"Không quốc gia, công ty hay tàu thuyền nào của nước ngoài được phép đi vào vùng hàng hải của chúng ta", Tổng thống Erdogan ngày 13/8 cảnh báo.
"Chúng ta nhìn thấy khiêu khích từ một quốc gia không có đường bờ biển ở đông Địa Trung Hải, thúc đẩy Hy Lạp và chính quyền đảo Cyprus của Hy Lạp chọn những bước đi sai lầm", ông ám chỉ động thái quân sự của Pháp.
Ông Steffen Seibert, người phát ngôn cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết Berlin "rất quan ngại về diễn biến căng thẳng mới nhất". Đức đang trao đổi với cả hai phía.
Berlin đánh giá việc chính phủ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại trực tiếp với nhau là "khẩn cấp cần thiết". Tổng thống Erdogan ngày 13/8 thông báo ông sẽ điện đàm với cả Thủ tướng Merkel và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.