Trở lại vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thời điểm này, chúng tôi không còn thấy những vườn xanh mướt, trĩu trái, mà thay vào đó là trồng xen canh, hoặc đã chuyển đổi sang cây trồng mới. Đi đến đâu hỏi thăm chúng tôi cũng chỉ thấy bà con lắc đầu ngao ngán, thậm chí nhiều chủ vườn đã từng gắn bó với cây ăn trái đặc sản này hàng chục năm cũng không còn mặn mà.
Teo tóp
Điển hình như ông Tư Xê, ấp Hữu Lợi, xã Hữu Đạo, người có thâm niên 15 năm trồng vú sữa Lò Rèn. Giờ đây cứ ai đề cập đến việc khôi đầu tư phục lại vườn vú sữa là ông gạt phắt. Số là vài năm gần đây, vườn vú sữa nhà ông bị bệnh khô cành, thối rễ rồi chết nên phải đốn bỏ để thay thế bằng bưởi da xanh và dừa. Từ hơn 100 cây vú sữa Lò Rèn đã chết dần chết mòn chỉ còn vài chục cây đang sống thoi thóp. Ông Xê đang chuẩn bị đốn nốt để tiếp tục “chữa cháy” bằng bưởi và dừa.
Nhà vườn đến nay không còn mặn mà với cây vú sữa.
|
Tương tự, dù nhiều năm gắn bó với cây vú sữa nhưng trước thực trạng vườn cây đang tàn lụi dần khiến ông Nguyễn Văn Hòa, xã Kim Sơn cũng phải đốn bỏ. Ông Hòa than vãn: “Không hiểu sao những năm gần đây, tuổi thọ của vú sữa Lò Rèn ngày càng giảm, mặc dù đầu tư chăm sóc tốt nhưng cây vẫn bị suy kiệt nhanh. Thực tế vòng đời của cây vú sữa bây giờ chỉ còn khoảng vài năm là hỏng nên không hiệu quả bằng trồng sầu riêng hay sa pô!”
Gần đó ai đi ngang qua vườn nhà ông Lê Văn Đông (Mười Đông) ở ấp Long Trị, xã Bàn Long cũng lắc đầu xót xa bởi khu vườn tan hoang như có ma làm. Ông Mười Đông thở dài tâm sự: “Chẳng hiểu thứ bệnh gì mà oái oăm thế, cứ “ăn” mục nát hết cả chùm rễ khiến cho ngọn cây vú sữa héo quắt như bị “ung thư” thì còn hy vọng gì cứu chữa nổi. Thậm chí bà con chúng tôi đã chủ động tìm mọi cách phòng trị bệnh cho cây nhưng cũng đành bó tay!”.
Số lượng trái vú sữa của HTX thu mua được từ nhà vườn rất ít... |
Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, trước đây nhà vườn ít bón phân vô cơ, không xử lý nhiều nên cây vú sữa sống thọ, năng suất cao. Tuy nhiên, gần đây người dân khai thác quá mức khả năng cho trái khiến cây suy kiệt, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Mặt khác các loại cây ăn trái khác phát triển rất mạnh nên nhà vườn có nhiều sự lựa chọn.
Theo ông Mười Đông, gia đình ông trồng vú sữa từ sau giải phóng, với diện tích khoảng 7.000 m2. Trước kia vườn phát triển rất tốt nhưng mấy năm gần đây thấy rễ cây vú sữa bỗng dưng bị bong vỏ ngoài, dẫn đến cành lá bị héo khô và trái cũng nhỏ dần. Ông vội tìm mua giống vú sữa nâu về trồng xen, nhưng chẳng được bao lâu cả hai cũng đều "dính" bệnh, cả vườn cây teo tóp. Đến nay ông đã đốn gần hết, chỉ còn giữ lại gần chục gốc vú sữa già, thay vào đó là cây mít Thái.
Chờ đốn củi
Trước tình trạng vườn vú sữa có hiện tượng khác thường, chỉ cần rung nhẹ trái rụng như mưa rào, không thể ngồi yên, một nhóm nhà vườn đã bàn nhau đào những gốc cây lên để tự “chẩn bệnh”. Khi cạy từng mảng vảy xám xịt ở gốc rễ, mọi người lắc đầu vì thấy rễ cây đã thối mềm nhũn như bị bệnh “ung thư”.
Thu hoạch vú sữa trong những vườn cây già cỗi... |
Thu hoạch vú sữa trong những vườn cây già cỗi cùng tâm trạng chán nản như bao nhà vườn khác, ông Hai Tuất, Tổ trưởng tổ 6, ấp Long Hòa B, xã Bàn Long tâm sự: “Gia đình tôi sống và gắn bó với cây vú sữa Lò Rèn này mấy chục năm nay. Ở đây phần lớn đều là vườn chuyên canh, ai trồng cây đặc sản này cũng cho thu nhập khá.
Tuy nhiên, giờ thì nhiều vườn cây già cỗi, bị bệnh rồi chết khiến nhà vườn chán nản. Vườn vú sữa nhà tôi đã chết gần hết, tôi chỉ giữ lại được vài gốc, lại có biểu hiện nhiễm bệnh, nguy cơ sắp thành… củi khô rồi”.
Trước kia 5 công vườn nhà ông Tuất trồng được gần 100 gốc vú sữa Lò Rèn, đến nay ông đã phải đốn gần hết để chuyển qua trồng ổi và sầu riêng. Anh Trương Thành Vinh, Phó Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim khẳng định: “Chưa bao giờ cây vú sữa lại rơi vào tình trạng có nguy cơ bị “xóa sổ” như hiện nay. Bây giờ thật khó mà tìm được vườn vú sữa nào còn nguyên vẹn. Thị trường đầu ra rất bấp bênh, HTX rơi vào thế bế tắc, chỉ hoạt động cầm chừng".
“Chúng tôi đã đi khảo sát vùng trồng vú sữa Lò Rèn. Thực tế cho thấy những vườn quá già cỗi, chuyên canh kéo dài hàng chục năm nên có thể đất đã mất cân đối dinh dưỡng... Cần bón phân hữu cơ để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất, phục hồi lại bộ rễ cây và trẻ hóa trên chính những gốc cây cũ chứ không phải chặt đi trồng mới”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam.