Chiều 7/11, lô xoài tươi cát chu (Đồng Tháp) 3,5 tấn đầu tiên đã được giới thiệu tại trung tâm thương mại AEON (tỉnh Chiba, Nhật Bản). Dự kiến từ nay đến Tết Dương lịch, 80 tấn xoài sẽ được nhập khẩu tại thị trường này, theo đường biển, hàng không.
Trong niềm vui với thành quả sau 4 năm theo đuổi và đàm phán thương vụ này, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ, đại điện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã có những chia sẻ với Zing.vn.
- Cảm xúc của ông khi nhìn thấy quả xoài quê hương trên quầy hệ thống siêu thị lớn tại Nhật ra sao?
- Tôi rất vui. Vậy là sau gần 4 năm đàm phán, thỏa thuận của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, cùng với sự chuẩn bị và hoàn thiện của nhà nông cũng như doanh nghiệp, chúng ta đã đưa được xoài tươi Việt vào thị trường Nhật.
Trung tâm thương mại AEON, tỉnh Chiba (Nhật Bản), nơi xoài của ta được tiêu thụ, mỗi ngày đón trung bình 50.000 khách. Quầy hàng xoài cát chu Việt Nam trong sự kiện giới thiệu sản phẩm đông nghịt khách.
Với quan sát và cảm nhận của tôi, không chỉ có người Nhật, mà ngay cả chính người Việt Nam tại đây, khi ăn thử, cũng tỏ ra rất ngạc nhiên về chất lượng đồng đều, độ ngon ngọt, màu sắc đẹp của sản phẩm quê nhà. Tôi thật sự vui khi tận mắt nhìn thấy điều đó.
Xoài tươi cát chu của Việt Nam được đón nhận tại hệ thống siêu thị AEON, Nhật Bản. Ảnh: Isempai. |
- Để đưa được loại quả đặc sản này vào thị trường khó tính Nhật, chúng ta phải mất thời gian bao lâu và trải qua những công đoạn nào, thưa ông?
- Chúng ta đã phải dành tới 4 năm để đi qua tất cả các khâu của quy trình từ kiểm tra, khảo sát vùng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản tới khi hoàn tất đàm phán, đạt được thỏa thuận và vận chuyển tới thị trường Nhật.
Nói về công tác bảo quản xoài, chúng ta đã thành công trong việc xử lý khử khuẩn bằng hơi nước nóng. Đây là công nghệ chuyển giao của Nhật Bản, giúp thanh long ruột trắng trước đó, và nay là xoài vượt qua rào cản cuối để vào thị trường thành công.
Riêng về vận chuyển, trong đợt hàng đầu tiên, để đảm bảo chất lượng xoài tươi đáp thị trường vào đúng thời điểm ngon nhất, chúng ta phải chấp nhận đi đường hàng không. Chi phí vận chuyển này khá tốn kém. Trong thời gian tới, bằng cách tính toán thời gian hợp lý, ngoài đường hàng không, xoài có thể đi cả bằng đường biển.
- Ông nhận thấy cơ hội để xoài Việt Nam cạnh tranh với các loại quả cây đặc sản khác tại Nhật Bản như thế nào?
- Xoài là loại trái cây được yêu thích ở Nhật. Người Nhật cũng có xoài do chính họ trồng, đã có thương hiệu từ lâu. Tuy nhiên, xét về chất lượng, tôi đã trải nghiệm và thấy xoài của ta về độ ngon, ngọt, thơm và màu sắc không hề thua kém. Chưa kể, giá loại quả này của Nhật bán tại các siêu thị cao hơn rất nhiều.
Với giá bán lẻ tại siêu thị từ 398 yen một quả nhỏ (khoảng 72.000 đồng, chưa thuế) đến 598 yen mỗi quả lớn (khoảng 108.000 đồng, chưa thuế) và chất lượng như vậy, xoài Việt Nam rõ ràng có ưu thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm bản địa cũng như một số nước.
Tham tán công sứ, đại diện thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng. Ảnh: NVCC. |
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để thanh long, xoài và những trái cây Việt Nam đi sau có chỗ đứng vững tại Nhật Bản và các nước nhập khẩu khác?
- Yếu tố tiên quyết là chất lượng và tính an toàn. Bên cạnh đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng giúp bạn hàng và người tiêu dùng Nhật cũng như quốc tế biết nhiều hơn về trái cây Việt.
Hiện người Nhật rất hào hứng với thanh long, xoài của ta nhưng nhiều người vẫn chưa biết tới những loại quả khác của Việt Nam. Nếu chúng ta nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính an toàn để chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, cơ hội đưa trái cây vào nhiều thị trường khác trên thế giới rất lớn.
Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật, Bộ Nông Nghiệp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông cho quả cây nói riêng, hàng nông sản Việt Nam nói chung tại Nhật Bản và thị trường quốc tế.
- Ngoài xoài, hiện chúng ta đang có những loại quả nào được xuất bán tại Nhật. Loại nào được người Nhật quan tâm và có thể xúc tiến vào thị trường này trong thời gian tới?
- Hiện chúng ta mới có thanh long và xoài được tiêu thụ tại Nhật. Trước xoài, chúng ta còn mất thời gian dài hơn, 5 năm, để đưa thành công thanh long ruột trắng vào thị trường này.
Tuy nhiên, việc thành công với 2 loại trái cây, giữ vững tính ổn định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm chính là cánh cửa mở ra cơ hội lớn để nhiều loại của Việt Nam tiếp tục vào Nhật. Dự kiến trong tương lai gần, chúng ta có thể tiếp tục với thanh long ruột đỏ, chôm chôm và vú sữa.
- Chúng ta mới có 2 doanh nghiệp Việt và một doanh nghiệp Nhật thu mua và xuất khẩu xoài vào thị trường Nhật Bản. Vậy cơ hội của các doanh nghiệp xuất khẩu khác trong nước thì sao, thưa ông?
- Tới đây, sẽ có không ít các doanh nghiệp thúc đẩy công tác đưa xoài Việt vào Nhật. Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố sống còn trong cạnh tranh là phải đảm bảo được chất lượng và tính an toàn.
Nhật Bản là nước có rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Đây là thử thách, cũng là cơ hội của chúng ta. Bởi chinh phục được thị trường Nhật, chúng ta sẽ tạo được uy tín về trái cây Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong công tác xúc tiến thương mại, chúng ta đang thực hiện song song 2 mảng là mảng cơ quan quản lý nhà nước và mảng doanh nghiệp.
Riêng về xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý nhà nước, như trong sự kiện cụ thể này, việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Nhật Bản hồi tháng 9 là sự kiện quan trọng giúp chúng ta sớm đưa được xoài tươi vào Nhật.
Thực tế, cuối tháng 9, Việt Nam và Nhật Bản thông qua về nguyên tắc. Sau đó chỉ hơn một tháng, xoài Việt Nam chính thức lên kệ siêu thị Nhật.
Với tiến độ như vậy, đồng thời, bằng sự kiện Việt Nam gia nhập TPP, rất nhiều dòng thuế được giảm ngay sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy ngành nông, lâm, thủy sản nói chung, trái cây Việt Nam nói riêng có nhiều hơn cơ hội vào thị trường Nhật.
- Xin cảm ơn ông!