Nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của Hàn Quốc ngày càng trở nên bế tắc. Trong những ngày gần đây, các nhà lập pháp nước này đã đưa ra nhiều đề xuất gây tranh cãi, chẳng hạn miễn nghĩa vụ quân sự cho những nam giới có 3 con trở lên ở độ tuổi 30, hay cắt giảm “thuế quà tặng” cho các bậc phụ huynh dựa trên số con mà họ có.
Một đề xuất khác nhận được sự ủng hộ của hàng chục nhà lập pháp là cho phép lao động nước ngoài làm giúp việc tại Hàn Quốc với mức lương thấp hơn mức tối thiểu, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình.
Theo Guardian, động thái này khiến nhiều bộ phận trong xã hội Hàn Quốc phẫn nộ, dẫn đến hàng loạt cáo buộc từ một chế độ nô lệ thời hiện đại cho đến việc ưu ái đàn ông hơn phụ nữ.
“Nô lệ thời hiện đại”
“Các đề xuất của chính phủ cho thấy sự thiếu quan tâm đến nhu cầu và quan điểm của phụ nữ”, Kim Yun Jeong (31 tuổi), nhà thiết kế và giảng viên nghệ thuật đến từ tỉnh Gyeonggi, cho biết.
“Khoảng cách tiền lương theo giới ở Hàn Quốc vẫn còn đáng kể và phụ nữ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình”, cô nói thêm.
Các nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ đã cáo buộc ý tưởng miễn nghĩa vụ quân sự chỉ mang lại lợi ích cho nam giới. Theo họ, vấn đề không phải tỷ lệ sinh thấp mà là sự phân biệt đối xử.
“Điều chúng tôi cần không phải miễn nghĩa vụ quân sự, mà là một xã hội mà sự nghiệp của phụ nữ không bị gián đoạn ngay cả sau khi sinh, và việc đàn ông cùng chăm sóc con cái hay làm việc nhà là điều đương nhiên”, nhóm này cho biết trong một tuyên bố chung.
Trong khi đó, đề xuất về lao động nước ngoài cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Cho Jung Hun, nhà lập pháp từ đảng Chuyển tiếp Hàn Quốc, cho biết nước này cần một “giải pháp thực tế cho thế hệ trẻ, trong đó các gia đình có thu nhập kép là tiêu chuẩn”.
Dự luật trích dẫn ví dụ từ Singapore. Tại quốc gia Đông Nam Á này, những người giúp việc nước ngoài được trả thấp hơn tới 10 lần so với mức lương trung bình. Đó cũng là lý do Singapore phải đối mặt với những lời chỉ trích về lạm dụng và bóc lột.
Song nhóm ủng hộ lập luận rằng thỏa thuận này vẫn tốt hơn những gì các lao động nước ngoài có thể nhận được tại quê hương của họ, nhờ chế độ cung cấp thực phẩm và chỗ ở.
Tờ báo bảo thủ Chosun Ilbo cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ.
“Trong tình huống khẩn cấp này, nếu không thử các biện pháp chăm sóc trẻ em táo bạo và đa dạng, chúng ta sẽ càng vô trách nhiệm hơn”, tờ báo viết.
Tuy nhiên, đảng Công lý đối lập đã chỉ trích động thái này như một nỗ lực thiết lập “chế độ nô lệ thời hiện đại” và “hợp pháp hóa sự phân biệt chủng tộc”. Các công đoàn viên cũng gọi đây là bước đi “lỗi thời”.
Đây không phải lần đầu tiên tỷ lệ sinh thấp trở thành chủ đề gây tranh cãi tại Hàn Quốc.
Trước đây, Tổng thống Yoon Suk Yeol từng cho rằng nguyên nhân nước này ghi nhận tỷ lệ sinh thấp liên quan đến nữ quyền. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Kim Jin Pyo đổ lỗi cho những người đồng tính luyến ái và đề xuất thực hiện các biện pháp thay đổi xu hướng tính dục của họ.
Trước khi trở thành bộ trưởng Thương mại, ông Lee Chang Yang cũng từng đề xuất áp thuế với các hộ gia đình có khả năng tài chính nhưng không sinh con. Thậm chí, chính quyền thành phố Mungyeong, thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc, từng khuyến khích nông dân “đã quá tuổi kết hôn” lập gia đình với những sinh viên trẻ từ nước ngoài để tăng dân số.
16 năm chính sách “thất bại”
Trong khi các đề xuất mới nhất vấp phải nhiều chỉ trích, Hàn Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng với việc cải thiện tỷ lệ sinh. Vấn đề này đang làm trầm trọng thêm những thách thức do già hóa dân số, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, lực lượng lao động và năng lực quốc phòng.
Tổng thống Yoon đã yêu cầu chính phủ đưa ra “các biện pháp táo bạo và chắc chắn” để giải quyết vấn đề. Văn phòng của ông dự kiến công bố một chiến lược dài hạn trong vòng vài tháng tới.
Chính quyền ông Yoon đã tăng trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới một tuổi lên 700.000 won (tương đương 535 USD). Số tiền này sẽ tăng lên một triệu won vào năm 2024.
Trong một cuộc họp hôm 28/3, Tổng thống Yoon tuyên bố khoản chi 280.000 tỷ won trong 16 năm qua nhằm đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh đã “thất bại”. Ông lưu ý vấn đề này “đan xen với các vấn đề xã hội” như phúc lợi, giáo dục, việc làm, nhà ở và sự nghiệp của phụ nữ.
Các nhóm bảo vệ quyền lợi của người lao động phát hiện ra rằng gần một nửa số người lao động không thể sử dụng thời gian nghỉ thai sản theo đúng pháp luật, vì lo ngại ảnh hưởng đến việc làm, đặc biệt là với những lao động dễ bị tổn thương.
Hàn Quốc có thời gian làm việc dài nhất trong số các nước phát triển và luôn được xếp hạng một trong những nơi làm việc tệ nhất với phụ nữ.
Chính sách gần đây của Tổng thống Yoon nhằm tăng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ thế hệ Millennials và các bậc cha mẹ đang đi làm - những người đang đặt câu hỏi khi nào họ mới có thời gian nuôi dạy con cái.
"Việc tôi không được trả lương thỏa đáng ngay cả khi đã làm việc hơn 52 giờ/tuần trước khi nghỉ thai sản là chuyện rất bình thường. Nếu số giờ làm việc tăng lên thì tôi không thể tưởng tượng mình sẽ đi làm kiểu gì, trong khi vẫn phải nuôi con nhỏ", Kim (35 tuổi), nhân viên một tập đoàn công ở tỉnh Gyeonggi, chia sẻ với Hankyoreh.
Trong khi đó, một số người vẫn hoài nghi về hiệu quả của các gói chính sách tiếp theo từ chính quyền đương nhiệm. Chẳng hạn, tờ Hankyoreh lưu ý rằng trong tầm nhìn được tổng thống vạch ra hôm 28/3, từ “bình đẳng giới” vắng mặt một cách rõ ràng.
“Với lập trường chống lại bình đẳng giới của chính phủ, chẳng hạn thúc đẩy bãi bỏ bộ bình đẳng giới, phản ứng với tỷ lệ sinh thấp chắc chắn sẽ là một nỗ lực vô ích”, tờ báo nhận định.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.