“Hãy đi chuyến tàu điện ngầm số 2”.
“Nếu học thêm 10 phút nữa, tuyến tàu điện ngầm của bạn sẽ thay đổi”.
Đó là những lời khuyên mà nhiều học sinh Hàn Quốc thường nghe trước kỳ thi đại học hàng năm. Theo Kpopmap, tuyến tàu điện ngầm số 2 ở Seoul được biết đến với điểm dừng tại nhiều trường đại học hàng đầu, do đó đây là tuyến tàu đáng mơ ước với hầu hết học sinh.
Áp lực thi cử và bằng cấp từ lâu đã trở thành gánh nặng với nhiều học sinh Hàn Quốc. Trong đó, nhiều người cho rằng ngưỡng cửa đại học gắn liền với cơ hội đổi đời, triển vọng nghề nghiệp hay thậm chí cả giá trị xã hội.
Ông Jung Hoon Jung là giáo sư về giáo dục tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc). Giáo sư Jung nghiên cứu về giáo dục ngoài luồng, đào tạo giáo viên và lý thuyết chương trình giảng dạy. Ảnh: Jung Hoon Jung. |
Chẳng hạn, sinh viên tốt nghiệp từ nhóm SKY hay “IVY League của Hàn Quốc” - gồm Đại học Seoul, Đại học Korea và Đại học Yonsei - có thể được trả lương cao hơn so với cá nhân tốt nghiệp những trường khác. Ngoài ra, những học sinh đỗ đại học ở thủ đô cũng được biết đến là có thành tích học tập hàng đầu.
Chính những áp lực này đã phần nào tạo nền tảng cho hệ thống giáo dục ngoài luồng của Hàn Quốc (shadow education), với hàng loạt học viện, cơ sở giáo dục tư nhân mọc lên như nấm.
“Học với giảng viên bên ngoài trường không đồng nghĩa học sinh và cha mẹ không tôn trọng giáo viên và trường học. Tuy nhiên, áp lực từ xã hội phải vào những trường hàng đầu khiến họ không có lựa chọn, ngoài việc phải có lộ trình, kế hoạch”, ông Jung Hoon Jung, giáo sư về giáo dục tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), nhận định với Zing.
“Ai cũng muốn con mình phải hiểu biết nhiều hơn bạn bè. Điều này khiến cả cha mẹ lẫn học sinh miệt mài tìm kiếm những cơ hội học tập bên ngoài lớp chính thống. Họ cho rằng những gì học ở trường là chưa đủ”, ông nói thêm.
Bùng nổ “giáo dục ngoài luồng”
Tại Hàn Quốc, “hakwon” là cụm từ ám chỉ học viện, cơ sở giáo dục mà học sinh sẽ theo ngoài trường học chính thống. Hakwon có thể luyện thi tập trung vào các kỹ năng và môn học như Toán hoặc tiếng Anh, nhưng cũng có thể là môn năng khiếu như piano hay khiêu vũ.
Học sinh Hàn Quốc từ khi học tiểu học đã có thể tham gia hakwon nhằm cải thiện thành tích học tập, cũng như tăng lợi thế cạnh tranh.
Theo Kpopmap, vì hakwon tập trung vào môn nhất định và dạy kỹ năng nâng cao, dễ dàng nhận thấy khoảng cách lớn về trình độ của mỗi học sinh tại lớp học chính thống ở Hàn, tùy thuộc vào việc họ có đi học thêm hay không. Một số lớp thậm chí còn có chương trình đặc biệt với số lượng học sinh ít, tài liệu giáo dục chuyên biệt và theo sát thành tích học tập.
Giáo sư Jung chỉ ra rằng trong trường học, với số lượng lớn học sinh mỗi lớp, các giáo viên thường không thể quan tâm đến từng cá nhân. Giữa học trên lớp và đi học thêm, sự khác biệt nằm ở tính cá nhân hóa.
“Việc cá nhân hóa chương trình giảng dạy theo trình độ của học sinh là khó khăn rất lớn. Giáo viên không có lựa chọn nào khác ngoài dạy chương trình trung bình tối thiểu. Học sinh giỏi sẽ cảm thấy nhàm chán, trong khi học sinh kém hơn bị tụt lại phía sau. Mọi học sinh phải học cùng một môn học, giáo trình với cùng tốc độ dạy”, ông lý giải.
“Nói đơn giản, khi có 20-30 học sinh trong một lớp, nếu dành một phút cho mỗi học sinh thì lớp học đã kết thúc”, ông ví dụ.
Do đó, giáo dục ngoài luồng nổi lên như loại hình kinh doanh hấp dẫn. Theo ông Jung, có những giai đoạn việc học thêm trở nên “rất đắt đỏ”, khi đó “loại giáo dục một học sinh được tiếp cận sẽ phụ thuộc vào số tiền mà cha mẹ họ có thể chi trả”.
Cảnh phụ huynh xếp hàng đăng ký học thêm cho con trong phim Crash Course in Romance. Ảnh: Netflix. |
10-to-10 và 7/11
Mức độ giàu có của cha mẹ liên quan mật thiết tới hệ thống giáo dục tại Hàn Quốc, đặc biệt là hakwon. Giáo dục hàng đầu đòi hỏi số tiền lớn, và điều này tạo ra bất bình đẳng xã hội khi tầng lớp trung lưu và thấp hơn không được tiếp cận với những gì tầng lớp thượng lưu có.
Nhu cầu có được nền giáo dục hàng đầu trở nên quan trọng đến mức một số gia đình còn chuyển tới khu vực nhất định để con cái nhận được nền giáo dục tốt nhất. Thậm chí, một số học sinh di chuyển hàng giờ liền chỉ để tham dự một lớp hakwon.
“Nhìn cha mẹ làm việc ngày đêm để tôi tận hưởng nền giáo dục đắt đỏ sau giờ học, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm phải vào trường đại học tốt. Tuy nhiên, đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có thật sự cần di chuyển 2 giờ chỉ để tham dự lớp học 2 tiếng”, một sinh viên trả lời phỏng vấn Korea Joongang Daily.
Trong cuộc phỏng vấn trên đường phố với Asian Boss, một số công dân Hàn Quốc cũng cho biết giấc ngủ 6 tiếng với học sinh bị coi là nhiều. Một số người còn truyền tai nhau: Nếu ngủ 6 tiếng có lẽ không thể bước vào cổng trường đại học, nhưng nếu ngủ 4 tiếng, bạn sẽ có cơ hội.
Những vấn đề này được phản ánh trong một số bộ phim Hàn Quốc. Chẳng hạn, Crash Course in Romance khắc họa nam chính Choi Chi Yeol được gọi là “người đàn ông 1.000 tỷ won” (800 triệu USD) với tư cách giảng viên online và trực tiếp. Nhiều phụ huynh tìm mọi cách đảm bảo con cái vào lớp của giảng viên này, thậm chí thức dậy từ sáng sớm bắc ghế bên ngoài trung tâm tìm một suất học.
Các bộ phim cũng khắc họa “bà mẹ Daechi” - cụm từ chỉ những người mẹ tập trung hỗ trợ con chạy đua vào các trường đại học danh tiếng.
Cụm này lấy từ Daechi-dong, khu dân cư cao cấp ở quận Gangnam (Seoul), được coi là tâm điểm niềm đam mê nuôi dưỡng con cái của nhiều cha mẹ xứ kim chi. Đây là “cái nôi” của hàng nghìn hakwon, chuyên cung cấp các bài học được thiết kế riêng và tự hào có những giáo viên giỏi nhất cả nước trong từng chuyên ngành.
Trên thực tế, khu vực này có những hakwon nhộn nhịp đến mức lưu lượng giao thông đông đúc nhất vào khoảng 20h-23h, khi học sinh bắt đầu trở về nhà. Vì hầu hết trường học bắt đầu từ 9-10h, điều này đồng nghĩa học sinh Hàn Quốc dành cả ngày để học. Thậm chí, có những em tiếp tục học gia sư sau khi về nhà.
Hiện tượng này sinh ra thuật ngữ “10-to-10”, tức học từ 10h đến 22h. Thậm chí, có người còn đề cập tới cụm “7/11” - tức 7h-9h học ở nhà, 9h-17h học trên lớp, 19h-23h đi học thêm.
Trách nhiệm của cha mẹ?
Bản chất cạnh tranh của hệ thống giáo dục Hàn Quốc không chỉ phản ánh trong giáo dục ngoài luồng. Sự khốc liệt thể hiện rõ trong các trường học và đặc biệt là cuộc đua vào các trường top đầu thông qua kỳ thi SAT phiên bản Hàn Quốc.
Kỳ thi tuyển sinh đại học của Hàn Quốc (CSAT) kéo dài 8 tiếng đồng hồ, và nhiều người tin đây là tương lai của họ. Kết quả thi sẽ quyết định sinh viên theo học trường đại học nào và sau đó là cấp độ công ty/nơi làm việc mà họ có thể được tuyển dụng.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không làm tốt bài kiểm tra? Liệu tôi có thất bại không? Có phải tôi không còn giá trị hay không có khả năng? Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi khiến tôi nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây, điều đó đã thay đổi. Điều duy nhất điểm thi có thể nói về bạn là con số”, một sinh viên chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với BBC.
Song nhiều người Hàn Quốc vẫn gắn kết quả thi với giá trị của họ trong xã hội.
Ngày thi đại học là khi đất nước gần như đóng cửa để đảm bảo học sinh không bị gián đoạn. Máy bay được định tuyến lại để không gây ồn ào cho thí sinh. Các công ty cũng được khuyến khích thay đổi giờ làm để tránh ách tắc giao thông.
Bên ngoài cổng trường, đám đông phụ huynh như nín thở chờ đợi con. Một số cha mẹ và ông bà thậm chí dành cả ngày ở nhà thờ, cầu nguyện cho kết quả tốt nhất. Kpopmap nhận định toàn bộ thời gian học và văn hóa hakwon có thể được coi là nhằm chuẩn bị cho kỳ thi này.
Nhiều học sinh đã tìm đến các lớp học trực tuyến tại Hàn Quốc. Ảnh: KoreaBoo. |
Trong khi đó, nhiều học sinh đã tìm đến các giải pháp công nghệ và Internet để thu hẹp khoảng cách.
Theo giáo sư Jung, Internet hay công nghệ có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết bất bình đẳng giáo dục, cung cấp cơ hội học tập, khi học sinh ở bất cứ đâu cũng có thể truy cập vào các bài giảng online.
“Nhờ có thêm AI cũng như công cụ hỗ trợ, họ tìm được sự trợ giúp phù hợp với bản thân. Khi không thích học nữa, họ có thể ngay lập tức bỏ lớp học này và tìm thứ mới phù hợp hơn”, ông nói.
Trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) về triển vọng chính sách giáo dục của Hàn Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách cơ hội giáo dục bằng nhiều biện pháp, trong đó phát hành bài tập trực tuyến miễn phí thông qua Hệ thống Phát thanh Giáo dục (EBS). Kể từ năm 2010, “70% câu hỏi trong CSAT liên kết với sách bài tập của EBS”.
Tuy nhiên, công nghệ cũng không thể nào xóa bỏ hết những bất công.
Mặc dù một số biện pháp khác cũng được áp dụng, như hạn chế số giờ làm và học phí của hakwon, chi tiêu giáo dục ngoài luồng vẫn là xương sống trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc.
Ngoài ra, ông Jung khẳng định dù học thêm có ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống giáo dục công và giáo viên tại trường học, các bậc cha mẹ và học sinh không có trách nhiệm giúp trường công tồn tại hay mang lại lợi ích cho hệ thống này, bởi đó là nhiệm vụ của chính phủ.
“Khi chính phủ xây dựng được hệ thống lớp học, trường học tốt hơn, thì phụ huynh và học sinh không cần phải tìm đến giáo dục ngoài luồng nữa”, ông kết luận.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.