Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc 'đại chiến' quanh SM sẽ định hình tương lai K-pop

Thị trường âm nhạc K-pop phát triển vươn tầm quốc tế đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh có thể định hình lại ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, khi các công ty tìm cách nắm giữ SM.

Hybe - công ty chủ quản nhóm nhạc BTS - muốn tiếp tục tiếp quản nhiều công ty khác, với tham vọng tạo ra đế chế giải trí hàng đầu Hàn Quốc, có khả năng đối đầu với các “gã khổng lồ” của Mỹ như Universal Music, Warner Music và Sony Music.

Trong khi đó, SM Entertainment đang rơi vào cuộc chiến giành quyền quản lý. Mọi việc bắt nguồn từ ngày 3/2 khi Lee Sung Soo và Tak Young Joon - đồng Giám đốc điều hành SM - tuyên bố mở ra kỷ nguyên SM 3.0 bằng cách thoát khỏi hệ thống sản xuất độc quyền của Lee Soo Man - người sáng lập công ty. Thông qua việc phát hành cổ phiếu mới, trái phiếu chuyển đổi (CB), Kakao đã nắm giữ 9,05% cổ phần của SM.

Lee Soo Man phản đối hành động trên và đệ đơn tạm thời cấm SM phát hành cổ phiếu mới, trái phiếu chuyển đổi. Sau đó, Lee Soo Man bắt tay với Hybe và bán 14,8% cổ phần. Ngày 22/2, tờ Osen đưa tin Hybe chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của SM Entertainment.

Theo Financial Times, 3 ông lớn SM, JYP và YG Entertainment vốn từ lâu làm chủ ngành công nghiệp K-pop, cho đến khi BTS vươn lên thành ngôi sao toàn cầu và đưa Hybe thành công ty có ảnh hưởng trong ngành.

“Điều này giống như việc đội bóng Real Madrid nỗ lực mua Manchester United, nhưng rồi Manchester City cũng thông báo sẽ tham gia cuộc đua vậy”, Bernie Cho - Chủ tịch DFSB Kollective, công ty tiếp thị và phân phối truyền thông kỹ thuật số có trụ sở tại Seoul - ví von.

Cơ hội Hybe không thể bỏ lỡ

Vốn hóa thị trường của Hybe là 6,9 tỷ USD, trong khi SM là 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Hybe vẫn phụ thuộc chủ yếu vào BTS. Ban nhạc 7 thành viên gần đây đã phải gián đoạn hoạt động vì có một số thành viên nhập ngũ.

Ngược lại, SM có danh mục đầu tư đa dạng hơn nhiều, với các nghệ sĩ có doanh số cao tại thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á. Năm 2022, công ty báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng 38,5% khi doanh số tăng 20,9% lên tới 848 tỷ won.

Theo nhà phê bình âm nhạc Kim Young Dae, đối với Hybe, đa dạng hóa nội dung chính là chìa khóa.

“SM đã là hình mẫu của Hybe trong một thời gian dài, vì vậy việc tiếp quản công ty là cơ hội mà Hybe không thể bỏ lỡ”, ông nói.

hybe mua co phieu sm anh 1

Việc BTS trở thành nhóm nhạc toàn cầu đã đưa Hybe thành ông lớn trong ngành giải trí Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Kakao và Naver cũng để ý tới SM. Kakao Entertainment đề xuất liên minh với SM, giống cách kết hợp tương tự giữa Naver và YG Entertainment - công ty chủ quản của nhóm nhạc BlackPink. Naver cũng làm việc với Hybe để đồng phát triển hòa nhạc trực tuyến và các cổng fandom.

“Kakao Entertainment cần nâng cao giá trị doanh nghiệp trước khi IPO lần đầu trong tương lai. SM là ứng cử viên mua bán và sáp nhập hoàn hảo để công ty này củng cố danh mục nghệ sĩ của mình”, Jeong Kwang Woo - chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc - cho biết.

Xung đột lợi ích?

Hội đồng quản trị SM phản đối mạnh mẽ khi mô tả Hybe “tiếp quản mang tính thù địch”. Hybe đã đệ trình một đề nghị mua thêm 25% cổ phần từ các cổ đông thiểu số. Nếu thương vụ thành công, điều này sẽ nâng cổ phần của Hybe lên 40% và đủ để kiểm soát SM hiệu quả.

Daniel Jang - Giám đốc tài chính SM - nói việc Hybe kiểm soát SM theo cách này sẽ dẫn đến "xung đột lợi ích trắng trợn".

“Khi có căng thẳng giữa lợi ích của Hybe và lợi ích của SM, ban quản lý Hybe chỉ có thể phục vụ lợi ích của các cổ đông Hybe hoặc cổ đông SM. Họ không thể chiều lòng cả hai”, ông nói.

Hybe phủ nhận về cáo buộc “tiếp quản thù địch”. Trong bức thư ngỏ công bố tuần trước, Giám đốc điều hành Hybe Park Ji Won nói công ty “sẽ tích cực hỗ trợ nỗ lực của các nghệ sĩ SM trong việc hiện diện trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu”.

Những người phản đối Hybe tiếp quản cũng đưa ra lo ngại về tính cạnh tranh. Các nhà phân tích ước tính cả Hybe và SM sẽ chiếm 2/3 doanh số bán album và nhạc số của K-pop.

Một câu hỏi quan trọng khác cũng đang bỏ ngỏ với các cổ đông tại cuộc họp thường niên của SM vào tháng tới. Chưa rõ họ sẽ tin tưởng giao cho ai nhiệm vụ giải quyết các vấn đề về quản lý do người sáng lập công ty để lại.

hybe mua co phieu sm anh 2

SM là công ty của hàng loạt nhóm nhạc nổi tiếng như SNSD, Red Velvet, aespa và NCT Dream... Ảnh: SM Entertainment.

Đầu tháng này, Chris Lee - đồng giám đốc điều hành SM - phát hành video giải thích lý do hội đồng quản trị “chia tay” ông Lee.

Ngoài cáo buộc trốn thuế và quản lý tài chính yếu kém, Chris Lee cáo buộc Lee Soo Man lợi dụng chiến dịch trồng cây ở Saudi Arabia và Mông Cổ làm bình phong xây dựng đế chế bất động sản theo chủ đề K-pop ở nước ngoài với các khách sạn và sòng bạc.

Đại diện pháp lý của Lee Soo Man phủ nhận các cáo buộc. Trong tuyên bố, giám đốc điều hành Hybe cam kết “SM sẽ chuyển sang một công ty có cơ cấu quản trị minh bạch, ưu tiên giá trị của cổ đông”.

Tuy nhiên, ông Daniel Jang lập luận không thể tin tưởng giao cho Hybe thực hiện các biện pháp quản trị. Ông trích dẫn ví dụ và mô tả về thành tích quản trị kém của chính công ty này.

“Hybe công bố các biện pháp quản trị với SM nhưng không áp dụng ở chính công ty mình”, ông Jang nói, nhấn mạnh hội đồng quản trị của SM xứng đáng được hoan nghênh khi “đoạn tuyệt” với Lee Soo Man. Ông Jang mô tả người sáng lập công ty đã cư xử như “hoàng đế” khi phát huy ảnh hưởng từ phía sau hậu trường.

Trong khi đó, người phát ngôn của Hybe khẳng định “tính minh bạch và sự xuất sắc trong cơ cấu quản trị của Hybe chắc chắc là hình mẫu trong ngành. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần tiếp tục cải thiện hơn nữa”.

Cuốn sách giải mã "hiện tượng" Hàn Quốc

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu (The Birth of Korean Cool). Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện và quan sát của Euny Hong, hiện đã là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, về cách một quốc gia vươn lên dẫn đầu toàn cầu về kinh tế, công nghệ, giáo dục và pop culture (văn hóa đại chúng). Độc giả có thể đọc sách tại đường dẫn này.

Mặt tối sau ánh hào quang của ngành giải trí Hàn Quốc

Tranh chấp công khai giữa một nhóm nhạc K-pop và công ty quản lý tiếp tục làm dấy lên lo ngại về việc một số công ty giải trí Hàn Quốc bóc lột và lạm dụng các nghệ sĩ trẻ.

Tham vọng đưa Kpop lên vũ trụ ảo

Giới chuyên gia kỳ vọng ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc có thể trở thành "bàn đạp" cho lĩnh vực vũ trụ ảo trên toàn cầu.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm