Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mặt tối sau ánh hào quang của ngành giải trí Hàn Quốc

Tranh chấp công khai giữa một nhóm nhạc K-pop và công ty quản lý tiếp tục làm dấy lên lo ngại về việc một số công ty giải trí Hàn Quốc bóc lột và lạm dụng các nghệ sĩ trẻ.

nganh cong nghiep kpop anh 1

Cách đây vài tuần, các thành viên nhóm nhạc K-pop Omega X đã rất phấn khích sau khi kết thúc chuyến lưu diễn quốc tế đầu tiên, với đêm diễn cuối ở Los Angeles.

Nhưng cảm giác chiến thắng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, theo New York Times.

Vào ngày 23/10, mạng xã hội xuất hiện video quay cảnh CEO công ty lớn tiếng chỉ trích, sử dụng vũ lực với các thành viên Omega X sau buổi biểu diễn của nhóm tại Los Angeles. Video này đã được lan truyền trên mạng xã hội. Các thành viên Omega X sau đó tự bỏ tiền túi bay về Seoul và kiện công ty quản lý ra tòa.

Tại phiên điều trần ngày 7/12, thẩm phán Hàn Quốc xem xét yêu cầu được kết thúc hợp đồng với công ty quản lý Spire Entertainment của 11 thành viên.

Các luật sư của Omega X cho biết hành vi của vị CEO tại Los Angeles là tình tiết mới nhất trong suốt khoảng thời gian ngược đãi bằng lời nói, thể chất và tình dục kéo dài hàng năm.

Các chuyên gia về K-pop cho biết nếu những cáo buộc của Omega X về công ty là đúng, vụ việc này sẽ giống như nhiều câu chuyện khác tồn tại trong ngành giải trí Hàn Quốc.

Họ cho biết một số công ty quản lý, đặc biệt là công ty nhỏ, thường xuyên bóc lột những người trẻ tuổi khao khát trở thành thần tượng K-pop bằng cách kiểm soát nghiêm ngặt hành vi của họ. Thậm chí trong một số trường hợp, họ còn bị ngược đãi bằng lời nói và thể xác.

"Chúng tôi bị quản lý chặt chẽ"

Kể từ những năm 1990, “mức độ lợi dụng đã được hệ thống hóa và bình thường hóa vì ngành công nghiệp K-pop dẫn đầu”, và những người trẻ đầy tham vọng bị thu hút bởi K-pop, Jin Lee - học giả về văn hóa đại chúng châu Á và là nhà nghiên cứu tại Đại học Curtin, Australia - cho biết.

“Mọi người đều muốn trở thành một thần tượng (idol)”, bà nói.

Người lao động tại Hàn Quốc - xã hội thứ bậc sâu sắc - ngày càng dám lên tiếng về lạm quyền. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hầu hết nghệ sĩ K-pop đang hoạt động không dám công khai chỉ trích công ty vì sợ hậu quả khi vi phạm hợp đồng.

Luật sư Kim Youna cho biết các công ty nhỏ đặc biệt có xu hướng ký hợp đồng với các nghệ sĩ đang lên. Những hợp đồng này không xác định giờ làm việc hoặc không nói rõ phạm vi công việc người nghệ sĩ cần làm.

Bà Kim cho biết dạng hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý mới tồn tại trong xã hội Hàn Quốc khoảng 25 năm nay. “Trong bối cảnh đó, có vẻ như các thần tượng - được coi là bên yếu thế hơn ở đây - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chịu thiệt đôi chút”, bà nói.

nganh cong nghiep kpop anh 2

Nhóm nhạc nam OMEGA X được cho là bị công ty quản lý đối xử tệ. Ảnh: Naver.

Những thiệt thòi ấy có thể là về tài chính. Ví dụ, việc công ty quản lý yêu cầu nghệ sĩ hoàn trả phí đào tạo là khá phổ biến. Lee Jongim - học giả về ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc - cho biết: “Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là cách tính toán những khoản nợ này minh bạch ra sao”.

“Các ngôi sao K-pop ra mắt ở tuổi thiếu niên, nhưng những công ty giải trí toàn người trưởng thành. Vì vậy, họ rơi vào trong cấu trúc khó có thể thiết lập mối quan hệ bình đẳng”, bà Lee nói.

Một số idol sẽ đợi cho đến khi hợp đồng kết thúc mới lên tiếng cáo buộc công ty quản lý ngược đãi.

Hồi năm 2019, Heo Min Sun - thành viên nhóm Crayon Pop - nói với kênh YouTube Asian Boss rằng công ty quản lý đã giữ lại tiền lương của các thành viên trong 1,5 năm sau khi họ ra mắt. Cô nói họ cũng buộc phải ăn kiêng và không được giao lưu bên ngoài nếu không được công ty cho phép.

“Cuộc sống riêng tư của chúng tôi bị kiểm soát chặt chẽ. Tôi không thể kết bạn mới ngay cả khi tôi muốn”, Heo nói.

Trong vụ án hình sự năm 2019, hai ca sĩ đã kiện thành công công ty quản lý trước khi hết hạn hợp đồng. Lee Seok Cheol (22 tuổi) và Lee Seung Hhyun (20 tuổi) là hai anh em, từng biểu diễn trong nhóm nhạc nam The East Light khi còn là thanh thiếu niên.

Họ cáo buộc mình bị nhà sản xuất, công ty quản lý và giám đốc điều hành hành hung và đe dọa bằng lời nói. Một tòa án đã phạt công ty Media Line Entertainment khoảng 15.000 USD và kết án nhà sản xuất 16 tháng tù vì tội lạm dụng trẻ em. CEO chịu 8 tháng tù vì hỗ trợ và tiếp tay cho lạm dụng trẻ em.

Trong khi đó, 3 cựu thành viên của nhóm TVXQ đã phải vật lộn trong nhiều năm để được xuất hiện trên truyền hình, sau khi kết thúc hợp đồng với SM Entertainment - một trong những công ty quyền lực nhất Hàn Quốc.

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc đã yêu cầu SM Entertainment ngừng gây áp lực nhằm đưa 3 người ra khỏi “danh sách đen” xuất hiện trên truyền hình.

Dù cơ quan này phủ nhận, CedarBough T. Saeji - chuyên gia về ngành công nghiệp K-pop tại Đại học Quốc gia Pusan - nói các thành viên đã "bị đưa vào danh sách đen một cách không chính thức trong ngành công nghiệp K-pop".

Bà nói vụ việc đã gửi thông điệp “ghê sợ tới các idol trẻ tuổi, rằng việc qua mặt công ty lớn có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của họ, ngay cả khi họ có được mục tiêu hợp pháp”.

"Không ai đáng bị mắng như vậy"

Sau vụ việc hồi tháng 10, khi trở lại Seoul, các thành viên Omega X đã có động thái hiếm hoi: Lập tài khoản Instagram mà không cần công ty quản lý cho phép.

Trong một động thái hiếm hoi khác, Korea JoongAng Daily đưa tin tất cả 11 thành viên đã tổ chức họp báo và kể chi tiết những gì họ đã trải qua, bao gồm việc bị lạm dụng, quấy rối về cả tinh thần lẫn thể xác.

Omega X cho biết vài tháng sau khi ra mắt vào tháng 6/2021, CEO Kang bắt đầu có thói quen đưa ra những nhận xét về liên quan tới tình dục, chạm vào đùi, mặt và tay trái với mong muốn của họ, cũng như thường buộc họ phải uống rượu sau buổi tập.

Các luật sư cũng cho biết Spire yêu cầu mỗi thành viên trả cho công ty khoảng 300.000 USD tiền phát sinh trong quá trình đào tạo.

Cho đến nay, các luật sư vẫn chưa nộp đơn tố cáo hình sự hoặc đưa ra bất kỳ vật chứng nào chứng thực cáo buộc. Họ nói điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng dân sự bắt đầu vào ngày 7/12, khi trọng tâm hiện tại là chấm dứt hợp đồng.

nganh cong nghiep kpop anh 3

Các thành viên Omega X rơi nước mắt chia sẻ quá khứ bị lạm dụng. Ảnh: News1.

CEO Kang Seong Hee đã từ chức vào tháng trước nhưng phủ nhận mọi hành vi sai trái.

“Tôi chăm sóc các thành viên như người mẹ”, bà Kang nói, đồng thời cho biết thêm thành viên Kim Jaehan tự ngã quỵ. Bà hy vọng Omega X sẽ tiếp tục hoạt động bình thường cùng công ty.

CEO này nói thêm yêu cầu thanh toán các khoản nợ là chính đáng, và việc Omega X buộc tội bà lạm dụng để biện minh nhằm chuyển đến công ty lớn hơn.

Học giả Lee cho biết số phận của Omega X phụ thuộc vào cách công chúng Hàn Quốc phản ứng với vụ việc. Bà cho biết nếu tranh chấp leo thang và các thành viên thu hút sự ủng hộ từ công chúng, Spire Entertainment có thể cho phép họ phá hợp đồng.

Ít nhất 2 công ty nước ngoài đã cắt đứt quan hệ với Spire kể từ khi bê bối nổ ra.

Một số nhân viên hoặc tình nguyện viên tại các địa điểm trong khuôn khổ chuyến lưu diễn 16 thành phố kéo dài hai tháng gần đây ở Mỹ và châu Mỹ Latinh cũng lên tiếng ủng hộ Omega X.

Gigi Granados - 25 tuổi, chuyên gia thẩm mỹ tham dự buổi biểu diễn tại Quảng trường Thời đại Palladium ở New York - cho biết mình đã chứng kiến ​​cảnh bà Kang la hét với các thành viên tại khách sạn sau buổi biểu diễn.

“Không ai đáng bị mắng như vậy”, cô nói.

Cuốn sách giải mã "hiện tượng" Hàn Quốc

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Giải mã Hàn Quốc sành điệu (The Birth of Korean Cool). Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện và quan sát của Euny Hong, hiện đã là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, về cách một quốc gia vươn lên dẫn đầu toàn cầu về kinh tế, công nghệ, giáo dục và pop culture (văn hóa đại chúng). Độc giả có thể đọc sách tại đường dẫn này.

Bài liên quan

Tham vọng của Hàn Quốc

Tham vọng của Hàn Quốc

Hàn Quốc đặt mục tiêu lọt vào danh sách 4 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới. Với tham vọng này, Seoul nỗ lực hiện đại hóa và liên tục cải tiến ngành công nghiệp quốc phòng.

Phương Linh