Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ chết vì bệnh tim tăng nếu hôn nhân không hạnh phúc

Hôn nhân không hạnh phúc không chỉ dẫn đến ly dị. Các nhà nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng nó làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm và bệnh tim mạch.

Các nghiên cứu cho thấy hôn nhân không hạnh phúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt đối với phụ nữ. Ảnh: Daily Mail
Các nghiên cứu cho thấy hôn nhân không hạnh phúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đặc biệt đối với phụ nữ. Ảnh: Mark John/cultura/Corbis

Nhiều người cho rằng hôn nhân không hạnh phúc chỉ dẫn đến ly dị. Trong khi đó, các nhà khoa học tin nó ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. 

Năm 2009, nhóm nghiên cứu của nhà xã hội học Hui Liu, giảng viên Đại học bang Michigan tại Mỹ, bắt đầu thu thập dữ liệu từ cuộc điều tra thuộc Dự án Đời sống Xã hội, Sức khỏe và Tuổi tác toàn dân. Cuộc điều tra bao gồm các câu hỏi về chất lượng hôn nhân và thống kê tỷ lệ người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và cao huyết áp. Khoảng 1.200 người đã kết hôn và trong độ tuổi từ 57 đến 85 đã tham gia.

Sau khi tiến hành phân tích dữ liệu, họ nhận ra rằng những người thường xuyên xung đột với bạn đời có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những cặp vợ chồng hạnh phúc. Phát hiện này đặc biệt đúng đối với người vợ, có thể vì phụ nữ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực hơn nam giới, theo Daily Mail.

Kết quả nghiên cứu, do nhóm nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sức khỏe và Hành vi Xã hội, cho thấy các cuộc cãi vã, chỉ trích và sự ép buộc trong hôn nhân gây hại cho tim. 

Theo họ, hôn nhân hạnh phúc giúp con người tăng cường thể chất trong khi cuộc sống lứa đôi bất hạnh khiến người trong cuộc dễ mắc chứng trầm cảm. Họ tìm đến rượu và thuốc lá, hai chất khiến hormone khiến căng thẳng tăng cao. Căng thẳng làm giảm chức năng miễn dịch và phụ nữ là đối tượng dễ mắc bệnh tim do đời sống gia đình bất hạnh.

Ngoài ra, họ khuyên các cặp vợ chồng lớn tuổi và những người vừa bước vào hôn nhân nên gặp chuyên gia để nhận những lời tư vấn hợp lý.

Ông Hui Liu nói: “Hiện nay, tư vấn hôn nhân chủ yếu tập trung vào các cặp vợ chồng trẻ. Trong khi đó, người già, đặc biệt là những người đã kết hôn 40 đến 50 năm, mới là đối tượng cần được tư vấn vì họ chịu ảnh hưởng từ cuộc sống hôn nhân ở mức cao hơn so với giới trẻ". 

Những cãi vã, tranh chấp trong cuộc sống gia đình thường khiến người trong cuộc mắc bệnh tim, đột quỵ và cao huyết áp. Ảnh:
Những cãi vã, tranh chấp trong cuộc sống gia đình thường khiến người trong cuộc mắc bệnh tim, đột quỵ và huyết áp cao. Ảnh: Mika/Corbis

Một nghiên cứu khác cho thấy các cuộc cãi vã và chứng trầm cảm ảnh hưởng đến chức năng xử lý chất béo khiến những cặp đôi không hạnh phúc dễ mắc bệnh béo phì hơn so với người khác.

Nghiên cứu của ông Liu cũng phản ánh một thực tế là phụ nữ thường sẵn lòng chăm sóc bạn đời lúc ốm đau hơn đàn ông.

“Vì thế, yếu tố sức khỏe ảnh hưởng đến cách phụ nữ đánh giá chất lượng hôn nhân trong khi nó không tác động đến quan điểm của đàn ông về cuộc sống lứa đôi”, Liu bình luận. 

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm