Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng, bực dọc nhân đôi từ việc cãi nhau với bạn đời và tiền sử bệnh trầm cảm có thể gia tăng nguy cơ béo phì ở người trưởng thành, do chúng làm thay đổi cách cơ thể xử lý thức ăn giàu chất béo. Cụ thể là, những phụ nữ và nam giới có tiền sử trầm cảm, cãi vã gay gắt với chồng/vợ của mình sẽ đốt cháy ít calo hơn sau một bữa ăn, so với những cặp vợ chồng ít to tiếng với nhau hơn.
Theo một nghiên cứu mới, vợ chồng cãi nhau sẽ khiến họ dễ béo phì. Ảnh: blogspot.com |
Các chuyên gia nghiên cứu các cặp vợ chồng khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 24 - 61 tuổi, đã kết hôn được ít nhất 3 năm. Những người tình nguyện hoàn thành một loạt câu hỏi khảo sát, bao gồm cả các đánh giá về sự thỏa mãn hôn nhân, các rối loạn tâm trạng trước đây và các triệu chứng trầm cảm.
Trong 2 ngày tham gia nghiên cứu, mọi người tình nguyện được yêu cầu ăn trứng, xúc xích làm từ thịt gà, bánh quy và nước xốt, với tổng năng lượng là 930 calo và 60 gram chất béo. Bữa ăn này được thiết kế nhằm mô phỏng các lựa chọn đồ ăn nhanh phiir biến nhất.
2 giờ đồng hồ sau, các cặp vợ chồng được yêu cầu thảo luận và cố gắng giải quyết một hoặc nhiều vấn đề, mà nhóm nghiên cứu đánh giá là dễ gây xung đột nhất. Các chủ đề phổ biến là tiền, sự giao thiệp và họ hàng bên vợ/bên chồng.
Các nhà nghiên cứu đã rời khỏi phòng trong khi quá trình thảo luận được ghi hình và sau đó phân loại các tương tác thành ngược đãi tâm lý, các cuộc đối thoại gây đau khổ, sự thù địch hay nhường nhịn.
Sau bữa ăn, cứ cách 1 tiếng trong suốt 7 tiếng đồng hồ sau đó, nhóm nghiên cứu kiểm tra sự tiêu hao năng lượng (số calo được đốt cháy khi cơ thể biến thức ăn thành năng lượng) trong 20 phút.
Kết quả hé lộ, những người vừa có tiền sử rối loạn tâm trạng vừa có một cuộc hôn nhân "cơm không lành, canh chẳng ngọt" đốt cháy số calo trung bình thấp hơn 31% so với những người có cuộc hôn nhân ít mâu thuẫn hơn. Việc giảm tiêu hao năng lượng này có thể đồng nghĩa với việc tăng 5,4kg/năm.
Nhóm đối tượng này cũng có lượng insulin trong máu cao hơn 12% so với những người có hôn nhân êm thấm hơn. Điều này khiến họ tăng dự trữ mỡ và triglyceride - một dạng chất béo trong máu, sau một bữa ăn no nê.
Jan Kiecold-Glaser, người đứng đầu nghiên cứu đến từ Đại học Ohio (Mỹ), tuyên bố, khám phá trên không chỉ nhận diện cách các yếu tố gây căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến chứng béo phì như thế nào, mà còn hé lộ tầm quan trọng của việc điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Khám phá mới cũng ủng hộ nghiên cứu trước kia của bà Kiecold-Glaser, vốn phát hiện rằng, phụ nữ bị stress thường tăng cân, do quá trình trao đổi chất của họ giảm tốc, đốt cháy ít hơn 100 calo/ngày.