Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, cảnh báo rằng “mục tiêu kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C” không giống các cuộc đàm phán chính trị khác, vốn có thể được đàm phán hay thỏa hiệp, theo Guardian.
“Mức tăng 1,5 độ C không phải là một con số ngẫu nhiên hay con số chính trị. Đó là một ranh giới cho hành tinh”, ông cho biết.
Vị chuyên gia nói thêm rằng việc cho phép nhiệt độ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là trọng tâm trong chương trình nghị sự của G20. Ảnh: Bloomberg. |
“Đó là một con số thực. Giờ đây chúng ta có thể khẳng định điều đó với mức độ tin cậy cao”, ông cho biết.
Ông Rockström cho biết thêm: “(Việc giữ sự gia tăng nhiệt độ) nằm trong mức 1,5 độ C là có thể đạt được. Đó hoàn toàn là những gì chúng ta nên làm”.
Băng ở Greenland cũng có thể rơi vào trạng thái suy giảm không thể phục hồi nếu mức tăng nhiệt vượt ngưỡng 1,5 độ C.
Sự gia tăng nhiệt độ vượt mức 1,5 độ C cũng sẽ đe dọa tới những thay đổi đối với hải lưu Gulf Stream. Điều này có thể gây ra thảm họa cho các điểm nóng về đa dạng sinh học, phá hủy nền nông nghiệp trên khắp các vùng đầm lầy trên toàn cầu, và có thể làm ngập các đảo nhỏ và các vùng đất trũng ven biển.
Nhiều nhà khí hậu học hàng đầu khác cũng lặp lại cảnh báo của ông Rockström. Mark Maslin, từ Đại học College London, cho biết: “Báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được công bố vào năm 2018 đã cho thấy rằng có những tác động khí hậu đáng kể trên toàn thế giới, ngay cả khi chúng ta giới hạn sự nóng lên ở mức 1,5 độ C.
Các nhà lãnh đạo của G20 sẽ nhóm họp tại Rome, Italy vào ngày 30/10 để họp bàn về một số vấn đề, trong đó có biến đổi khí hậu. Sau đó, họ sẽ bay đến Glasgow vào sáng 1/11 để cùng với hơn 100 nhà lãnh đạo khác tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc.