Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày 30 và 31/10 tại Rome sẽ đối mặt với áp lực nhằm đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26 diễn ra tại Glasgow vào ngày 1/11, theo AFP.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 29/10 đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới nên thể hiện "nhiều tham vọng hơn và hành động nhiều hơn", đồng thời vượt qua sự ngờ vực để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Italy Mario Draghi tại Rome, Italy hôm 29/10. Ảnh: AP. |
Thủ tướng Italy Mario Draghi - người chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 - đã kêu gọi một "cam kết của G20 về sự cần thiết phải kiềm chế mức tăng không quá 1,5 độ C" so với mức tiền công nghiệp - mục tiêu tham vọng nhất được nêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Sự bất đồng giữa các cường quốc hàng đầu thế giới trong việc giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu cũng làm phức tạp thêm các nhiệm vụ của G20, AFP cho biết thêm.
Trung Quốc, quốc gia chịu trách nhiệm cho hơn 1/4 tổng lượng phát thải carbon, đã bị cáo buộc bỏ qua các lời kêu gọi ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Bên cạnh đó, G20 dự kiến thông qua mức thuế quốc tế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia sau khi gần 140 quốc gia đạt được thỏa thuận.
Động thái này nhằm mục đích chấm dứt việc tối ưu thuế, trong đó một số tập đoàn toàn cầu đã giấu lợi nhuận ở các quốc gia có hệ thống thuế thấp.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết mức thuế tối thiểu 15% có thể đóng góp thêm 150 tỷ USD hàng năm vào nguồn thu thuế toàn cầu. Các bộ trưởng Tài chính G20 đã ủng hộ việc cải tổ thuế vào tháng 7.
Mặc dù không có cam kết mới nào về vaccine Covid-19 tại G20, một thông cáo báo chí từ cuộc họp hôm 29/10 cho biết các thành viên sẽ "thực hiện các hành động để giúp thúc đẩy nguồn cung vaccine và các sản phẩm y tế thiết yếu ở các quốc gia đang phát triển".