Theo báo cáo vừa được công bố trong tháng 10 của Credit Suisse, 14% trong tổng số 664 triệu người trưởng thành trên thế giới nằm trong tầng lớp trung lưu vào năm 2015. Báo cáo này được xác định dựa vào tổng tài sản của người dân chứ không phải mức thu nhập.
Theo đó, Việt Nam có 3 triệu người được xếp vào nhóm trung lưu, chiếm 0,5% dân số và chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 63,6 triệu người trưởng thành. Tổng tài sản của nhóm người này năm 2015 dao động từ 5.030 USD đến 30.000 USD.
Số lượng tài sản trung bình của những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam khoảng 18.074 USD. Với con số này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trong 66 nước mà Credit Suisse khảo sát.
Mức trên cũng cao hơn nhiều so với số trung bình chỉ 5.030 USD của nhóm người trong độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu so với năm 2000, tài sản trung bình của người trưởng thành tại Việt Nam đã tăng đáng kể, từ 1.727 USD.
Mỗi người trưởng thành tại Việt Nam cũng đóng góp 2.634 USD vào GDP của đất nước (GDP lấy theo số liệu của WB). Tổng tài sản hơn 93 triệu người Việt (theo ước tính của Credit Suisse) là 320 tỷ USD, chiếm chỉ 0,1% tổng tài sản của dân số toàn cầu.
Nguyên nhân chính của tỷ lệ khiêm tốn này là có tới gần 90% người Việt chỉ sở hữu dưới 10.000 USD tài sản, trong khi lượng sở hữu từ 100.000 đến 1 triệu USD chỉ là 0,1%.
Trong khi đó, từ năm 2000, Trung Quốc đã có thêm 43,4 triệu người trưởng thành nằm trong tầng lớp trung lưu, còn Mỹ thêm 22 triệu người. Tài sản của tầng lớp trung lưu tại Mỹ dao động từ 50.000 USD đến 500.000 USD, và mỗi người Mỹ thuộc nhóm này trung bình có hơn 300.000 USD.
Báo cáo của Credit Suisse xác định, những người thuộc nhóm thấp trong tầng lớp trung lưu có tài sản "gấp đôi thu nhập trung bình một năm" trong khi những người thuộc nhóm cao trong tầng lớp trung lưu là nhóm có số tài sản gấp 10 lần con số thu nhập hằng năm.