Thủ phủ của gà đẻ trứng
Nằm trên một quả đồi ngay cửa ngõ thành phố Vĩnh Yên, cách Hà Nội tầm 50 km, Hợp tác xã Chăn nuôi công nghệ cao Thanh Vân (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương) được xem là thủ phủ của gà đẻ trứng, với cái tên thân mật mà người dân đặt cho là “làng nuôi gà siêu trứng”. Tại đây, 100% hộ dân trong làng đều nuôi gà đẻ với số lượng đàn gà lên đến hàng trăm nghìn con.
Anh Bùi Đức Chính, một hộ dân nuôi gà tại làng nuôi gà siêu trứng thôn Phú Ninh (Thanh Vân), chia sẻ, ở làng này nhà nào cũng nuôi gà, nhà ít thì nuôi 4.000-6.000 con, nhà nào nuôi trung bình thì lên tới 10.000 con, thậm chí có nhà nuôi tới 20.000-50.000 con. Riêng đàn gà Ai Cập chuyên đẻ trứng nhà anh cũng lên tới 15.000 con.
Anh Chính kể, hai vợ chồng anh nuôi gà được khoảng chục năm nay. Ngày trước chỉ nuôi vài trăm con nhưng khoảng mấy năm lại đây, được người bạn chỉ cách nên người dân trong làng và vợ chồng anh bắt đầu mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi, bởi thấy giống gà Ai Cập đẻ trứng khá tốt, đầu ra ổn định, giá cao.
Khu vực đồi Mé, xã Thanh Vân đang được nhiều người ví là “thủ phủ nuôi gà đẻ trứng”, với số lượng từ vài nghìn đến vài chục ngàn con mỗi hộ. |
Theo anh Chính, gà đẻ Ai Cập có hai loại: loại một lông trắng tuyền, loại hai là lông vằn. Người dân trong làng nuôi cả hai loại, song, phổ biến hơi vẫn là loại gà Ai Cập lông trắng bởi giống gà này đẻ trứng tốt hơn loại gà lông vằn mà giá trứng bán giá cũng ngang ngửa nhau.
“Giống gà này đẻ khỏe, thường đạt khoảng 70%, trứng nhìn lại giống trứng gà ta thả vườn nên thương lái rất chuộng mua”, anh Chính nói và cho biết gà Ai Cập là giống rất dễ nuôi. Gà nuôi từ lúc bóc trứng đến lúc đẻ chỉ mất khoảng 4-4,5 tháng với chi phí khoảng 100.0000 đồng một con (trong đó 10% là tiền giống, còn lại là công và tiền cám, tiền thuốc phòng trừ bệnh), sang tháng thứ 5 bắt đầu cho thu lãi. Đặc biệt, giống gà chịu nóng tốt nên vào mùa đông gà thường đẻ tốt hơn mùa hè. Tuy nhiên, muốn gà đẻ trứng tốt còn phụ thuộc vào con giống, cám, thuốc, bệnh dịch,...
“Một con gà mái tốt khi nuôi, người nuôi phải tính toán được trọng lượng, làm sao cho đến khi gà bắt đầu đẻ nặng khoảng 1,5 kg, đến lúc loại thải bán làm đạt 2 kg. Nuôi gà, nếu gà béo quá sẽ đẻ kém, gầy quá cũng vậy nên phải cân đối lượng thức ăn cho vừa phải. Gà đẻ một ngày chỉ cho ăn hai bữa cám, còn gà hậu bị chỉ cho ăn một bữa cám. Chuồng gà thì 2 tháng dọn vệ sinh một lần để tránh dịch bệnh và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của gà”, anh Chính tiết lộ.
Cũng theo anh Chính, ở làng này nuôi gà đẻ trứng nổi tiếng cả nước, hay được các đoàn của tỉnh khác tới thăm, học hỏi mô hình chăn nuôi. Trứng gà được dân buôn lấy đi đổ buôn khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Trứng gà Ai Cập màu trắng nhìn rất giống trứng gà ta thả vườn, được thương thái ưa chuộng đến tận nhà thu mua với giá cao. |
“Vừa rồi Giáo sư Nguyễn Lân Hùng dẫn đoàn chuyên gia chăn nuôi của Lào về đây học hỏi cách nuôi gà của người dân trong làng đấy”, anh Chính khoe.
Cả làng sắm ôtô, xe sang
Rời nhà anh Chính, sang nhà chị Đỗ Thị Đại, một hộ dân nuôi gà đẻ trứng có tiếng trong làng đồi Mé (Phú Ninh, Thanh Vân) với số lượng gà nuôi rất lớn. Tiếp chúng tôi, chị Đại khá hồ hởi vì đàn gà nhà chị đang vào kỳ đẻ rộ, cho thu hoạch cả 10.000 quả trứng mỗi ngày. Nhà chị còn một đàn gà khác với số lượng khoảng 5.000 con đang vào kỳ chuẩn bị bán thải. Song, chị cũng cho biết, giá gà bán thải hiện đang ở mức khá cao, dao động 70.000-80.000 đồng/kg thịt gà lông xuất chuồng.
Chị Đại chia sẻ, ngày trước hai vợ chồng chị cũng nuôi đủ thứ. Từ lợn cho đến gà đỏ, rồi cũng buôn bán đủ các nghề khác nhau. Thế nhưng, từ khi nuôi gà đẻ Ai Cập, gia đình chị dần có cuộc sống ổn định và thu nhập khá hơn trước rất nhiều.
Nhờ nuôi giống gà này mà người dân trong làng đang có thu nhập khá, nhiều nhà mua được ôtô, sắm được xe sang. |
Theo chị Đại, nuôi gà Ai Cập chỉ vất vả tháng đầu tiên vì gà mới bóc trứng đang trong thời kỳ nuôi úm, nhiều khi phải thức cả đêm canh, nhưng qua tháng đó thì gà cứ thế cho ăn và lớn, chờ ngày thu tiền.
Để chứng minh, chị Đại dẫn chúng tôi ra khu vực trại gà để xem hai người công nhân gia đình chị thuê với tiền lương 4 triệu đồng một tháng chỉ để cho gà ăn và ngày 2 lần nhặt trứng. Tại đây, những xô trứng đầy ắp được công nhân tập kết lại để chuyển vào trong kho, chuẩn bị đếm bán cho thương lái.
Hỏi về mức thu nhập hiện tại của gia đình, chị Đại tiết lộ, nếu trừ hết chi phí cám bã, thuốc thang, thuê mướn nhân công thì mỗi ngày vợ chồng chị đút túi ít nhất 10 triệu đồng tiền lãi, tức một tháng thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
“Trứng gà này dễ bán lắm, dân buôn ở Đông Anh (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đánh xe ôtô tải về tận đây lấy trứng, đếm trứng xong là có tiền tươi đút túi chẳng phải vất vả lo đầu ra. Thậm chí, ngay cả tới phân gà cũng có cả một đội quân ở dưới Đông Anh chuyên lên đây mua, họ vào chuồng gà dọn sạch sẽ luôn cho mình. Nguyên khoản đó mỗi năm cũng dư ra mấy trăm triệu rồi”, chị Đại khoe.
Chị bảo, ở làng này, người dân đang phất lên nhờ nuôi gà, hầu như nhà nào cũng sắm ôtô. Như nhà chị chẳng hạn, ngoài chiếc xe tải phục vụ chăn nuôi, vừa qua vợ chồng chị cũng quyết định bán chiếc xe cũ để “lên đời” xe mới với giá hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Phú Ninh, một hộ nuôi gà siêu trứng, cho hay, nhà anh nuôi không nhiều, chỉ vài nghìn con gà. Song, mỗi tháng vợ chồng anh cũng đút túi vài triệu đồng tiền lãi.
Theo anh Bình, nuôi gà giống như đánh bạc, lúc giá lên thì thắng lớn, lúc giá xuống thì cũng lỗ. Đau nhất là vào thời điểm năm 2013, có nhà lỗ cả tỷ đồng do giá trứng xuống thấp, trứng Trung Quốc tràn sang nhiều. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trứng đang được giá (2.600-2.800 đồng/quả), trừ hết chi phí đi thì cứ 1.000 gà đẻ sẽ cho lãi 1 triệu đồng.
Ông Bùi Quốc Việt, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Vân, thừa nhận, toàn xã Thanh Vân có 108 hộ nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, trong đó, tập trung nuôi nhiều nhất ở Hợp tác xã Chăn nuôi công nghệ cao Thanh Vân.
“Những hộ có điều kiện về vốn, đất đai, quản lý chăm sóc tốt, gặp được giá cao trong những năm vừa qua đều sắm ôtô riêng để tiện bề làm ăn, giao dịch với khách hàng”, ông Việt nói.