Ông nghỉ việc để về nhà biến đề tài nghiên cứu luận văn tốt nghiệp đại học của mình thành hiện thực.
52 tuổi tốt nghiệp đại học
Chúng tôi vừa đến đầu ngõ đã nghe tiếng chim trĩ kêu vang khắp cả vùng quê, một người đàn ông đang thu gom trứng, tiếp đó dọn dẹp chuồng trại và cho chim ăn. Đấy là công việc và khung cảnh trang trại chăn nuôi chim trĩ của ông Trần Văn Chức (SN 1962, ở thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu).
Cuộc đời ông Chức có nhiều cái để kể, chỉ xin lướt qua vài dòng cơ bản. Khi ông đang học lớp 9, cuộc sống nghèo khó nên phải nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Năm 1980, ông tham gia quân đội. 3 năm hết nghĩa vụ, trở về địa phương, ông được bầu làm Chủ nhiệm HTX Duy Tân, sau này tách xã, ông chuyển sang làm Chủ nhiệm HTX Duy Thu.
Năm 1992, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Sau 10 năm giữ chức vụ này, ông chuyển qua làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho đến tháng 4/2015 thì xin nghỉ việc.
Ông cho biết, ngày làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, thấy quê mình nghèo khó, ông tiên phong tìm nhiều loại cây đưa về địa phương trồng. Nghe tin ở đâu có loại cây nào đem lại giá trị kinh tế, ông liền lên đường tìm hiểu. Nhiều lần ông ra Bắc rồi vào Nam để học tập các mô hình hay để đem về địa phương áp dụng. Trong đó, cây tiêu trồng tại xã Duy Thu đem lại hiệu quả cao.
Lò ấp trứng do ông Chức tự thiết kế. |
Năm 2006, ông thấy mình còn yếu và thiếu kiến thức nên xin đi học. Tại kỳ thi vào cấp 3, ông đậu vào hệ bổ túc. Tuổi già nhưng chí lớn, sau 3 năm ông cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp. Chưa hài lòng với kết quả này, vừa làm ông vừa ôn thi đại học. Nhờ chăm chỉ, miệt mài đèn sách, năm 2009, cánh cửa đại học đã rộng mở, ông trở thành sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp, ĐH Kinh tế Huế, hệ vừa làm vừa học.
Năm 2014, ông tốt nghiệp đại học ở tuổi 52. “Bốn năm ăn học, tui tiêu hết hơn 50 triệu đồng nhưng cái được nhiều thì vô kể. Tui không học thì kiến thức thấp lắm, nói chuyện với bà con chẳng ai nghe. Còn giờ, kiến thức được bổ sung, cộng với kinh nghiệm thực tế nên ăn nói khá hơn nhiều”, ông Chức hồ hởi kể.
Ở xã Duy Thu, những người có bằng đại học thì con đường "làm quan" rất rộng mở. Thế nhưng, ông Chức lại quyết định "treo ấn từ quan" để về nhà nuôi chim trĩ.
"Trong luận văn tốt nghiệp, tui đăng ký đề tài nghiên cứu "Hiệu quả kinh tế mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trong điều kiện nuôi nhốt tại Quảng Nam". Tốt nghiệp, cầm tấm bằng loại giỏi trên tay, tui nghĩ, chẳng lẽ đề tài nghiên cứu xong gấp lại bỏ trên giá sách? Thế nên, tui quyết tâm áp dụng vào thực tiễn”, ông Chức chia sẻ.
Ông Chức nói về niềm vui tốt nghiệp đại học. |
Trong thời gian ông Chức tìm hiểu về chim trĩ để làm luận văn tốt nghiệp, một người bạn đưa từ ngoài Bắc về 200 quả trứng chim này, nhưng từ trứng cho ra chim con không biết làm thế nào. Khi biết tin, ông bảo bạn mình giao số trứng cho mình, để tìm cách ấp hộ.
Ông tự thiết kế lò ấp và đã cho kết quả, 200 quả trứng nở ra được 130 con. Đáp lại công sức mà ông Chức bỏ ra, người bạn tặng lại cho ông 3 con chim trĩ mái và 1 con trống để nhân giống. Ai ngờ, từ 4 con chim ban đầu, ông đã nhân lên hàng chục rồi đến hàng trăm con. Hiện trang trại của ông có 50 con chim trĩ sinh sản và hàng trăm con chim con, cung cấp ra thị trường.
Ngày 1/4 vừa qua, người dân xã Duy Thu bất ngờ khi ông Chức xin nghỉ việc ở xã, mặc dù nhiều người bảo ông đừng hành động như vậy. Có người nói thẳng với ông rằng, thời buổi bây giờ người ta thi nhau chạy chức, chạy quyền để được lên chức nọ, chức kia, sao ông lại dại thế?
Ông mặc kệ, đơn đã được ký, cấp trên đã duyệt, ông về nhà để phát triển đàn chim trĩ.
Ông Chức tâm sự: “Lớp trẻ bây giờ được học hành bài bản, mình nghỉ để lớp trẻ lên làm. Mình cứ bám lấy cái ghế không chịu nhả ra thì bọn trẻ lấy đâu ra cơ hội đóng góp cho xã hội? Mặc dù đã qua đại học, nhưng tui không được học bài bản bằng lớp trẻ. Mình nghỉ trước tuổi có thiệt thòi một ít, nhưng cũng chẳng sao cả”.
Nuôi chim trĩ, mỗi năm ông Chức thu 350 triệu đồng. |
Tôi đùa: Hay làm cán bộ có của ăn, của để rồi nên nay ông không muốn làm nữa? Ông bảo: “Tính con người mình thật thà, thẳng thắn, lấy chi mà giàu có. Lương Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã tháng gần 2 triệu đồng, để nuôi 4 đứa con tốt nghiệp đại học, trước đây, vừa làm cán bộ tui vừa phát triển chăn nuôi, làm ruộng, cùng với đồng lương giáo viên của vợ mới đủ nuôi các con thành đạt như bây giờ”.
Trở thành triệu phú
Để giúp bà con địa phương phát triển mô hình nuôi chim trĩ, người dân trong thôn có nhu cầu, ông Chức khuyến mãi lớn. Ai mua một con chim con, ông tặng một con, ngoài ra ông hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăn nuôi. Giá chim trĩ ông cung cấp rất hữu nghị, so với các nơi khác thấp hơn 30%.
Nay không vướng bận ở "chốn quan trường", khoảng thời gian hàng ngày ông dành cho trang trại chim trĩ. Với quy mô 50 con chim sinh sản, ông chưa bằng lòng. Dự định sắp tới, ông không chỉ nuôi chim trĩ để bán giống, mà chuyển qua thương phẩm. Lúc đó, quy mô trang trại sẽ có hơn 1.000 con.
Ông Chức cho đàn chim trĩ con ăn. |
Sau thời gian gắn bó với con chim trĩ, ông Chức đúc kết: Về chế độ ăn, chim trĩ ít ăn, ít hơn gà 1/3, nhưng thịt nhiều hơn gà. Đặc biệt, chất lượng thịt thì vượt hẳn so với gà. Một con chim đẻ 130-150 trứng/năm, hơn gà rất nhiều. Mỗi quả trứng vừa đẻ ra, ông thu gom và cho vào lò ấp. Trong khi chưa có lò ấp cho loài chim trĩ, ông Chức tự thiết kế, tỷ lệ nở con đạt 70%.
Tôi đặt câu hỏi: Hiện bà con đang nuôi ít nên thị trường dễ tiêu thụ, nay mai họ nuôi nhiều sẽ rất khó bán, sao ông lại mở rộng quy mô lớn như vậy? Ông cười lạc quan: “Tui đã tính toán hết rồi. Giờ chưa ai nuôi thì mình đầu tư chim thương phẩm, khi mà thương phẩm nhiều, tui lại đầu tư sang chim cảnh. Tui sẽ mở rộng nuôi chim trĩ xanh, chim công… Những giống này sắp tới tui ra miền Bắc mua và đem về nuôi”.
Khi chúng tôi chuẩn bị rời trang trại, bà Đoàn Thị Minh Nguyệt, vợ ông Chức cho hay: "Ngày trước, khi ông ấy nuôi chim trĩ, tui phản đối dữ lắm, nhưng giờ thì mê rồi. Nó dễ nuôi, chăm sóc ít nhưng hiệu quả kinh tế cao. Đừng nói nuôi 1.000 con mà nuôi nhiều hơn nữa, hai vợ chồng tui cũng chăm sóc được, không phải thuê thêm nhân công, nó dễ hơn nuôi gà nhiều".