Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nuôi công cho thu lời cao?

Mô hình nuôi công đang được áp dụng ở một số vùng phía Bắc do loài chim này dễ nuôi, đề kháng tốt, có giá bán tương đối ổn định.

Sau nhiều lần nuôi chim trĩ, gà quý phi thất bại, anh Nguyễn Văn Bạo (Kim Bảng, Hà Nam) quyết định chuyển sang nuôi chim công. Thật bất ngờ, chỉ sau hai năm vừa nuôi và rút kinh nghiệm, anh Bạo đã có thu nhập đến 250 triệu đồng mỗi năm. So với nuôi các loài khác, mức thu nhập từ chim công, theo anh, cao gấp 4-5 lần. 

Anh Bạo cho biết, chỉ với 4 cặp chim công ban đầu, sau một thời gian nhân giống, anh đã cho xuất đi được hàng trăm con con mỗi năm. Trung bình, một con non giá bán 800.000 đồng. Loại trưởng thành giá 5-7 triệu đồng. Đặc biệt, những con lông đột biến, dáng đẹp có thể lên đến 15-20 triệu đồng.

Hiện tại, nuôi chim công mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại gia cầm khác. Ảnh: Ngọc Lan.

Một chim mái mỗi năm đẻ được khoảng 40 trứng. Tỷ lệ ấp nở thành công là 70-75%. Như vậy, sau một năm, người chăn nuôi cũng thu về được gần 30 triệu đồng từ bán con non giá trên dưới 1 triệu đồng một con. Trong khi đó, chi phí thức ăn cho một con chim công trong một năm chỉ khoảng 200.000 đồng. 

Bên cạnh đó, theo lời người nuôi, mỗi năm, công thay lông đuôi một lần, khoảng 50-70 chiếc. Giá mỗi chiếc lông khoảng 30.000-50.000 đồng. Nhờ bán lông, người nuôi cũng thu về xấp xỉ 2 triệu đồng. Anh Bạo tính toán, chỉ riêng số tiền này đã đủ để trả các chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh, chuồng trại. 

Những con vật cảnh đặc biệt người chơi không tiếc tiền mua

Chim công đột biến lông, vịt uyên ương ngũ sắc, chó ngao có giấy khai sinh,... là những con vật cảnh có giá đắt đỏ nhưng vẫn được người chơi ưa chuộng.

Thức ăn chủ yếu của chim là thóc, ngô, rau xanh, có thể kết hợp với cám tổng hợp dùng cho gia cầm. Trung bình, một con chỉ ăn khoảng 50 gram mỗi ngày, chiếm chi phí chưa đến 1.000 đồng. 

Trước kia, anh Bạo thường cho gà ấp trứng công, nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt 50%. Sau đó, anh đầu tư một chiếc máy ấp chuyên dụng khoảng 3,5 triệu đồng thì tỷ lệ trứng nở tăng thêm 20%. 

Một ngày chim công chỉ ăn hết khoảng 50 gram thức ăn, tốn chưa đến 1.000 đồng và chỉ bằng 1/3 lượng thức ăn của gà. Ảnh: Ngọc Lan.

Là người có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi chim công, anh Trần Nhữ Giáp, chủ trang trại ở Hà Nội cho biết, công là loài động vật có nguồn gốc hoang dã song nuôi loài này không quá khó như mọi người vẫn nghĩ. Ưu điểm của chim là sức đề kháng tốt, có thể chống chọi được với các loại bệnh thông thường. 

Anh Giáp chia sẻ, công là loài ăn tạp. Thức ăn cho loài này đơn giản, dễ kiếm. Lượng đồ ăn mỗi bữa cho chim chỉ bằng 1/3 của gà. Nếu nuôi ở nông thôn, các gia đình có thể tự sản xuất rau, đánh bắt cá, tép nhỏ để giảm được tối đa chi phí chăn nuôi. 

Thông thường, chim công đẻ vào cuối mùa xuân cho tới hết mùa hè. Tuy nhiên, loài này không có khả năng ấp trứng nên người nuôi phải sử dụng lò điện để ấp với nhiệt độ thích hợp. Là nơi cung cấp chim công con với số lượng lớn, mỗi tháng cơ sở của anh Giáp cung cấp ra thị trường gần 500 con giống, cho thu khoảng 400 triệu đồng.

Hiện tại, trong số gần 1.000 loài động vật hoang dã đã và đang trong quá trình nghiên cứu khoa học và nuôi thực nghiệm tại trang trại của anh Giáp, chim công được đánh giá là loài cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Do đó, anh đang vận động và phổ biến cho bà con nuôi thử nghiệm và mở rộng mô hình trong cả nước. 

“Khi nông nghiệp chăn nuôi của Việt Nam còn cổ hủ với những con giống cũ, cho hiệu quả kinh tế kém, người nông dân nên và cần thử sức với những giống mới, bán được giá cao và có tiềm năng phát triển tốt trên thị trường", ông chủ trang trại chim lớn bậc nhất Hà thành nói.

Trại gà, chim rừng quý đem về nửa tỷ mỗi năm ở miền Tây

Ông chủ trẻ ở miền Tây thành lập trang trại nuôi các loại gà Đông Tảo, chín cựa, gà rừng, chim trĩ, vịt trời và le le… Mỗi năm, anh có nguồn thu nhập hơn nửa tỷ đồng.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm