Hôm chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình, đúng lúc ông Khởi đang vệ sinh chuồng nuôi công. Ngơi tay, ông Khởi bảo: “Nghề nuôi con đặc sản, quý hiếm này, biết thì rất dễ những không có kiến thức thì thất bại ngay, nhất là công tác vệ sinh chuồng trại phải luôn phải đảm bảo sạch, vật nuôi mới nhanh lớn được”.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan trang trại, ông Khởi vừa kể về quá trình làm kinh tế, ông cho biết: "Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi gia cầm, nhưng do giá bấp bênh, dịch bệnh nhiều, thường xuyên bị thua lỗ nên chán nản lắm.
Đến năm 2009, trong một lần tình cờ xem phóng sự trên truyền hình VTV2 về mô hình nuôi chim công của một nông dân ở tỉnh Nam Định, thấy giới thiệu loài chim hoang dã có bộ lông sặc sỡ lại múa đẹp này không chỉ dễ nuôi mà thị trường đang khan hiếm. “Lúc đó tôi mê ngay, nên quyết tâm xuống Nam Định mua hơn 10 con chim công mới nở, giống Ấn Độ, giá 750.000 đồng/con về nuôi thử”.
Vốn bản tính cần cù, ham học hỏi, ông đã tự tìm hiểu những kỹ thuật nuôi chim trên mạng Internet, sách báo, cộng với việc có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi gia cầm nên việc nuôi chim công của anh gặp nhiều thuận lợi, chim phát triển tốt. Từ số giống con giống mua được, đến giờ đàn chim của gia đình ông Khởi sinh sôi lên đến gần 50 con công bố, mẹ.
Nói đến công việc chăn nuôi chim công, ông Khởi tâm sự: “Chim công là loài động vật có nguồn gốc hoang dã, việc nuôi nó không quá khó như mọi người thường nghĩ. Ưu điểm của loài chim là sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao. Chim công là loài ăn tạp, thức ăn cho chim cũng đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô và rau xanh, cỏ chiếm 60%, lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi. Một ngày anh cho ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn ngũ cốc ủ mầm, chiều cho ăn rau xanh.
Riêng chim non sẽ có chế độ ăn khác hơn chim công trưởng thành, vì còn non nên phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc cẩn thận hơn. Chuồng trại cho chim cũng rất đơn giản có thể tận dụng chuồng gà, chuồng lợn, xung quanh vây thép B40, chuồng nuôi chọn nơi khô ráo, thoáng mát, bảo đảm giữ ấm mùa đông, thoáng mát về mùa hè”.
Tuy nhiên, cách vệ sinh phòng bệnh cho chim công mới chính là bí quyết khiến anh Khởi thành công. Cùng với việc tiêm phòng như các loại gia cầm khác, anh thường xuyên sử dụng men vi sinh rải khắp chuồng trại để xử lý chất thải, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch, giúp chim công phát triển nhanh, rất ít bị bệnh đường ruột và hô hấp. Sau 2 năm nuôi chim đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản.
Chim công đẻ vào cuối mùa xuân cho tới hết mùa hè, mỗi năm công mái đẻ khoảng 25 đến 35 trứng. Ban đầu khi chim công giống đẻ trứng, anh Khởi cho gà ấp trứng nhưng tỷ lệ nở không cao nên anh đã sử dụng lò điện để ấp và tìm ra công thức duy trì nhiệt độ thích hợp để trứng nở với tỷ lệ 90%.
“Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán cho khách du lịch và các bạn hàng cả nước hàng trăm cặp công giống, với giá từ 2-3 triệu đồng/cặp, cùng hàng chục công bố mẹ giá từ 10-20 triệu đồng/con, thu lãi về khoảng trên 300 triệu đồng", ông Nguyễn Hữu Khởi cho biết.