Theo The Conversation, việc gắn kết bản thân với một điều gì đó dường như có ý nghĩa sâu sắc hơn là việc từng thực hiện nó. Ví dụ, có tới 49% người Mỹ chơi trò chơi điện tử nhưng chỉ có 10% tự nhận bản thân là người chơi trò chơi điện tử (game thủ).
Theo một cuộc khảo sát gần đây đối với người trẻ ở Mỹ, có một khoảng cách nhỏ giữa những người có đọc sách và những người tự nhận mình là độc giả. Cụ thể, khoảng 61% thế hệ Z (sinh từ năm 1995 - 2012) và thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) đã đọc sách in, sách điện tử hoặc sách nói trong 12 tháng qua, nhưng chỉ có 57% tự nhận bản thân là độc giả.
Tuy nhiên, có một chi tiết lạ trong nghiên cứu: 43% người thuộc "thế hệ Z và thế hệ Millennials không nhận là độc giả" lại đọc nhiều sách in mỗi tháng hơn "thế hệ Z và thế hệ Millennials nói chung". Vậy đâu là lời giải thích cho hiện tượng này.
Nhiều người thuộc thế hệ Z và thế hệ Millennials không nhận là độc giả nhưng lại đọc nhiều sách hơn thế hệ Z và thế hệ Millennials nói chung. Ảnh: Unsplash. |
Sự gắn kết với cộng đồng sách
Theo các tác giả nghiên cứu, một trong những câu trả lời hợp lý có thể là “độc giả” được coi là bản sắc của một người, chứ không chỉ mang ý nghĩa hành vi đọc.
Bản sắc “độc giả” không chỉ thể hiện ở việc đọc sách, mà còn là tham gia vào các câu lạc bộ sách, kết nối với những cộng đồng sách trên mạng truyền thông xã hội như BookTok và BookStagram, cũng như việc thường xuyên tiếp cận các thư viện và hiệu sách. Do đó, việc trở thành “độc giả” hay không không chỉ dựa vào số lượng cuốn sách đã đọc, mà còn cần tìm hiểu các hoạt động khác của họ.
Với câu trả lời trên, bản sắc của độc giả, nhà văn và người hâm mộ dường như đều có sự kết nối với nhau. Thế hệ Millennials và thế hệ Z tự coi mình là độc giả cũng có nhiều khả năng trở thành nhà văn và tham gia vào câu lạc bộ người hâm mộ nhiều hơn.
Có thể thấy tính cộng đồng là chìa khóa cho giá trị bản sắc này. Cụ thể, 2 trong số nhiều lý do hàng đầu khiến thế hệ Millennials và thế hệ Z cũng nhận định bản thân là người hâm mộ là vì họ “là một phần của cộng đồng người hâm mộ” và có thể “gặp những người khác giống như tôi”.
Một ví dụ là tháng 8 hàng năm, Lễ hội Sách Quốc tế Edinburgh ở Scotland, lễ hội sách lớn nhất thế giới, diễn ra cả tháng và có nhiều sự kiện xoay quanh sách, tác giả và độc giả. Trong sự kiện năm 2023, những người tham dự rất háo hức gặp các nhà văn như Alice Oseman, tác giả của cuốn tiểu thuyết đồ họa ăn khách Heartstopper. Nhiều người hâm mộ sẵn sàng xếp hàng dài và chia sẻ về việc bộ truyện của Oseman có những nhân vật kỳ lạ lần đầu tiên họ thấy. Cũng có nhiều độc giả khác đến tham dự lễ hội cùng bạn bè và gia đình, đồng thời hào hứng kết bạn và mở rộng thêm kết nối tại sự kiện. Niềm đam mê của họ rõ đến mức có thể “sờ” thấy được.
Lễ hội Sách Quốc tế Edinburgh ở Scotland. Ảnh: ArtMag. |
Đọc giải trí và đọc thực sự?
Tuy nhiên, một cuốn tiểu thuyết đồ họa như Heartstopper có được coi là đọc “thực sự” không? Nếu dựa vào các định nghĩa từ đầu những năm 2000 của National Endowment for the Arts, một cơ quan của chính phủ Mỹ phụ trách hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật, thì việc đọc Heartstopper chỉ mang tính giải trí và không phải là đọc “thực sự”.
Và một số người thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z cũng có thể cho rằng việc đọc các tác phẩm giải trí như vậy không phải là việc đọc thực sự. Do đó, họ không coi mình là độc giả khi đọc những tác phẩm này.
Tuy nhiên, nếu dựa trên định nghĩa hẹp về đọc như vậy thì công chúng có thể đã bỏ qua tình yêu của thế hệ Millennials và thế hệ Z dành cho các nội dung như tiểu thuyết đồ họa, manga và truyện tranh.
Cũng theo nghiên cứu trên, nếu cùng một nội dung có hai phiên bản đồ họa và thuần chữ viết, 59% người tham gia cho biết họ sẽ thích phiên bản đồ họa hơn. Và với sách nói, 34% thế hệ Z và thế hệ Millennials cũng ưa chuộng thể loại này hơn nội dung chữ truyền thống. Những người trẻ cũng đang đọc nhiều sách phi hư cấu để phục vụ học tập và làm việc hơn là để giải trí.
Trong một nghiên cứu riêng biệt từ năm 2020, 83% độc giả Mỹ đọc sách vì những lý do khác ngoài giải trí, chẳng hạn như học tập, công việc hoặc hoàn thiện bản thân.
Điều gì tạo nên bản sắc độc giả?
Nhiều phụ nữ thế hệ Z và thế hệ Millennials tự nhận bản thân là độc giả hơn so với các đối tượng khác. Một phần nguyên nhân có thể là sự khác biệt về giới tính. Có lẽ nam giới trẻ, cho dù họ có đọc bao nhiêu, cũng ngần ngại khi định vị bản thân chặt chẽ với một hoạt động mà họ coi là có sự nữ tính.
Tình trạng kinh tế xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến việc ai đó tự nhận bản thân là độc giả. Những người thuộc thế hệ Z và thế hệ Millennials không nhận mình là độc giả kiếm được ít tiền hơn và ít khả năng có việc làm hơn so với những người không coi mình là độc giả.
Với những số liệu trên, cũng có thể thấy việc tự nhận bản thân là độc giả liên quan đến nhiều yếu tố như tính cộng đồng, sự giàu có và giới tính, chứ không chỉ đơn thuần là số lượng tác phẩm họ đọc.
Có lẽ định nghĩa về “đọc” sẽ dần được mở rộng khi giá trị của sách nói và truyện tranh được đề cao hơn và các cộng đồng yêu thích sách, ngoài những nơi như BookStagram và BookTok, được phát triển và quan tâm hơn. Nếu mọi hoạt động tương tác với thế giới xuất bản đều được coi là độc giả thì có thể số người trẻ tự nhận là độc giả sẽ cao hơn và những giá trị của thế giới sách đối với mỗi người sẽ ngày càng phong phú và được nâng cao hơn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng