Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người tiêu dùng Mỹ gặp khó với chi phí ăn uống ngày càng cao

Giá đồ ăn ở các nhà hàng Mỹ tăng kỷ lục, trong khi nguyên liệu để nấu ăn tại nhà cũng vọt lên. Giới chuyên gia cho rằng xu hướng tăng giá sẽ không sớm kết thúc.

Theo CNN, người tiêu dùng Mỹ đang đối mặt với tình trạng chi phí ăn uống ngày càng đắt đỏ. Kể từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2021, giá đồ ăn tại nhà hàng đã tăng vọt 5,8%, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Kể từ tháng 1/1982, đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 12 tháng. Ngay cả khi chuyển sang ăn ở nhà, người tiêu dùng Mỹ vẫn chật vật vì chi phí gia tăng.

Giá hàng tạp hóa chứng kiến mức tăng kỷ lục 6,4%, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 12/2008. Thịt bò tăng vọt 20,9%.

Nhu cầu tại Mỹ phục hồi mạnh mẽ khi nền kinh tế đứng dậy từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, những rắc rối trong chuỗi cung ứng khiến nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu, thúc đẩy giá tăng vọt.

Chi phi tang cao anh 1

Người tiêu dùng Mỹ đang đối mặt với chi phí ăn uống ngày càng đắt đỏ. Giá đồ ăn ở các nhà hàng tăng kỷ lục, trong khi nguyên liệu để nấu ăn tại nhà cũng tăng giá. Ảnh: Reuters.

Tăng giá thức ăn

Các nhà hàng và nhà sản xuất thực phẩm Mỹ không miễn nhiễm với những vấn đề của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt người lao động. Tuy nhiên, khách hàng vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Do đó, các nhà hàng đã tăng giá thức ăn.

Nhưng vì thu nhập của người lao động cũng tăng lên, người tiêu dùng đã chấp nhận trả mức giá cao hơn.

Vào tháng 10, McDonald's dự báo ​​giá trên thực đơn năm nay sẽ cao hơn khoảng 6% so với năm ngoái. Giám đốc điều hành Chris Kempczinski cho biết điều này "đã được khách hàng đón nhận khá tích cực".

Chipotle cũng tăng giá trong năm nay. Tuy nhiên, doanh số bán hàng vẫn tăng lên.

Chi phi tang cao anh 2

Đà tăng giá kéo dài trong những tháng gần đây. Các nhà sản xuất phải chuyển chi phí sang cho những nhà bán lẻ. Người tiêu dùng do đó cũng hứng chịu một phần mức tăng. Ảnh: Reuters.

Ngoài các nhà hàng, những nhà sản xuất thực phẩm và cửa hàng tạp hóa cũng phải đối mặt với chi phí hàng hóa, nhân công và vận chuyển cao hơn.

Đà tăng giá đã kéo dài trong những tháng gần đây. Do đó, các nhà sản xuất phải chuyển một phần chi phí sang cho những nhà bán lẻ. Vì vậy, người tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng do giá tăng.

Xu hướng này có thể tiếp tục được duy trì trong năm 2022. Những nhà sản xuất lớn như Kraft Heinz và Mondelez tiết lộ họ có kế hoạch tăng giá cho các nhà bán lẻ vào đầu năm 2022.

Do đó, các công ty có thể giảm hoặc dừng những chương trình giảm giá. Bởi nhu cầu vẫn mạnh mẽ, còn nguồn cung đang hạn chế. Điều này sẽ thúc đẩy giá cao hơn nữa.

Áp lực lạm phát

Theo công bố hôm 10/12 của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tại Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0,8% trong tháng qua và 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982.

CPI lõi, ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,5% trong tháng 11 và 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 1991.

Mức tăng CPI của Mỹ đã vượt qua dự báo của giới quan sát. Trước đó, Dow Jones ước tính CPI sẽ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xà lách và trái cây tươi tăng lần lượt 6,9% và 2,2%. Các loại bánh cũng tăng giá 3,5%. Giá thịt lợn tăng 2,2%. Thịt heo quay, bít tết và sườn tăng giá 3,7%.

Đà tăng giá đã diễn ra mạnh mẽ và dai dẳng hơn so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. "Ngay cả khi loại bỏ những yếu tố do đại dịch gây ra, lạm phát vẫn rất cao. Giá cả tăng mạnh vì gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt chất bán dẫn", ông Randy Frederick - Giám đốc điều hành tại Charles Schwab - nhận định.

Chi phi tang cao anh 3

Giá hàng tạp hóa tại Mỹ chứng kiến mức tăng kỷ lục 6,4%, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 12/2008. Thịt bò tăng vọt 20,9%. Ảnh: Reuters.

Giới quan sát lo ngại tình trạng lạm phát có thể cản đường phục hồi của kinh tế Mỹ. Hôm 30/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế. Nguyên nhân là áp lực lạm phát đang gia tăng.

Theo người đứng đầu Fed, quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình được công bố hồi đầu tháng 11. Ông Powell tiết lộ vấn đề có khả năng được thảo luận tại cuộc họp vào tháng 12.

"Tại thời điểm này, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ và áp lực lạm phát tăng cao. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc cân nhắc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu có lẽ sẽ sớm hơn một vài tháng", ông nhận định.

Ông Powell nhận định hoạt động mua trái phiếu đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế. "Nhưng sự cần thiết của chúng giảm đi khi nền kinh tế tiếp tục đi lên. Chúng ta đang chứng kiến áp lực lạm phát gia tăng đáng kể", người đứng đầu Fed nhận định.

Lạm phát Mỹ tăng mạnh nhất trong 40 năm

Lạm phát tháng 11 của Mỹ đã tăng nhanh hơn so với những dự báo trước đó của giới quan sát. Điều này có thể gây sức ép lên ngân hàng trung ương nước này.

Những bi kịch đằng sau cơn khát chip trên toàn cầu

Giới chức trên toàn cầu đang thúc giục các nhà máy đẩy mạnh sản xuất chip để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, nhiều công nhân phải đánh cược sức khỏe và tính mạng của mình.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm