CNBC đưa tin theo công bố hôm 10/12 của Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tại Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 0,8% trong tháng qua và 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982.
CPI lõi, ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,5% trong tháng 11 và 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 1991.
Mức tăng CPI của Mỹ đã vượt qua dự báo của giới quan sát. Trước đó, Dow Jones ước tính CPI sẽ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ chứng kiến mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982. Giá xăng dầu đã vọt lên 58,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Lạm phát tăng vọt
Giá năng lượng tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 11, giá năng lượng chứng kiến mức tăng 3,5%. Giá xăng dầu vọt lên 58,1% kể từ tháng 11/2020.
Giá thực phẩm tăng 6,1% so với năm ngoái. Giá xe đã qua sử dụng - được coi là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát - tăng 31,4%. Theo Bộ Lao động Mỹ, tính từ tháng 11/2020, giá năng lượng và thực phẩm chứng kiến mức tăng nhanh nhất trong ít nhất 13 năm.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lạm phát gia tăng do những yếu tố liên quan đến đại dịch. Nhu cầu phục hồi mạnh mẽ nhưng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã cản trở nguồn cung.
Đà tăng giá đã diễn ra mạnh mẽ và dai dẳng hơn so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. "Ngay cả khi loại bỏ những yếu tố do đại dịch gây ra, lạm phát vẫn rất cao. Giá cả tăng mạnh vì gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt chất bán dẫn", ông Randy Frederick - Giám đốc điều hành tại Charles Schwab - nhận định.
Ngay cả khi loại bỏ những yếu tố do đại dịch gây ra, lạm phát vẫn rất cao. Giá cả tăng mạnh vì gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt chất bán dẫn
Ông Randy Frederick, Giám đốc điều hành tại Charles Schwab
Hôm 30/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế. Nguyên nhân là áp lực lạm phát đang gia tăng.
Theo người đứng đầu Fed, quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình được công bố hồi đầu tháng 11. Ông Powell tiết lộ vấn đề có khả năng được thảo luận tại cuộc họp vào tháng 12.
"Tại thời điểm này, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ và áp lực lạm phát tăng cao. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc cân nhắc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu có lẽ sẽ sớm hơn một vài tháng", ông nhận định.
Ông Powell nhận định hoạt động mua trái phiếu đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế. "Nhưng sự cần thiết của chúng giảm đi khi nền kinh tế tiếp tục đi lên. Chúng ta đang chứng kiến áp lực lạm phát gia tăng đáng kể", người đứng đầu Fed nhận định.
Gây sức ép đối với nền kinh tế
Từ lâu, các quan chức Fed đã cho rằng xu hướng tăng của lạm phát ở thời điểm hiện tại chỉ là "nhất thời". "Mỗi người có cách hiểu từ 'tạm thời' khác nhau. Với nhiều người, nó có nghĩa là diễn ra trong thời gian ngắn", ông Powell giải thích.
"Nhưng chúng tôi dùng nó để chỉ ra rằng lạm phát hiện tại sẽ không dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao vĩnh viễn", ông nói thêm. "Chúng tôi đưa ra những chính sách thích ứng và sẽ tiếp tục làm điều đó", người đứng đầu Fed khẳng định.
Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang gia tăng. Sau khi loại trừ năng lượng, chi phí dịch vụ tăng 0,4% trong tháng 11 và 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2007.
Chi phí may mặc cũng tăng đáng kể trong tháng 11 trước kỳ nghỉ cuối năm.
Lạm phát tăng cao có thể cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế. Ảnh: Reuters. |
Lạm phát cũng cản trở quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ. Mới đây, Nomura Holdings Inc. dự báo đến cuối năm 2022, rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế phải đối mặt có thể là đình trệ, chứ không phải lạm phát đình trệ.
Nguyên nhân là chi phí tăng cao dẫn đến áp lực giá, làm suy yếu nhu cầu vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Cùng với đó là các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn.
Theo báo cáo, lạm phát tăng cao sẽ dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập hộ gia đình sụt giảm, từ đó làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, tiết kiệm cũng gia tăng trong bối cảnh bất ổn kinh tế.
Việc chuyển từ các chính sách nới lỏng sang thắt chặt cũng sẽ là trở ngại lớn đối với nền kinh tế. Nomura cho rằng nếu lạm phát tại Mỹ tăng cao trong nửa đầu năm 2022, Fed có thể nâng lãi suất.
"Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, điều đó càng củng cố thêm quan điểm của chúng tôi rằng vào cuối năm 2022, rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới là đình trệ chứ không phải lạm phát đình trệ", Nomura nhấn mạnh.