Bloomberg đưa tin theo Nomura Holdings Inc., đến cuối năm 2022, rủi ro lớn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt có thể là đình trệ, chứ không phải lạm phát đình trệ. Nguyên nhân là chi phí tăng cao dẫn đến áp lực giá, làm suy yếu nhu cầu vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Cùng với đó là các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn.
Hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm khu vực đồng euro, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch. Theo các nhà kinh tế của Nomura, nhu cầu cũng dễ bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Theo báo cáo, tăng trưởng giảm tốc có thể do lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập hộ gia đình sụt giảm vì lạm phát tăng cao. Tiết kiệm cũng gia tăng trong bối cảnh bất ổn kinh tế.
Đến cuối năm 2022, rủi ro lớn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt có thể là đình trệ. Ảnh: Reuters. |
Việc chuyển từ các chính sách nới lỏng sang thắt chặt cũng sẽ là trở ngại lớn đối với nền kinh tế. Nomura cho rằng nếu lạm phát tại Mỹ tăng cao trong nửa đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất.
Hôm 30/11, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế. Nguyên nhân là áp lực lạm phát đang gia tăng.
Theo người đứng đầu FED, quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình được công bố hồi đầu tháng 11. Ông Powell tiết lộ vấn đề có khả năng được thảo luận tại cuộc họp vào tháng 12.
"Tại thời điểm này, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ và áp lực lạm phát tăng cao. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc cân nhắc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu có lẽ sẽ sớm hơn một vài tháng", ông nhận định.
"Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, điều đó càng củng cố thêm quan điểm của chúng tôi rằng vào cuối năm 2022, rủi ro lớn nhất đối với kinh tế thế giới là đình trệ chứ không phải lạm phát đình trệ", Nomura nhấn mạnh.