Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người sợ cô đơn thường không chịu đọc sách

Vốn từ của bạn càng phong phú, phạm vi biểu đạt trong tư duy của bạn sẽ càng rộng, giúp bạn tự đối diện với cảm xúc khi ở một mình.

Đọc sách giúp bạn tăng vốn từ, từ đó khiến nỗi bất an giảm xuống. Tranh: New York Times.

Người sợ cô đơn thường không chịu đọc sách. Bởi vì chỉ cần có thời gian rảnh, họ sẽ lập tức bật tivi, hoặc cắm cúi vào điện thoại, chìm đắm trong mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, hoặc ứng dụng gọi điện nhắn tin, bởi họ rất cần đến sự tồn tại của người khác.

Càng đọc nhiều sách, bạn càng có thể thấu hiểu quy tắc và cấu trúc của xã hội, càng có thể giảm bớt lo lắng bất an, nhận ra hi vọng. Khi đã trang bị đầy đủ kiến thức, cũng có nghĩa là đã trang bị được những phương pháp để vượt qua khó khăn trở ngại, nhờ đó giải toả được tâm lí lo lắng bất an.

Còn có một lí do khác nữa, đó là vốn từ nhiều hay ít cũng liên quan tới cảm giác hạnh phúc, vốn từ càng phong phú, lại càng dễ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Từ vựng là nền tảng suy nghĩ của bạn, nên cũng có thể ảnh hưởng tới suy nghĩ trong tâm trí. Khi bạn suy nghĩ: "Hóa ra chuyện này là như vậy!", "Làm thế có được không?", nếu như vốn từ của bạn hạn hẹp thì phạm vi biểu đạt trong tư duy của bạn cũng sẽ bị hạn chế. Như vậy, bạn sẽ không có đủ công cụ để phân tích và suy nghĩ thấu đáo về mọi trường hợp.

Vậy thì, tại sao vốn từ phong phú lại có liên quan tới cảm giác hạnh phúc? Vốn từ vựng càng nhiều, bạn càng dễ dàng biểu đạt suy nghĩ trong lòng qua lời nói, nhờ vậy, sẽ càng dễ dàng xử lí cảm xúc của bản thân.

Ví dụ, những cảm xúc không rõ ràng như bất an, lo lắng, băn khoăn, thậm chí cả những cảm giác rất tinh tế như cay cay sống mũi, nếu có thể chuyển hoá thành ngôn ngữ lí trí, sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tâm trạng và cảm xúc của bản thân, biết được bạn đang bất an như thế nào.

Khi đã nhận rõ cảm xúc của bản thân, bạn mới có thể xác định rõ cách thức xử lí hay thay đổi tư duy, để giải toả cảm xúc bất an đó. Hoặc cũng có thể là lựa chọn tiếp nhận và “tiêu hoá” nỗi bất an. Đây là một cách nhanh chóng để xử lí vấn đề cảm xúc của bản thân.

Tuy nhiên, nếu bạn không thể sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt nỗi phiền muộn trong lòng thì sẽ không thể xác định được nguyên do gây phiền muộn. Nguyên do mập mờ không rõ, thì cảm giác bất an cũng sẽ đeo đẳng bạn mãi, không thể nào giải toả.

“Mình đã cố gắng hết khả năng, nhưng mọi việc vẫn không được như ý. Mình cảm thấy cuộc sống này sao mệt mỏi quá.” Sở dĩ có cảm giác đó, là bởi họ không thể diễn đạt cảm xúc qua ngôn ngữ, nói cách khác, là vì họ không biết cách lí giải và biểu đạt chính mình.

Chúng ta nhờ vào ngôn ngữ để nhận biết thế giới này, nhờ vào ngôn ngữ để nhận biết bản thân. Chính vì vậy, khả năng biểu đạt ngôn ngữ có vai trò quan trọng. Giữa người giỏi diễn đạt và người diễn đạt kém có sự khác biệt trời vực về cảm giác hạnh phúc.

Cũng có nghĩa là, cảm giác ngôn ngữ càng nhạy bén, lại càng dễ có cảm giác được sống theo đúng suy nghĩ của mình, mà một phương pháp hữu hiệu để rèn luyện độ nhạy bén ngôn ngữ, chính là đọc sách.

Khi đọc sách, bạn sẽ cảm thấy ngoài thế giới mình sinh hoạt thường ngày, còn tồn tại một thế giới khác rộng lớn hơn nữa, bạn cũng sẽ nhận ra được trên thế giới này có muôn vàn cuộc sống và phương thức tư duy thiên hình vạn trạng. Ngược lại, nếu như không biết được rằng cuộc đời mình có vô số quyền lựa chọn, thì cũng sẽ không nghĩ đến chuyện trong tình cảnh nào đó nên làm gì để có lợi cho bản thân, hoặc làm thế nào để né tránh nguy hiểm.

Tokio Godo / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY