Ngày 23/5, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob công bố ngừng xuất khẩu thịt gà sống sang Singapore từ tháng 6. Điều này đã tạo nên một cuộc “khủng hoảng cơm gà" tại đảo quốc sư tử.
Lệnh cấm sẽ kéo dài trong bao lâu?
Ông Ismail Sabri đã công bố lệnh cấm xuất khẩu vào ngày 23/5, sau cuộc họp nội các khẩn cấp nhằm giải quyết áp lực ngày càng tăng của dư luận về việc chính phủ không thể giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt gà trong nước. Điều này vốn đã gây xôn xao kể từ quý cuối cùng của năm 2021.
Thủ tướng cho biết lệnh cấm xuất khẩu khoảng 3,6 triệu con gia cầm mỗi tháng - chủ yếu vào nước láng giềng Singapore - sẽ tiếp tục cho đến khi giá cả và nguồn cung địa phương ổn định.
Lệnh cấm xuất khẩu gà sẽ được duy trì cho đến khi tình hình trong nước ổn định. Ảnh: Bloomberg. |
“Tôi mong người dân Malaysia ủng hộ hành động này. Chính phủ thực hiện nó để bảo vệ lợi ích của nhân dân, những người đang bị kìm hãm bởi giá cả và chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như thiếu hụt nguồn cung”, ông Ismail Sabri nói.
Yeah Kim Leng, giáo sư kinh tế tại Đại học Sunway cho biết lệnh cấm xuất khẩu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, vị này cảnh báo rằng đó là một “giải pháp mang tính tạm thời và rất dễ gây gián đoạn” đối với các nhà sản xuất có hợp đồng cung ứng dài hạn ở nước ngoài.
“Lệnh cấm nên nhanh chóng được dỡ bỏ ngay sau khi cân bằng cung cầu trong nước được khôi phục với sự hợp tác của tất cả các doanh nghiệp trong ngành", ông nói.
Bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu, Thủ tướng Ismail Sabri cũng tuyên bố nước này sẽ tạo nguồn dự trữ gia cầm, bãi bỏ giấy phép nhập khẩu và tăng số lượng các lò mổ được chứng nhận ở nước ngoài.
Singapore phụ thuộc thị trường Malaysia
Singapore, nơi món cơm gà khiêm tốn trở thành món ăn được ưa thích của người dân địa phương, nhập khẩu từ Malaysia 1/3 số lượng gà cần thiết.
Nếu không có gia cầm tươi của Malaysia, Singapore hiện chỉ còn lại nguồn cung cấp đông lạnh từ Brazil, chiếm 48% nguồn cung của cả nước, tiếp theo là 8% từ Mỹ và nhóm các nước khác chiếm 10% còn lại.
Cơ quan Thực phẩm Singapore cho biết việc hạn chế có thể dẫn đến gián đoạn tạm thời đối với nguồn cung thịt gà ướp lạnh. Cơ quan này cũng kêu gọi người tiêu dùng cân nhắc chuyển sang thịt gà đông lạnh hoặc các sản phẩm thịt khác.
Một người bán hàng cân gà sống tại một khu chợ ẩm ướt ở Sekinchan, Selangor. Ảnh: Bloomberg. |
Tờ The Straits Times của Singapore cho biết những người bán gà dự đoán giá gà ướp lạnh có thể tăng tới 30%, điều này sẽ khiến giá món cơm gà tăng vọt.
Nghi vấn trục lợi
Một số người Singapore đã tìm thấy sự hài hước trong “khủng hoảng cơm gà". Họ đăng lên sàn thương mại điện tử nổi tiếng Carousell những lời quảng cáo thú vị cho “món cơm gà cuối cùng ở Singapore không bị đông lạnh”, hoặc “đây là gói cơm gà chưa đông lạnh cuối cùng ở Singapore”. Một người bán hàng cho biết gói này chứa 5.000 hạt gạo và 9 lát gà.
Người Malaysia cũng nói đùa về tình hình trên phương tiện truyền thông xã hội vào ngày lệnh cấm có hiệu lực. Một bản tin video của Channel NewsAsia của Singapore cho thấy xe tải chở “những lô gà thịt sống cuối cùng từ Malaysia” vào trạm kiểm soát hải quan của thành phố trước cửa thời hạn nửa đêm.
Tuy nhiên, cảnh tượng những chuyến xe chở đầy thịt gà ra khỏi đất nước cũng khiến một số người Malaysia lo lắng. Nhiều người đặt câu hỏi liệu sự thiếu hụt là có thật hay là một nỗ lực trục lợi của các nhà sản xuất.
Nhà sản xuất gà quy mô vừa của Malaysia Yani Hardinata Hairuddin từ Safina Foods đã bác bỏ các cáo buộc về một âm mưu phía sau sự thiếu hụt.
“Trước khi thiếu hụt, chúng tôi có thể giết mổ tới 9.000 con gia cầm mỗi ngày. Giờ đây, nó chỉ còn dưới 3.000 lượt một tuần”, Yani nói với This Week in Asia.
Tập trung vào những con gà được sản xuất theo phương pháp halal của Hồi giáo, Yani cho biết nhà máy của ông đang làm việc cùng với các lò giết mổ halal khác để giảm chi phí.
Người Singapore sẽ ăn ít cơm gà lại?
Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy khi nào chính phủ Malaysia sẽ dỡ bỏ lệnh cấm. Hiện tại, giá cả vẫn ở mức cao và tờ The Star hôm thứ tư đưa tin rằng gia cầm được bán với giá 17 ringgit/kg tại một số cửa hàng tạp hóa địa phương, so với mức giá trần cố định của chính phủ là 8,90 ringgit (2,03 USD) có hiệu lực từ ngày 5/2 đến ngày 5/6.
Trong một bài phát biểu hôm thứ tư, Ismail Sabri cho biết giá trung bình mỗi kg sẽ đạt 12 ringgit/kg nếu chính phủ không can thiệp.
Tại Singapore, người sáng lập Tian Tian Hainanese Chicken Rice - một trong những quán cơm gà nổi tiếng nhất đất nước - nói với The Straits Times rằng bà đang cân nhắc việc ngừng bán các món gà nếu không thể có được nguồn cung cấp tươi sống.
Tiệm cơm gà nổi tiếng Tian Tian sẽ không dùng gà đông lạnh cho món ăn nổi tiếng của mình. Ảnh: Shutterstock. |
Foo Kui Lian nói nếu ông không thể tìm được các nhà cung cấp thay thế, “chúng tôi sẽ mang trở lại các món ăn như đậu phụ rán, sườn lợn rán và salad tôm. Chúng tôi sẽ không sử dụng thịt gà đông lạnh”.
Các nhà chức trách Singapore đã kêu gọi người dân thành phố không tích trữ hoặc mua quá nhiều thịt gà đông lạnh.
Chuỗi siêu thị lớn nhất của đất nước cho biết họ có một kho dự trữ gà đông lạnh trong bốn tháng và hai tháng nữa sẽ có nguồn cung "rất sớm".