Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người phụ nữ quyết dập tắt tham vọng quyền lực mềm của Trung Quốc

Tân Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power bày tỏ mong muốn khôi phục vị thế của nước Mỹ qua việc giúp đỡ các quốc gia khác.

samantha power anh 1

Tháng 11/2020, sau khi ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ, bà Samantha Power lập luận rằng việc tuyên bố: “Nước Mỹ đã quay trở lại” là điều tốt. Tuy nhiên, Mỹ cần phải chứng minh khả năng của mình.

“Nước Mỹ cần gia nhập trở lại các hiệp ước và tổ chức quốc tế”, bà viết trên tờ Foreign Affairs, “nhưng ảnh hưởng của Mỹ sẽ gia tăng nhiều nhất qua việc thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu của các quốc gia lúc họ cần nhất”.

Bà cho rằng đại dịch Covid-19 càng thôi thúc Mỹ hành động. Với việc đi đầu trong quá trình phân phối vaccine toàn cầu, Mỹ có thể vượt mặt Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về quyền lực mềm. Mỹ cũng sẽ lại được nhìn nhận như một quốc gia “không thể thiếu” trên thế giới.

Sáu tháng sau, bà Power đã có thể trực tiếp tham gia hoạch định chính sách và hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Bà được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC).

Từ phóng viên đến chính trị gia

Bà Power tự miêu tả mình là một người “khó chịu”. Vào những năm 1990, với tư cách một phóng viên chiến trường tại vùng Balkans, bà từng lớn tiếng chỉ trích chính quyền Mỹ vì không có biện pháp chống lại nạn diệt chủng.

samantha power anh 2

Bà Samantha Power và Tổng thống Barack Obama khi tại nhiệm trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Sau khi tham gia chính trị, bà trở thành đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trong thời kỳ này, bà đã đến Tây Phi nhằm nâng cao nhận thức về đại dịch Ebola. Bà cũng là người ủng hộ nhiệt tình việc Mỹ can thiệp vào Libya hay Syria.

Theo chính bà kể lại, nhiều lúc Tổng thống Obama tỏ ra mệt mỏi với bà trong các phiên họp tại Nhà Trắng. Tuy vậy, ông Biden, lúc đó là phó tổng thống, đã động viên bà qua các tờ giấy nhớ. Bà vẫn giữ chúng trong căn hộ của mình ở Boston.

Trong bối cảnh đại dịch, bà Power đang cố gắng thúc đẩy một chính sách đã bắt đầu thành hình. Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã chỉ thị Bộ Ngoại giao và USAID lên kế hoạch đưa thế giới thoát khỏi đại dịch, cũng như chống lại các thách thức y tế toàn cầu trong tương lai.

Tuy vậy, trong khi ưu tiên vào việc chống lại đại dịch trong nước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tỏ ra chậm chạp trong việc giúp đỡ các nước khác. Chỉ trong những tuần gần đây, Mỹ mới gửi lượng lớn vật tư y tế đến Ấn Độ, cũng như ủng hộ việc tạm thời gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine.

Bà Power cho rằng việc thuyết phục người Mỹ rằng “giúp bạn là tự giúp mình” là một phần công việc. “Trong bối cảnh đại dịch gây nên mối đe dọa lớn hơn bất cứ vấn đề nào khác, số phận của người Mỹ gắn liền với các bước tiến trên toàn thế giới”, bà phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tháng 3.

“Cởi trói” cho USAID

Trong những năm qua, USAID đang dần mất đi tầm ảnh hưởng trong chính quyền Mỹ. Tổ chức này thậm chí mất khả năng kiểm soát chương trình hoạt động và ngân sách của chính mình. Các chương trình phát triển về lao động, khí hậu, thậm chí là thúc đẩy các giá trị Mỹ bị rơi vào tay các cơ quan khác.

samantha power anh 3

USAID đang dần mất đi vai trò trong chính nước Mỹ. Ảnh: Reuters.

Mặc dù một nỗ lực của Quốc hội Mỹ vào những năm 1990 nhằm sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ đã thất bại, tổ chức này tiếp tục mất đi ảnh hưởng khi các kế hoạch khác dần chiếm lấy sự chú ý của chính giới và nguồn lực tài chính.

Bà Power cam kết hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành khác, đồng thời hy vọng giúp USAID được phụ trách thêm nhiều chương trình khác và có thêm ngân sách.

“Một khi USAID được 'cởi trói' và được phân bố nguồn lực đầy đủ, sẽ có một sự tái phân bố công việc và thẩm quyền giữa các cơ quan”, bà khẳng định”.

Theo bà, Mỹ vẫn nắm giữ nhiều lợi thế trong cạnh tranh về quyền lực mềm với Trung Quốc.

“Trong bối cảnh Trung Quốc hành động nhanh chóng, toàn diện, với nguồn ngân sách lớn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên thế giới, nước Mỹ vẫn có nhiều lợi thế”, bà chia sẻ. “Chúng ta tin vào một hệ thống Internet tự do và rộng mở. Chúng ta có các tổ chức tư nhân mà nhiều nơi muốn được nhận đầu tư từ đó”.

Trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức đầu tháng 5, bà Power nhấn mạnh vào “tính cấp thiết” của tình hình đại dịch, cũng như cách để phục hồi uy tín của USAID như công cụ đối ngoại hàng đầu của Mỹ.

Theo bà, uy tín của USAID nói riêng và nước Mỹ nói chung sẽ được nâng cao nếu tổ chức này “có cơ hội tổ chức các chương trình tiêm chủng vaccine tại các quốc gia mà USAID đã hoạt động trong 60 năm qua”.

Tinh thần người phóng viên chiến trường

Từng là một nhà vận động trước khi tham gia chính phủ, bà Power hiểu rõ sự khác biệt giữa hai vai trò này. Bà coi đây là cơ hội để biến đam mê của mình thành chính sách.

samantha power anh 4

Bà Samantha được kỳ vọng sẽ thúc đẩy USAID thành một trong những công cụ đối ngoại đắc lực của Mỹ. Ảnh: AP.

“Tôi đã muốn trở thành một phần của các bạn”, bà nói với các nhân viên USAID dưới quyền khi nhậm chức. “Khi tôi đến khu vực Balkans vào những năm 20 tuổi, tôi muốn trở thành nhân viên cứu trợ với hy vọng có thể trực tiếp giúp đỡ những người đang đau khổ”.

“Tuy vậy, tôi nhanh chóng nhận ra mình không có kỹ năng. Do đó, tôi đã trở thành phóng viên chiến trường”.

Bà kể lại rằng những nhân viên cứu trợ Mỹ mà bà đã gặp đều thể hiện sự quyết tâm và kỹ năng thay đổi cuộc sống của người khác, không chỉ trong thiên tai hay thảm họa.

“Các bạn không ngại đối diện với nỗi đau của thế giới”, bà Power nói với nhân viên. “Các bạn không coi đấy là vấn đề của người khác. Các bạn đã hành động, đã phục vụ và dựa trên tinh thần đó để nâng cao phẩm giá con người”.

“Đằng sau tất cả tuyên bố to tát về sứ mệnh lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ, hành động, tham vọng và khả năng làm những điều lớn lao của chúng ta là thứ thực sự đi vào lòng người và giúp thay đổi tương lai”, bà khẳng định.

Bốn cựu tổng thống Mỹ cùng tham gia chiến dịch vaccine Covid-19 Các cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã cùng nhau xuất hiện trong một chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi người dân Mỹ tiêm vaccine.

Nước Mỹ vừa 'tiến thêm một bước' để giúp thế giới có nhiều vaccine hơn

Các nhà vận động y tế toàn cầu nói quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một phần của vấn đề. Chìa khóa của sản xuất vaccine nằm ở các công thức mà chỉ nhà sản xuất nắm được.

Việt Hà

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm