Sau nhiều tháng kiên quyết phản đối việc dừng bảo vệ bằng sáng chế đối với vaccine, ngày 5/5, Mỹ tuyên bố ủng hộ việc tạm thời gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19. Theo chính quyền của Tổng thống Joe Biden, điều này sẽ giúp gia tăng năng lực sản xuất vaccine ở quy mô toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Đề xuất này ban đầu được đệ trình lên WTO bởi Ấn Độ và Nam Phi. Sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với đề xuất là kết quả sức ép của nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ, cũng như một số tổ chức phi chính phủ.
Nó cũng đến giữa lúc làn sóng Covid-19 thứ hai đang quét qua Ấn Độ với quy mô chưa từng được thấy trên thế giới, khoảng 350.000-400.000 ca nhiễm mới/ngày. Tình cảnh ở Ấn Độ, nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, phô bày sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy những lời kêu gọi nước giàu thu hẹp khoảng cách này.
Trong khi thái độ của Mỹ có thể kéo theo sự đồng thuận từ các nước phát triển khác, giới chuyên gia và hoạt động cảnh báo dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một trong nhiều điều cần làm để thực sự thúc đẩy nguồn cung vaccine trên thế giới.
Người hoan nghênh...
Ngay sau khi Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai công bố chính sách mới của Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố hoan nghênh động thái này.
“Tổng thống Biden nên được khen ngợi vì tìm cho nước Mỹ một vai trò mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo quyền tiếp cận của mọi quốc gia đối với vaccine và các biện pháp chữa trị trong đại dịch”, bà nói.
Sau động thái của Mỹ, Liên minh châu Âu cho biết khối này “sẵn sàng thảo luận” kế hoạch của Mỹ về việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19.
Liên minh châu Âu sẵn sàng thảo luận với Mỹ về vấn đề dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine. Ảnh: Guardian. |
“EU sẵn sàng thảo luận mọi đề xuất hiệu quả và thực tế nhằm đối phó với dịch bệnh”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho rằng cam kết của Mỹ thể hiện sự lãnh đạo của nước này trong việc đối phó với các thách thức y tế toàn cầu. “Đây là thời khắc đáng nhớ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”, ông khẳng định.
“Lịch sử sẽ ghi nhớ quyết định này như là một hành động vĩ đại vì nhân loại”, tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Phi viết trên Twitter.
...kẻ (tất nhiên) phản đối
Các công ty dược phẩm phản đối cách nhìn này.
Stéphane Bancel, Giám đốc Điều hành của hãng dược phẩm Moderna, cho rằng việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không giúp thế giới sản xuất nhiều vaccine sử dụng công nghệ mARN hơn trong năm 2021 và 2022, thời điểm quan trọng nhất trong công tác phòng chống đại dịch.
“Không có khả năng mở rộng sản xuất vaccine mARN trên thế giới,” ông nói.
Pfizer/BioNTech và Moderna là hai vaccine sử dụng công nghệ mARN.
“Động thái của chính quyền Biden là không cần thiết và có hại”, Jeremy Levin, Chủ tịch Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học, nói với Financial Times. “Động thái này không thể giúp cung cấp vaccine nhanh chóng. Tệ hơn nữa, nó tạo ra tiền lệ khiến các công ty đầu tư vào đổi mới công nghệ có nguy cơ bị lấy mất sản phẩm nghiên cứu”.
Các công ty dược phẩm hàng đầu như Moderna không hài lòng với quyết định của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Giá cổ phiếu của các công ty dược phẩm sụt giảm mạnh sau tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden. Trên sàn Frankfurt, giá cổ phiếu của BioNTech giảm 14% trong phiên giao dịch ngày 6/5. Moderna và Novanax cũng giảm lần lượt 3% và 6% trên sàn New York.
Các công ty dược phẩm Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của CanSino Biologics, công ty đầu tiên được cấp bằng sáng chế vaccine Covid-19 ở Trung Quốc, giảm 14%. Fosun Pharma, đối tác phân phối vaccine của BioNTech ở Trung Quốc cũng mất 9% giá trị cổ phiếu.
Mất bao lâu để từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ?
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các quốc gia nhanh chóng đàm phán về việc gỡ bỏ hạn chế về sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Tuy vậy, việc này không thể được thực hiện trong một sớm một chiều.
“Thời gian tối thiểu là một đến hai tháng”, Clete Willems, cựu quan chức thương mại trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump, nói về viễn cảnh đạt được thỏa thuận. Ông Willems từng làm việc ở phái đoàn của Mỹ tại WTO.
Hiện tại chưa có đề xuất nào được đệ trình lên WTO về việc dỡ bỏ hạn chế sở hữu trí tuệ chỉ riêng cho vaccine. Đệ trình của Ấn Độ và Nam Phi vào tháng 10/2020 bao gồm cả thuốc điều trị, bộ xét nghiệm, máy thở, dụng cụ bảo hộ và các trang thiết bị cần thiết khác.
Ông Williems cho rằng mục tiêu thực tế nhất là đạt được thỏa thuận trong phiên họp cấp bộ trưởng của WTO vào cuối tháng 11. Theo quy định của WTO, 164 quốc gia thành viên phải đạt được đồng thuận. Sự phản đối của chỉ một quốc gia có thể khiến quyết định không được thông qua.
Anh, Nhật Bản, Brazil đang phản đối việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine. Quan điểm chính thức của Liên minh Châu Âu vẫn là phản đối, tuy một số quốc gia như Pháp và Hy Lạp đã bày tỏ sự ủng hộ.
Bản đồ thể hiện quan điểm của các nước với việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine đến ngày 5/5. Màu hồng là phản đối, màu vàng là đồng ý, màu xanh là chưa quyết định. Ảnh: Andrew Stroehlein/Twitter. |
Điều cần làm ngay
Quyết định của Mỹ là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất vaccine trên toàn thế giới. Tuy vậy, các nhà vận động y tế toàn cầu cho rằng đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ là chưa đủ.
Bên cạnh tạm đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ, các công ty dược phẩm lớn ở các nước phát triển cần chuyển giao công nghệ cho đồng nghiệp ở các nước đang phát triển.
“Sản xuất vaccine là một quy trình vô cùng phức tạp và cần nhiều bí quyết. Các bằng sáng chế chỉ chứa một phần nhỏ trong số đó”, Göran Conradson, Giám đốc Điều hành của Ziccum, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế tại Thụy Điển, chia sẻ. “Cách thức chuyển giao công nghệ cần được thảo luận dựa trên từng trường hợp”.
Bằng sáng chế chỉ chứa những thông tin cơ bản nhất. Chuyển giao công nghệ sẽ giúp các kỹ sư và nhà khoa học ở các nước đang phát triển hiểu chính xác quy trình sản xuất vaccine. Các chuyên gia gợi ý nội dung chuyển giao nên tập trung vào quy trình kiểm soát chất lượng, khâu quan trọng trong sản xuất sản phẩm y tế.
“Bạn không thể cứ đưa cho một người bằng sáng chế và hy vọng họ có thể sản xuất vaccine. Hơn nữa, có quá nhiều bằng sáng chế cần sử dụng cho chỉ một sản phẩm”, Kristopher Howard, chuyên gia tư vấn về vaccine cho các chính phủ và doanh nghiệp, nói với TRT World.
Tương tự Ấn Độ, Nepal đang đứng trước nguy cơ số ca nhiễm tăng nhanh làm sụp đổ hệ thống y tế. Ảnh: Reuters. |
Các công ty sản xuất vaccine ở các nước đang phát triển cũng cho rằng họ cần học hỏi kinh nghiệm ở các nhà sản xuất phương Tây.
Sudarshan Jain, Tổng thư ký Liên minh Dược phẩm Ấn Độ (IPA), nói với báo chí nước này: “Chúng tôi cần công nghệ để sản xuất vaccine. Dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ kết hợp với chuyển giao công nghệ sẽ giúp tăng sản lượng vaccine”.
“Các công ty Ấn Độ cần 2-3 năm để hiểu rõ các vấn đề, phá vỡ rào cản về kiến thức và kinh nghiệm”, tiến sĩ KV Balasubramaniam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp vaccine, nhận xét.