"Tôi phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: đó là nhà vệ sinh. Mọi thứ dễ dàng hơn với nam giới vì họ có thể đi vệ sinh ở bất cứ đâu. Nhưng phụ nữ thì không, chúng tôi phải tìm một địa điểm thích hợp. Và thậm chí sau khi tìm được chỗ đó, tôi cũng không thể đi vệ sinh nổi. Tôi cần một cái nhà vệ sinh", Zaharin kể lại trải nghiệm của mình với CNN về hành trình chinh phục đỉnh Everest vào đầu thập niên 2000.
Tình hình cũng không được cải thiện là mấy sau khi Zaharin đến được cái nhà vệ sinh mà cô đang tìm kiếm.
Từ lâu, chất thải của người trên đỉnh Everest không hề được xử lý và đều được những công nhân khuân vác bản địa đưa xuống núi trong những chiếc thùng màu xanh. Ảnh: Mount Everest Biogas Project. |
Trải nghiệm tồi tệ khi leo Everest
"Mùi, ôi Chúa ơi... Nó cực kỳ hôi thối".
Zaharin không biết trước rằng hành trình trên đỉnh Himalaya của cô bao gồm cả việc đi qua "một núi phân người".
Kể từ đó đến nay, vấn đề vẫn đang ngày càng trở nên nan giải. Trong năm 2018, 12,7 tấn phân người đã đưa ra khỏi trại nghỉ ở chân đỉnh Everest, theo thống kê của một tổ chức phi chính phủ địa phương có nhiệm vụ dọn dẹp địa điểm du lịch này. Điều đáng lo ngại là, lượng phân này được đổ thẳng ra tự nhiên, khiến cho chúng có khả năng làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Đây là ví dụ điển hình của việc xử lý chất thải không an toàn, tình trạng đang ảnh hưởng đến 4,5 tỷ người trên thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Việc xây dựng nhà vệ sinh dùng nước cũng gây lo ngại do tính không bền vững của nó, vì Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về tình trạng khan hiếm nguồn nước trong tương lai.
Zaharin, một doanh nhân kiêm nhà thám hiểm và cũng là nhà hoạt động bảo vệ môi trường, đã có ấn tượng khó quên về việc đi vệ sinh trong lần đầu leo lên đỉnh Everest. Trở về nhà, Zaharin tình cờ tham dự một diễn đàn kinh doanh vào năm 2012 và nghe được ý tưởng về việc chế tạo nhà vệ sinh bền vững cho các khu vực điều kiện vệ sinh kém hoặc thiếu nước.
Và cô quyết định đầu tư vào ý tưởng đó.
Imad Agi, một công dân Thụy Điển, đã sáng tạo ra mô hình nhà vệ sinh không dùng nước, biến chất khải của con người thành phân bón nhưng vẫn triệt tiêu các vi khuẩn gây hại, với sản phẩm cuối cùng sẽ phù hợp cho canh tác hữu cơ.
Zuraina Zaharin và Imad Agi, hai nhà sáng lập của EcoLoo bên cạnh sản phẩm của công ty. Ảnh: CNN. |
Agi và Zaharin hợp tác và trở thành nhà đồng sáng lập của EcoLoo, công ty có tầm nhìn định nghĩa lại khái niệm nhà vệ sinh, và đưa chúng ra thị trường.
Cơ chế hoạt động của nhà vệ sinh bao gồm các vi khuẩn đặc biệt được cho vào bồn chứa chất thải. Chúng sẽ hoạt động để phân hủy chất thải con người trong khoảng 3 đến 4 ngày, từ dạng rắn thành dạng bột, trong khi chất thải lỏng được chuyển thành phân bón lỏng.
EcoLoo khuyến nghị nhà vệ sinh nên được cung cấp thêm loại vi khuẩn này mỗi tháng một lần, với giá 60 USD cho lượng vi khuẩn đủ dùng trong một năm.
Công ty cho biết loại nhà vệ sinh này sử dụng ít tài nguyên hơn so với thông thường, vì không cần sử dụng nước trong quá trình phân tách và xử lý chất thải. Zaharin cũng cho biết nó không hề bốc mùi, vì loài vi khuẩn được sử dụng cũng phân hủy luôn cả mùi trong quá trình hoạt động.
Tiết kiệm nước - nguồn tài nguyên quý giá
EcoLoo tung ra dải sản phẩm có giá từ 800 đến 2.500 USD, giành được nhiều giải thưởng và đã bán được 2.000 cái tại 21 quốc gia. Sản phẩm của hãng được sử dụng tại Petra, khu Di sản Thế giới của UNESCO ở Jordan.
Theo Zaharin, sản phẩm của EcoLoo có thể đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực cứu trợ thảm họa, trở thành công cụ xử lý chất thải con người hiệu quả khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc khan hiếm.
Tất nhiên, EcoLoo không phải là công ty đầu tiên sản xuất nhà vệ sinh không dùng nước. Các mô hình tương tự đã xuất hiện từ hàng chục năm trước ở các quốc gia phát triển, dưới dạng đốt, đóng băng hoặc phân rã chất thải, từng phần hoặc toàn phần.
Nhưng EcoLoo tin rằng sản phẩm nhà vệ sinh bền vững của họ có thể được nhân rộng và sử dụng trên khắp thế giới.
Theo ước tính, nhân loại đang sử dụng khoảng 141 tỷ lít nước ngọt mỗi ngày để xả bồn cầu, gấp 6 lần lượng nước ngọt tiêu thụ hàng ngày của dân số châu Phi. Trong khi đó, "khan hiếm nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai nói đến", theo ông Andrew Steer, người đứng đầu Viện Tài nguyên Thế giới.
Bệnh tiêu chảy do thiếu vệ sinh gây ra 432.000 ca tử vong mỗi năm, theo Liên Hợp Quốc, và tình hình khí hậu phức tạp hiện tại cũng là phù hợp để bắt đầu phổ biến một loại nhà vệ sinh sử dụng ít tài nguyên và năng lượng.
Những nhà vệ sinh của EcoLoo được lắp đặt tại khu di tích Petra ở Jordan. Ảnh: CNN. |
Zaharin cho biết công ty của mình đã bắt đầu phát triển vượt ra ngoài mục đích ban đầu là phục vụ các cộng đồng hẻo lánh. Giờ đây EcoLoo có các sản phẩm sang trọng hơn, nhắm tới các khu nghỉ mát ở địa hình hiểm trở, cũng như các nhà vệ sinh nhỏ hơn để lắp đặt trong phương tiện chở khách.
Tuy nhiên nhà sáng lập EcoLoo vẫn còn một giấc mơ chưa trở thành hiện thực, đó là lắp đặt sản phẩm của mình tại trại dành cho các nhà leo núi trên đỉnh Everest. Từng có kế hoạch triển khai tại đây vào năm 2015, nhưng trận động đất năm đó tại Nepal đã khiến dự án phải dừng lại.
"Là một nhà thám hiểm, tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc", Zaharin nói về giấc mơ của mình.