Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách du lịch đến quá đông, người Bali bị khan hiếm nước sạch

Hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia đối mặt với nguy cơ cạn nước, do biến đổi khí hậu khiến mùa mưa ngắn hơn, trong khi nhu cầu nước phục vụ khách du lịch tăng mạnh.

Từ thế kỷ thứ 9, Bali đã sử dụng một hệ thống thuỷ lợi nhân tạo mà người dân địa phương gọi là "subak" để đưa nước từ các con suối trong rừng tới những đồng ruộng bậc thang. Không chỉ đơn thuần là một phương thức tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, subak còn là đại diện cho triết lý Hindu - tôn giáo chính ở Bali - về sự hoà hợp giữa con người, thiên nhiên và cõi tâm linh.

Tuy nhiên, việc đưa dòng nước ngọt này tới các khu đô thị ở phía nam hòn đảo, nơi tập trung phần lớn dân số, và việc lạm dụng nguồn nước ngầm của các khách sạn để phục vụ du khách, đã khiến hệ thống busak bị quá tải.

Cùng với đó, đợt hạn hán mà tổ chức Chữ Thập đỏ Quốc tế cho rằng đang ảnh hưởng tới 50 triệu người khắp Indonesia, trong đó có hàng trăm nghìn người dân ở Bali, khiến cho hòn đảo nổi tiếng phải đối mặt với một cơn khủng hoảng nước, đe doạ an ninh lương thực, văn hoá truyền thống và chất lượng cuộc sống trên đảo.

Bali han han anh 1

Một khu vực trồng ngô ở phía đông đảo Bali đã không còn có thể canh tác do tình trạng khô hạn kéo dài. Vẫn chưa có mưa kể từ tháng 4 năm nay. Ảnh: Al Jazeera.

Những dòng sông cạn nước

"Tôi tin rằng Bali đang gặp nguy hiểm", ông Anton Muhajir, một phóng viên địa phương chuyên nghiên cứu về cuộc khủng hoảng nước ở Bali, nhận định.

"Một số bạn bè của tôi đã phải chuyển nhà khỏi Denpasar, nơi tổ tiên họ sinh sống, vì nguồn nước trong giếng bị nhiễm mặn. Tại Jatiluwih, nơi mỗi ngày có hàng nghìn du khách đến ngắm những mảnh ruộng bậc thang đẹp nhất Bali, nông dân đang phải sử dụng ống nhựa để bơm nước từ phía nam lên, vì các con suối trên núi đang cạn kiệt. Chúng tôi đang phải trải qua hạn hán, không chỉ ở Bali mà gần như toàn bộ các tỉnh của Indonesia", Muhajir cho biết.

Bà Dewie Anggraini Puteri, nhân viên gây quỹ cho IDEP, một tổ chức phi chính phủ của Indonesia tập trung vào phát triển bền vững, cũng chia sẻ với quan ngại của ông Muhajir.

"Hệ thống subak vẫn đang được sử dụng tại mỗi ngôi làng ở Bali, nhưng giờ đây bắt đầu có căng thẳng với ngành du lịch, vì nguồn nước đang cạn kiệt và rất nhiều cánh đồng không còn có thể canh tác", bà Puteri cho biết. 65% nguồn nước của Bali được sử dụng để phục vụ du lịch, và mỗi phòng khách sạn ở hòn đảo này sử dụng trung bình 3.000 lít nước/ngày.

Vào năm 2017, tiến sĩ Stroma Cole - giảng dạy ngành địa lý du lịch ở Đại học West of England, đã tổ chức một buổi hội thảo về nước ở Đại học Udayana của Bali. Các cuộc thảo luận cho thấy tình hình đã trở nên nghiêm trọng như thế nào.

Cole trước đây là tác giả của một bài báo khoa học trích dẫn nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ cơ quan bảo vệ môi trường Indonesia, trong đó cho thấy 260 trên tổng số 400 con sông của Bali đã cạn nước. Tại hồ Buyan, nơi chứa nước ngọt lớn nhất trên đảo, mực nước đã giảm 3,5 m, và tình hình xâm nhập mặn cũng diễn ra ở bờ biển phía nam.

Một nghiên cứu gần đây hơn cho thấy nước mặn đang xâm nhập tại nhiều điểm khác nhau trên khắp hòn đảo.

"Vấn đề khan hiếm nước ngọt của Bali sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai trừ khi có sự thay đổi căn bản trong mô hình du lịch đại chúng và chấp nhận cách tiếp cận thông qua du lịch bền vững có chất lượng", bà Cole nhận định.

Bali han han anh 2
65% nguồn nước ở Bali được sử dụng để phục vụ du lịch, đặc biệt là khu vực phía nam hòn đảo nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng sang trọng cũng như sân golf. Ảnh: Al Jazeera.

Vibeke Lengkong, nhân viên của I'm an Angel, một tổ chức địa phương viện trợ nước ngọt cho các ngôi làng bị hạn hán ở Bali, cho biết chính quyền đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

"Chính phủ đã xây dựng các đường ống để chuyển nước lên từ các hồ trung tâm, nhưng không có nước chảy trong đó vì thiếu kinh phí và tham nhũng ảnh hưởng tới mọi cấp chính quyền ở Bali", cô chia sẻ.

"Họ nói về việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người dân, nhưng sau đó họ đi và bán một lượng lớn nước cho các công ty như Coca-Cola và Danone-AQUA - có các nhà máy lớn ở Bali", Lengkong nói.

Cần thay đổi triết lý du lịch

Nằm tại chân núi Agung linh thiêng của Bali là Karangasem, vùng nghèo nhất và kém phát triển nhất trên hòn đảo.

Năm nay, hiện tượng El Nino khiến cho người dân ở đây khốn khổ thêm bằng việc tạo ra một mùa khô dài hơn và nóng hơn.

Cơ quan khí tượng Indonesia vừa mới dự báo mùa mưa, vốn thường bắt đầu vào thời điểm này trong năm, sẽ kéo dài sang năm sau đối với Karangasem và hai vùng nghèo khác ở phía bắc Bali.

Trong khi đó, làng Seraya Timor ở bờ biển phía đông cũng phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng từ đầu mùa khô. Những ngọn đồi trồng ngô giờ đây phủ một màu vàng úa, và trông giống như hình ảnh của một sa mạc hơn là một hòn đảo nhiệt đới. Nhưng nước canh tác không phải là vấn đề cấp thiết nhất với người dân vào lúc này, vì hầu hết họ còn không có đủ nước để ăn hay nấu nướng.

Một chủ cửa hàng ở Seraya Timor chia sẻ rằng anh chỉ có nước sinh hoạt trong 3 ngày. Những ngày còn lại, anh sử dụng nước từ một bình 3.000 lít mà anh mua với giá 200 USD, gấp rưỡi mức lương trung bình hàng tháng ở Bali.

"Tôi sinh ra ở đây và đã sống cả đời ở đây. Nó luôn khô hạn nhưng chưa bao giờ như thế này", anh cho biết.

Mưa vẫn chưa quay lại Bali kể từ tháng 4, và ở một số nơi, những bình nước dự trữ đã hết sạch, chờ đợi nguồn nước duy nhất đến từ các xe cấp nước của chính phủ.

Bali han han anh 3

Một số khu vực ở Bali đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và người dân bắt buộc phải mua nước từ những xe như thế này để sống. Ảnh: Al Jazeera.

"Tháng trước, chính quyền mang tới 4 xe nước, nhưng tháng này chưa có xe nào. Tôi hy vọng trời sẽ mưa sớm, không thì chúng tôi không biết làm sao để tồn tại", Ketut, một nông dân ở Tianyar Timor chia sẻ.

Tiến sĩ Cole cho rằng dù có mưa, tình hình sẽ không thể cải thiện nếu chính phủ không động vào ngành du lịch.

"Người ta có thể cho rằng hạn hán ở phía bắc, phía đông và phía tây không liên quan gì đến du lịch, bởi vì có rất ít hoạt động du lịch ở đó. Nhưng nước từ các hồ có thể được phân phối một cách công bằng cho mọi nơi trên đảo, hoặc nó có thể bị lạm dụng ồ ạt cho du lịch như hiện nay. Chúng ta đang nắn các dòng sông để chuyển hướng về phía nam, trong khi chúng có thể hướng lên phía bắc", bà Cole nhận định.

"Những ngôi làng trên đó không khô vì hạn hán. Chúng khô vì chính trị, vì những lựa chọn đang được thực hiện", tiến sĩ cho biết.

Hạ lưu sông Mekong có thể hạn hán nghiêm trọng cuối năm nay

Hạn hán nghiêm trọng đến cực đoan có thể xảy ra tại hạ lưu sông Mekong từ nay tới tháng 1/2020. Thái Lan, Campuchia có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo Ủy hội sông Mekong.

Ấn Độ bị hạn hán, trẻ em phải bắt tàu hỏa đi xách nước về cho gia đình

Hàng triệu người Ấn Độ không có nước sạch để dùng. Thay vì được chơi sau giờ học, nạn hạn hán đã khiến những đứa trẻ Ấn Độ phải đi 9 km mỗi ngày để lấy nước sử dụng.

Sơn Trần

(theo Al Jazeera)

Bạn có thể quan tâm