Bà Bonnie Glick, Phó giám đốc toàn cầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), mới đây đã công bố Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam, một dự án được thực hiện trong bốn năm (2019-2023) do USAID tài trợ với kinh phí 14 triệu USD.
Mục tiêu của dự án là thúc đẩy triển khai những giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến ở một số khu vực đô thị được chọn tại Việt Nam, trong đó có TP.HCM.
Bà Bonnie Glick, Phó giám đốc toàn cầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), phát biểu tại sự kiện chiều ngày 1/11. Ảnh: USAID. |
Dự án sẽ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam và vấn đề ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị, thông qua việc phối hợp với chính quyền các thành phố và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến như công nghệ điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình, công nghệ lưu điện thế hệ tiếp theo và các phương thức vận tải sạch hơn.
Tại sự kiện công bố dự án ở TP.HCM chiều 1/11, phó giám đốc toàn cầu của USAID cho biết đến năm 2040, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ sẽ tiêu thụ 46,5% năng lượng trên toàn cầu, tăng từ 30% như hiện nay. Đây sẽ là thách thức mới đối với Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển.
Theo bà Glick, Việt Nam đang là một trong những nước đi đầu ở khu vực trong việc sản xuất điện mặt trời, và đáng chú ý là Việt Nam đã đạt được thành tựu này chỉ sau hai năm gần đây.
Thông qua dự án mới, USAID sẽ cung cấp cả sự hỗ trợ về mặt tài chính và chuyên môn để đảm bảo tương lai cho nhiều thế hệ tới. Đối với TP.HCM, phía USAID cũng chia sẻ tầm nhìn về thành phố thông minh và tạo ra thị trường mới về năng lượng mặt trời cho khối tư nhân.
"Đây là nguồn viện trợ không hoàn lại giúp cho khối tư nhân và doanh nghiệp có thể góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững", bà Glick khẳng định.
Bà Glick trao tặng Bộ Công thương phần mềm PLEXOS và phần cứng đi kèm. Ảnh: USAID. |
Tại sự kiện, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết thành phố đang dẫn đầu cả nước về sản xuất lượng điện mặt trời áp mái.
Theo thống kê từ EVNHCMC, từ khi chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam vào tháng 4/2017, tính đến tháng 7/2019 trên địa bàn TP đã có 3.138 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới, với tổng công suất gần 38 MWp, trong đó có 2.818 đăng ký bán điện dư cho ngành điện.
Sở Công thương TP.HCM đang và sẽ hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới với USAID để đảm bảo an ninh năng lượng cho các địa phương.
Cũng tại sự kiện, phó giám đốc toàn cầu USAID đã trao tặng Bộ Công thương phần mềm PLEXOS và phần cứng đi kèm. Các công cụ tiên tiến này sẽ giúp Bộ Công thương mô phỏng hoạt động vận hành của các nhà máy điện trong một khoảng thời gian nhiều năm nhằm đặt ra những mục tiêu tối ưu về sản xuất và truyền tải năng lượng.