Tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman chiều 28/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe đề xuất của các chuyên gia và công ty Hà Lan về giải pháp chống ngập bền vững và lớn hơn cho TP.HCM, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng gia tăng dân số.
Theo các chuyên gia từ Hà Lan, TP.HCM hiện phải đối mặt với nhiều thách thức về nước, bao gồm nước biển dâng, đô thị hóa, lượng mưa gia tăng, lũ thượng nguồn lớn hơn và cả sụt lún đất.
Qua nghiên cứu thực địa và tích hợp giải pháp từ kinh nghiệm quản lý nước tại Hà Lan cũng như nhiều quốc gia khác, các chuyên gia nước này đề xuất Hệ thống chống ngập bền vững tích hợp lớn hơn cho TP.HCM, trong đó chú trọng giải pháp tài chính mới với việc áp dụng quan hệ đối tác công tư (PPP).
Đường Trần Não, quận 2, ngập trong biển nước do triều cường dâng cao 1,68 m. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo đề xuất của Hà Lan, hệ thống chống ngập sẽ huy động nguồn tài chính từ khối tư nhân, xây dựng và duy trì các công trình chống ngập. Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện và cấp giấy phép, cho phép mô hình kinh doanh theo khuôn khổ pháp lý hiện hành để tạo nguồn thu cho vận hành và bảo dưỡng công trình.
Trong đề xuất, các chuyên gia trình bày ý tưởng cho hệ thống công trình bảo vệ quận 2 và quận 9 (tức Vùng II, theo Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), với mục đích bảo vệ lũ từ sông và xây dựng hệ thống khu trữ nước mưa đa mục tiêu.
Tại khu vực trữ nước đa mục tiêu, Hà Lan đề xuất xây dựng một số công trình dịch vụ như bến thuyền, khu giải trí, sân golf..., tạo ra nguồn thu từ du lịch và các hoạt động khác.
Ước tính tổng kinh phí cho công trình bảo vệ Quận 2 và Quận 9 là 1.266 triệu USD. Mức độ chính xác của ước tính kinh phí ở giai đoạn thiết kế ý tưởng này là +40% đến -25%.
Theo các chuyên gia, nếu có thể hiện thực hóa ý tưởng, thành phố sẽ có được một hệ thống công trình chống ngập bền vững và kiên cường ở mức chi phí phải chăng cho Việt Nam.
Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman cũng nhận định TP.HCM có nhiều thế mạnh để phát triển khi tham gia mạng lưới thành phố thông minh của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
"Tôi rất tự hào về điểm tương đồng giữa Hà Lan và TP.HCM. Nếu TP đồng ý hợp tác với Hà Lan để phát triển thành phố thông minh và kêu gọi một số đối tác khác cùng tham gia vào mạng lưới này, TP. HCM có thể phát triển theo hướng bền vững và bao trùm", bà Akkerman nói.
Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Hà Lan và Việt Nam được ký kết vào tháng 10/2010, ưu tiên cho hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Sau gần 10 năm triển khai, thỏa thuận tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nâng cao chất lượng nước, cải thiện hệ thống cung cấp nước... ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp và làm việc chiều 28/10. Ảnh: Nguyễn Trinh. |
Tuy nhiên, theo Đại sứ Akkerman, Việt Nam và Hà Lan còn có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, giúp TP.HCM trở thành thành phố đáng sống trong bối cảnh dân số ngày càng tăng.
"Tôi hy vọng đây là các hoạt động hợp tác chiến lược và lâu dài chứ không phải hợp tác một lần rồi kết thúc", đại sứ Hà Lan nhấn mạnh.
Trước thiện chí và cam kết của phía Hà Lan, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Hà Lan và Hà Lan cũng là đối tác quan trọng của TP.HCM.
"Chúng tôi xin khẳng định khi gặp khó khăn về nước và biến đổi khí hậu, chúng tôi sẽ luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến từ Hà Lan. Rất vui khi được học tập kinh nghiệm của các bạn", Bí thư Nhân nói.