Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Lan sẽ chia sẻ kinh nghiệm 700 năm quản lý nước với ĐBSCL

Tại buổi tọa đàm quốc tế về ngành nước diễn ra tại TP.HCM sáng 11/4, các chuyên gia hàng đầu của Hà Lan đã đóng góp ý kiến cho công tác quản lý nước của VN.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Cora van Nieuwenhuizen, bộ trưởng hạ tầng và quản lý nước Hà Lan, cho rằng TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và tương lai của thành phố phụ thuộc vào cách nó xử lý tài nguyên nước của mình.

Hà Lan từng xây dựng các công trình để chống chọi với lũ lụt, nhưng rồi họ nhận ra thiên nhiên luôn mạnh hơn con người và từ đó đất nước này đã thay đổi cách tiếp cận, xây dựng các công trình cùng với thiên nhiên, thay vì chống lại nó, vì chung sống hòa hợp với thiên nhiên luôn là cách duy nhất để phát triển bền vững.

"Nước đôi khi là kẻ thù của chúng ta, nhưng phần lớn thời gian, chúng là người bạn tốt", bà van Nieuwenhuizen nhận định và cho rằng với hệ thống sông ngòi phong phú, Việt Nam đang ngồi trên một mỏ vàng, với tiềm năng khai thác hệ thống này để phục vụ phát triển giao thông, hạ tầng nước và thương mại một cách bền vững.

Hoi thao nganh nuoc Ha Lan anh 1
Bà Cora van Nieuwenhuizen, bộ trưởng hạ tầng và quản lý nước Hà Lan, phát biểu khai mạc sự kiện Tọa đàm quốc tế thương mại ngành nước tại thành phố Hồ Chí Minh sáng 11/4. Ảnh: Quốc Thăng.

Bà van Nieuwenhuizen cho rằng với 700 năm kinh nghiệm làm thủy lợi, Hà Lan và các chuyên gia của mình sẽ đóng góp được nhiều giá trị cho dự án nâng cao năng lực quản lý nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam quản lý nước

Trong phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan Menno Snel chia sẻ về dự án Rồng Xanh (Blue Dragon) do Hà Lan đầu tư nhằm đào tạo các chuyên gia quản lý nước cho đồng bằng sông Cửu Long, trong số này bao gồm các lĩnh vực chính như quản lý nguy cơ ngập lụt, xây dựng thành phố có sức chịu đựng, và các hoạt động vận hành và bảo trì.

Ông Snel cho rằng nước là nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, nhưng để xây dựng các dự án quản lý nước có hiệu quả cần có sự đầu tư tài chính lâu dài, và Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, việc cấp nước sinh hoạt cũng là vấn đề cấp bách mà các thành phố ở ĐBSCL đang phải đối mặt. Đó là lý do Việt Nam và Hà Lan đã hợp tác trong dự án WaterWorX nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt, thiết lập hệ thống cấp nước bền vững tích hợp các yếu tố biến đổi khí hậu và các yếu tố địa phương, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Rik Dierx, Giám đốc dự án Công ty Vitens Evides International, tư vấn cho dự án WaterWorX cho rằng một trong những vấn đề mà thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt là tình trạng xâm nhập mặn.

Hoi thao nganh nuoc Ha Lan anh 2
Xâm nhập mặn được cho là một trong những mối đe dọa hàng đầu với công tác quản lý nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN.

Sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, hai nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho thành phố Hồ Chí Minh, bị xâm nhập mặn rất sâu vào năm 2016 trong đợt hạn hán lịch sử ở lưu vực sông Mekong. Và đến cuối tháng 3/2016, thì xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà máy xử lý nước của Sawaco. Chuyên gia Dierx cho rằng những sự kiện như thế này có thể xảy ra nhiều hơn trong tương lai do biến đổi khí hậu, vì vậy Sawaco và thành phố cần tìm ra giải pháp để đối phó với tình hình này.

Một trong những giải pháp được tính đến là xây dựng hồ nước thô đa chức năng nhằm trữ nước từ hệ thống sông Đồng Nai, hoặc xây dựng một tuyến ống lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh để phục vụ cho 3 triệu dân ở khu vực phía tây thành phố, tuy nhiên đây là phương án tốn kém.

ĐBSCL cần giảm khai thác nước ngầm

Không chỉ vậy, các chuyên gia Hà Lan xác định vấn đề nghiêm trọng nhất không phải là nước biển dâng lên, mà là ĐBSCL đang lún xuống, thậm chí với tốc độ nhanh hơn là nước biển dâng lên. Vì vậy cần giảm thiểu khai thác nước ngầm. Cứ với tốc độ này thì 100 năm nữa khu vực này sẽ biến mất.

Ông Đặng Văn Ngọ, giám đốc công ty cấp nước Sóc Trăng, chia sẻ vào năm 1992 khi bắt đầu khai thác nước ngầm, chỉ cần khoan giếng ở độ sâu 5 m là nước tự trào lên, nhưng ở thời điểm hiện tại mức nước ngầm đã giảm xuống rất nhiều, đôi khi phải khoan đến 35-40 m mới có nước.

Đại diện Sawaco, ông Vương Quang Sang, cho biết thành phố mỗi ngày khai thác 600.000 m3 nước ngầm, chủ yếu phục vụ sản xuất. Chính quyền thành phố cũng đã kêu gọi người dân và các doanh nghiệp từ bỏ việc khai thác nước ngầm, chuyển sang sử dụng nước máy vì các nhà máy của Sawaco hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu này.

Hoi thao nganh nuoc Ha Lan anh 3
Đại diện Sawaco, Soctrangwaco và chuyên gia Rik Dierx tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Thăng.

Trả lời Zing.vn, ông Rik Dierx cho biết các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau cần phải phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xây dựng một hệ thống cấp nước toàn vùng, với đường ống dẫn nước từ các nhà máy xử lý nguồn nước sông, thay vì khai thác nước ngầm, vì khu vực này rất dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng lên.

"Khai thác nước ngầm là giải pháp đơn giản và hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng về lâu dài đó không phải là phương án bền vững, vì rất có thể nó sẽ khiến diện tích đất đai bị thu hẹp", ông Dierx nhận định.

"Hà Lan có nhiều sông ngòi, nhưng may mắn của chúng tôi là những con sông này nhỏ hơn, vì vậy bạn có thể xây dựng đập ở cửa sông để tránh xâm lấn hoặc xâm nhập mặn. Tôi không thấy chúng ta có thể làm vậy ở Việt Nam, vì vậy cần một sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong khu vực, để tìm ra giải pháp cho vấn đề lớn này", ông Dierx kết luận.

Việt Nam - Hà Lan: Hợp tác toàn diện hướng tới phát triển bền vững

Hơn 45 năm từ khi Việt Nam - Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1973), hai nước đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp, năng động và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón, hội đàm với Thủ tướng Hà Lan

Chiều 9/4, Lễ đón Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, lãnh đạo hai nước đã tiến hành hội đàm.




Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm