Đế chế Neo-Assyria nổi lên vào khoảng năm 912 trước Công nguyên và phát triển ở khu vực trải dài từ Địa Trung Hải xuống Ai Cập và ra đến Vịnh Ba Tư, theo Guardian.
Tuy nhiên, ngay sau cái chết của nhà vua Ashurbanipal vào khoảng năm 630 trước Công nguyên, đế chế bắt đầu sụp đổ. Đến cuối thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, đế chế này hoàn toàn tàn lụi.
Các nhà khoa học giờ đây cho rằng thời kỳ lụi tàn của Neo-Assyria trùng khớp với khoảng thời gian khí hậu thay đổi từ ẩm ướt sang khô. Đây là yếu tố quan trọng bởi cuộc sống của người Neo-Assyria phụ thuộc chủ yếu vào trồng trọt.
Hồ Nasser ở Dakka, Ai Cập, nơi từng là lãnh thổ của đế chế Neo-Assyria. Ảnh: Alamy. |
"Trong gần hai thế kỷ, lượng mưa dồi dào và sản lượng nông nghiệp cao đã thúc đẩy đô thị hóa nhưng không bền vững khi khí hậu thay đổi, chuyển sang thời tiết hạn hán vào thế kỷ 7 trước Công nguyên", các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu.
Nói cách khác, ngoài nội chiến và thất bại trong các trận chiến, biến đổi khí hậu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến kinh tế trì trệ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn chính trị và xung đột ở Neo-Assyria.
Giáo sư Nicholas Postgate, chuyên gia về Assyria từ Đại học Cambridge, ủng hộ kết quả của nghiên cứu. "Chúng tôi không có lời giải thích nào phù hợp hơn cho những gì đã xảy đến với đế chế Assyria trong thời gian đó", ông nói.
Giáo sư James Baldini, chuyên gia phân tích măng đá, cho biết lịch sử có thể chứa đựng những bài học quan trọng cho hiện tại, bởi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang dẫn tới biến đổi khí hậu.
"Nghiên cứu gần đây xác định đợt hạn hán nghiêm trọng là nguyên nhân sâu xa của cuộc nội chiến ở Syria. Hiện tượng di cư ra khỏi vùng hạ Sahara ở châu Phi cũng do hạn hán".
"Hy vọng chúng ta có thể học hỏi từ lịch sử và vượt qua thách thức do biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn những nền văn minh trước đây", giáo sư này nói.