"Chúng tôi tuyên bố rõ ràng và dứt khoát rằng Trái Đất đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu", các nhà khoa học cho biết. "Để bảo đảm một tương lai bền vững, chúng ta phải thay đổi cách chúng ta đang sống. Điều này đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách xã hội vận hành và tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên".
"Cuộc khủng hoảng khí hậu đã đến và ngày càng nghiêm trọng hơn hầu hết những gì các nhà khoa học dự tính. Nó đe dọa hệ sinh thái tự nhiên và số phận của con người".
Cảnh báo được công bố trên chuyên san BioScience nhân kỷ niệm 40 năm ra đời hội nghị khí hậu thế giới đầu tiên (tổ chức tại Geneva năm 1979). Tuyên bố dựa trên kết quả nghiên cứu của hàng chục nhà khoa học và được hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia trên thế giới công nhận.
Các nhà khoa học cho biết những thay đổi cấp bách cần thực hiện bao gồm ngừng gia tăng dân số, không khai thác nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, không tàn phá rừng và giảm bớt việc ăn thịt.
Một người đàn ông cố gắng dùng vòi nước dập lửa để cứu ngôi nhà của mình khỏi đám cháy rừng ở Granada Hills, California, hôm 11/10. Ảnh: AP. |
Giáo sư William Ripple từ Đại học bang Oregon, tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết ông bắt đầu nghiên cứu khi chứng kiến thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt.
Mục đích chính của cảnh báo là đưa ra đầy đủ các chỉ số quan trọng về nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu, thay vì chỉ có chỉ số phát thải carbon và tăng nhiệt độ bề mặt.
"Một tập hợp các chỉ số rộng hơn cần được theo dõi, trong đó có tăng trưởng dân số, lượng thịt tiêu thụ, giảm số lượng cây xanh bao phủ, lượng năng lượng tiêu thụ và mức thiệt hại kinh tế hàng năm liên quan tới hiện tượng thời tiết khắc nghiệt", đồng tác giả nghiên cứu, ông Thomas Newsome từ Đại học Sydney, cho biết.
Một số dấu hiệu khác đáng lo ngại không kém là sự bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, tăng trưởng GDP thế giới, và "cuộc khủng hoảng khí hậu có liên quan mật thiết đến lối sống giàu sang".
Các nhà khoa học đã ghi nhận một vài dấu hiệu tích cực như: giảm tỷ lệ sinh toàn cầu, tăng sử dụng năng lượng Mặt Trời, gió và giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Theo các nhà khoa học, một loạt biện pháp khẩn cấp cần được thực hiện bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, áp thuế carbon, ổn định tăng dân số toàn cầu (hiện thế giới đón thêm 200.000 người/ngày), ngừng tàn phá thiên nhiên, phục hồi rừng và rừng ngập mặn để hấp thụ CO2, ăn ít thịt hơn, thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.