Helen là nhân vật đã khiến hàng nghìn con tàu với vô số binh sĩ phải ra trận chiến đấu rồi tử trận trước những bức tường thành Troy. Pandora cho phép quỷ dữ xâm nhập vào thế gian khi mở ra chiếc hộp bị cấm. Tương tự, mùa xuân năm ấy ở Persepolis, tên một cô gái điếm người Athens đã được lưu lại trong lịch sử, được hậu thế biết đến là người phụ nữ đã lôi kéo Vua Alexander phá hủy cung điện của Đại đế Ba Tư.
Theo câu chuyện được kể dưới ngòi bút của Plutarch và các tác giả cổ đại khác, một bữa tiệc rượu say sưa đã diễn ra vào một đêm không lâu sau khi Vua Alexander quay trở về từ chuyến thám hiểm trên núi. Rượu tuôn chảy vô độ trong các bữa tiệc của người Macedonia đã nhanh chóng khiến các bạn hữu và quan khách của nhà Vua say khướt.
Người bạn lâu năm của Hoàng đế là Ptolemy cũng ở đó với người tình của ông ta, Thais, người sau này sẽ trở thành vợ ông và sinh cho ông ba người con. Nàng không phải là gái điếm thông thường chỉ biết chạy theo sau quân đội, mà được người Athens gọi là một hetaira - một phụ nữ đẹp, có học thức và quyến rũ, tuy phục vụ chuyện chăn gối nhưng cũng là một người bạn tâm giao và quân sư cho người tình. Những người phụ nữ như vậy có thể sống tốt trong xã hội Hy Lạp và thường gắn phần đời còn lại của mình với người tình.
Là người Athens, Thais hiểu biết về lịch sử xung đột Ba Tư hơn tất cả các binh lính Macedonia xung quanh và đã nắm lấy thời cơ trong cuộc chè chén này để nói ra những lời khiến Vua Alexander cùng các bạn hữu của ngài bị kích động mãnh liệt.
Nàng tuyên bố rằng sau khi đã rong ruổi khắp Á châu, bữa tối xa hoa ngay trong cung điện lộng lẫy của Vua Xerxes quả là một phần thưởng quý giá. Nhưng niềm vui sẽ tăng lên muôn phần khi có thể châm lửa đốt cháy căn nhà của kẻ đã thiêu rụi thành phố quê hương nàng. Thais là người có tài ăn nói gây xúc động, vậy nên đám đông đã vỗ tay reo hò vang vọng khắp cung điện. Người ta bắt đầu thúc giục nhà Vua dẫn đầu đi châm lửa.
Hoàng đế hào hứng đồng ý và nắm lấy ngọn đuốc gần mình nhất. Đích thân ngài đi đầu đốt cháy các cột gỗ tuyết tùng và các thanh xà trên mái điện, rồi tất cả những người khác chạy khắp cung điện với những cây gỗ đang cháy trên tay. Chẳng mấy chốc, toàn bộ quần thể cung điện đã biến thành hỏa ngục cuồng nộ, thắp sáng cả một vùng đồng bằng Persepolis.
Song khi chứng kiến cung điện to lớn của Vua Xerxes chìm trong biển lửa, Vua Alexander chợt hối hận về hành động nóng vội của mình. Ngài cố gắng dập lửa nhưng đã quá muộn. Đến sáng, tòa cung điện chẳng còn lại gì ngoài những cột lửa và tro tàn.
Đó là câu chuyện truyền miệng và đã được lưu lại trong các tài liệu cổ xưa, thế nhưng có một câu chuyện thậm chí còn đen tối và độc ác hơn được tìm thấy trong những ghi chép của nhà sử học Arrian - người cho chúng ta biết những thông tin chân thực nhất về cuộc đời của Vua Alexander.
Những gì ông viết về sự kiện này được cho là đáng tin cậy vì nhà sử học này thường có cách nhìn khá tích cực đối với Hoàng đế Macedonia, nhưng lần này ông đã cố lướt qua những sự kiện đã xảy ra đêm đó và thẳng thắn lên án xảy ra hành động của ngài.
Ông nói ngay từ đầu rằng Hoàng đế từ lâu đã lên kế hoạch đốt cháy cung điện dù Parmenion cũng cố ngăn cản hành động mạnh tay đó. Vị lão tướng cho rằng phá hủy chính của cải của mình là hành động ngu xuẩn và người dân Á châu sẽ nhìn nhận Hoàng đế chỉ như một tên xâm lược hung bạo, không thực sự có ý muốn xây dựng nên một đế chế thịnh vượng. Thế nhưng Vua Alexander lại phản bác rằng mình muốn trả thù lại tất cả những điều xấu xa mà Ba Tư đã làm đối với Hy Lạp.
Việc tìm hiểu sự thật về những điều đã xảy ra đêm đó gần như là bất khả thi vì các nguồn tư liệu cổ đại không đồng nhất về thông tin. Điều có thể chắc chắn đó là cung điện đã cháy thành tro trước khi Vua Alexander rời Persepolis.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một lớp tro dày trải khắp khu di tích và không thấy dấu vết của vàng bạc châu báu. Điều này chỉ ra rằng những vật có giá trị đều đã bị lấy đi trước đó - và một lần nữa chứng minh việc đốt cung điện đã được mưu tính từ trước.
Nếu những lời của Arrian là sự thật và Vua Alexander thực sự đã cố ý thiêu rụi tòa cung điện thì việc trả thù có phải là lý do đủ sức thuyết phục? Phải chẳng hành động đó là để củng cố và tăng cường sự ủng hộ của người Hy Lạp dành cho nhà vua, đặc biệt là Athens.
Nhưng từ khi rời bờ biển Aegea đến nay ngài chẳng mấy khi bày tỏ sự quan tâm của mình đối với cách nhìn của người Hy Lạp. Cũng có thể khán giả chính xem màn kịch của Hoàng đế là người dân Ba Tư, ngài muốn cho họ thấy rằng triều đại cũ đã qua đi và giờ đây Vua Alexander mới là Đại đế.
Theo kịch bản này, vụ cháy sẽ kìm hãm sự nổi dậy của dân chúng trước khi nhà Vua tiếp tục truy đuổi Darius. Thế nhưng, sau vụ tàn sát dân thành Persepolis, lẽ nào dân chúng Ba Tư thực sự không nuôi dưỡng bất cứ mối ngờ vực nào về việc chống lại Vua Alexander - một hành động nguy hiểm và vô ích?
Rốt cục, chúng ta vẫn không thể biết được rằng Hoàng đế có cố ý thiêu rụi cung điện của Vua Xerxes hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là phần lớn các nhà sử học cổ đại khi đề cập đến vấn đề này đều tỏ ra không hài lòng với hành động của Vua Alexander, đồng thời quy cho rượu và miệng lưỡi giảo hoạt của một người phụ nữ là nguyên nhân chính dẫn đến những sự việc đêm đó.