Mời bạn đọc thêm
TEDx Talk: “Rethink: Education, Women’s Career & Inner Transformation” (12/2020)
Xem tại: https://www.ted.com/talks/nhu_ai_ huynh_rethink_education_women_s_career_inner_ transformation
Dưới đây là nội dung bài TEDx Talk tôi đã lọc từ ngữ văn nói thành văn viết:
“Mình xin gởi lời chào đến tất cả mọi người. Trong bài nói hôm nay, mình xin chia sẻ về đôi điều mình học được trong những năm mình 20 tuổi. Mình muốn làm một cái khảo sát nhanh, ở đây bạn nào đang trong độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi, xin mời giơ tay? À, cũng đông quá hen.
Chủ đề của TEDx hôm nay là Out of The Chrysalis, tiếng Việt là "Thoát ra khỏi vỏ kén". Mình muốn kể câu chuyện về vỏ kén giáo dục và vỏ kén nghề nghiệp.
Vỏ kén theo định nghĩa của mình là định kiến mà chúng ta tự đặt ra, hay chúng ta cho rằng xã hội đặt ra cho mình. Vỏ kén có thể mang cho mình cảm giác an toàn vật lý. Nhưng cái an toàn, ổn định vật lý chưa hẳn mang lại cái ổn định bình an tinh thần.
Mình mong các bạn xem những chia sẻ sau đây là câu chuyện tâm tình giữa những người bạn với nhau. Mình không có ý dùng câu chuyện của mình để ý kiến về cuộc đời một ai khác. Mình luôn tôn trọng và tin rằng mỗi người trong chúng ta đây đều có hiểu biết đầy đủ, quyết định tốt nhất cho cuộc đời của bản thân.
Ảnh minh họa. Nguồn: Linkedln. |
Câu chuyện thứ nhất: Vỏ kén giáo dục
Mình thất nghiệp hai năm, từ năm 27 tuổi đến năm 29 tuổi. Đó là một sự thất nghiệp chủ động để đi học thạc sĩ. Trước đó, mình có một thời gian dài lên bờ xuống ruộng nộp học bổng. Nhưng ngộ nghĩnh là, khi nhận được học bổng thạc sĩ Fulbright thì quyết định nghỉ làm đi học không hề dễ như mình tưởng tượng.
Mình đứng trước sự lựa chọn là: mình sẽ từ bỏ một công việc làm giám đốc của một công ty, chức danh mới của mình là sinh viên. Mình sẽ bỏ một số tiền dành dụm trong mấy năm đi làm để đem đi tiêu xài ở San Francisco, một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ. Liệu mình có đủ giỏi để tốt nghiệp hay không, mình không biết.
Nếu may mắn tốt nghiệp được, thì về Việt Nam có tìm được việc làm hay không, mình cũng không biết luôn. Trong khi mình đang có quá nhiều câu hỏi lớn về tương lai chưa có đáp án, thì ở thế hệ đầu 9x tụi mình, mọi người hay nói công thức thành công của nữ giới tuổi 2x là “1 chồng, 2 con, 3 lầu, 4 bánh”. Cuối tuổi 20, mình xóa cờ chơi lại từ đầu.
Những năm học và làm việc ở Mỹ đã cho mình gặp những người mà nhìn câu chuyện của cuộc đời họ, mình thấy mình giống họ ở chỗ cũng có bước ngoặt phải lựa chọn. Mình thấy họ khác mình ở chỗ, họ bản lĩnh quá chừng.
Mình biết một người phụ nữ mà mình rất là kính trọng, sau này khi nghe bà kể về cuộc đời bà, mình thật sự thấy rất phục. Bà từng là một ca sĩ, một tiếp viên hàng không. Năm bà ngoài 40 tuổi, sau một cuộc ly hôn nhiều tổn thương và mất mát, bà quyết định đi học đại học, và học một mạch từ cử nhân đến tiến sĩ và là một giáo sư của mình.
Hay, trong khóa mình, có người bạn hơi lớn tuổi. Bác từng là chỉ huy quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc, nghỉ hưu lúc ngoài 50 tuổi, đi học thạc sĩ quản trị kinh doanh, dự định khi có bằng, bác sẽ bắt đầu một sự nghiệp mới toanh trong lĩnh vực phi quân sự. Mình thấy gì từ hai câu chuyện trên? Một người phụ nữ ngoài 40 mới lần đầu đi học đại học. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi còn đi học để đổi nghề. Những câu chuyện này dạy cho mình bài học là:
- Độ tuổi đi học thực sự không phụ thuộc giới tính và quốc gia lãnh thổ.
- Bạn sẽ ổn thôi nếu bạn bước ra khỏi cái vỏ kén công thức chung của đám đông. Cái xã hội cần không phải là bạn phải sống theo công thức thành công họ đặt ra, hoặc bạn tưởng họ đặt ra cho bạn: mấy tuổi đi học, làm công việc gì. Mà chỉ cần bạn hạnh phúc với quyền chọn lành mạnh của mình, tức là chọn lái xe khi đang say rượu thì không được tính; và bạn dịu dàng, tôn trọng quyền chọn của người khác, thì cái đó đã làm cuộc đời này tốt đẹp lắm rồi.
Bình luận