Euro 2016 sẽ bắt đầu khởi tranh vào ngày 10/6 tới. Mối đe doạ về khủng bố và an ninh là chủ đề chính trong tâm trí của mọi người. Theo The Local, Pháp sẽ triển khai hơn 90.000 cảnh sát và nhân viên bảo vệ cho giải đấu và nguyện sẽ làm “tất cả mọi thứ có thể để tránh một cuộc tấn công khủng bố” trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Cơ quan tổ chức Euro 2016, bộ phận an ninh, chính phủ Pháp cũng như người Anh và người Mỹ rõ ràng đang lo lắng về nguy cơ những kẻ khủng bố nhắm vào giải đấu. Những cảnh báo lặp đi lặp lại về nguy cơ xảy ra tấn công tại các sân vận vận động, khu vực người hâm mộ cũng như nhà ga ở Pháp khiến nhiều du khách nước ngoài e ngại.
Bất chấp rủi ro và sống một cuộc sống bình thường đối với cả người dân Paris lẫn những du khách đến thăm nước Pháp là một thách thức.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Người Pháp tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong các vụ khủng bố diễn ra tại thủ đô Paris vào năm ngoái. Ảnh: AFP |
"Tôi không lo ngại về khủng bố trong thời gian Euro diễn ra", ông Dominic, 45 tuổi, nói với tờ The Local. “Tôi là một người Paris đúng nghĩa. Tôi sẽ không bao giờ thay đổi cách sống dù có vấn đề gì xảy ra”.
Ông cho biết: “Tôi đã ở Paris khi các cuộc tấn công hồi tháng 11 năm ngoái và ở toà soạn Charlie Hebdo xảy ra. Tôi sẽ tiếp tục đi tàu điện ngầm và xe buýt, bất chấp lo ngại của người dân trong thời gian giải đấu diễn ra. Ngày mà tôi thay đổi cách sống, tôi sẽ không còn là người Paris”.
Trong khi đó, Roxanne, một nhân viên văn phòng làm việc gần khách sạn Hotel de Ville, nhấn mạnh: “Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ xảy ra. Cuộc sống vẫn tiếp tục. Tôi chắc chắn sẽ không thay đổi thói quen hàng ngày. Chúng ta không thể biết vụ tấn công sẽ xảy ra ở đâu và khi nào. Điều mà mọi người có thể làm là tận hưởng từng phút giây của cuộc sống".
“Tôi không sợ. Chỉ là không thể sống như thế. Tôi có con nhỏ và chúng tôi sẽ vẫn dùng tàu điện ngầm cũng như đi vào trung tâm thành phố trong suốt kỳ Euro”, một bà mẹ trẻ giấu tên nói.
Một số người dân Paris khẳng định rằng tâm lý sợ hãi, thứ mà giới truyền thông đang phóng đại, chỉ giúp bọn khủng bố đắc lợi bởi chúng muốn mọi người sợ tất cả tín đồ Hồi giáo. Sự xa lánh người Hồi giáo chỉ khiến mức độ chia rẽ trong xã hội tăng lên.
Monique cho hay: "Tin tức về người đàn ông bị bắt tại Ukraine rất quan trọng bởi nó nhắc mọi người rằng chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan không thuộc về riêng tôn giáo hoặc dân tộc nào. Rất nhiều người phát cuồng vì nó".
"Paris không phải là một nơi dễ sống vào thời điểm này. Hàng loạt các biến cố đình công, ngập lụt và nỗi sợ về các cuộc tấn công xảy ra. Tuy nhiên, dù sao chúng ta vẫn phải sống", Nicole, 95 tuổi, nhận định.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể rũ bỏ nỗi sợ khủng bố đang bao trùm. Một số người gặp khó khăn trong việc thích ứng với những rủi ro mà Euro 2016 mang đến.
Vencke, một phụ nữ Na Uy làm việc trong một khách sạn và sống ở Paris suốt 20 năm qua, nói với The Local: “Tôi rất lo lắng về khả năng khủng bố xảy ra. Tôi có một cậu con trai và chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng xe buýt thay cho tàu điện ngầm”.
“Kể từ khi vụ tấn công Paris xảy ra vào tháng 11 năm ngoái, cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường lệ. Những gì bạn không thể quên là mọi người đang sợ hãi vì một lý do – và đúng như vậy”, bà nói.
Trong khi đó, Frederique, một người thợ làm tóc sống bên ngoài thành phố, cho hay anh lo lắng về cuộc tấn công. Vì phải vào thành phố để làm việc mỗi ngày nên anh khó có thể tránh rủi ro. Tuy nhiên, người đàn ông này cho biết, anh sẽ ở nhà và không ra ngoài khi không làm việc.
Chung tay đánh bại chủ nghĩa khủng bố
Paris không chỉ lãng mạn mà còn rất kiên cường. Ảnh: AFP |
"Tôi khuyên mọi người nên đến Paris. Đây là một thành phố tuyệt vời. Đừng sợ hãi. Nỗi sợ chẳng thể thay đổi bất cứ điều gì", Paula, một người phụ nữ Tây Ban Nha chuyển đến sống tại thủ đô Paris vào 5 năm trước, nói.
Trong khi đó, Louis, 26 tuổi và mới từ Việt Nam trở về, cho biết: “Hãy đến với Euro và hoà mình vào trận đấu! Đó là cách chúng ta đánh bại chủ nghĩa khủng bố”.
Euro 2016 là cơ hội để các du khách bày tỏ tình đoàn kết của họ đối với nước Pháp nói chung và Paris nói riêng, nếu họ có thể gạt nỗi sợ hãi sang một bên.
Trong thông điệp gửi tới những người hâm mộ bóng đá, Jean Francois Martin, phó thị trưởng thành phố Paris, nhấn mạnh: “Hãy nhìn vào những gì xảy ra ở đây từ tháng 11 năm ngoái. Chúng tôi đã tổ chức hội nghị COP 21, Tuần lễ Thời Trang, giải Marathon Paris, tất cả đều diễn ra suôn sẻ".
“Hãy nhìn vào cách mà người dân Paris trở lại với cuộc sống thường ngày sau những gì họ trải qua vào tháng 11 năm ngoái. Họ trở lại những quán cà phê. Họ lấy lại lòng tin và nó là thứ mà chúng tôi muốn chia sẻ với những người đến đây”, ông nói.