Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Pháp ngán ngẩm cảnh xếp hàng nhiều giờ chờ đổ xăng

Nước Pháp đang đối mặt với tình trạng gián đoạn và thiếu nguồn cung ở các trạm xăng, khi nhân viên có kế hoạch đình công kéo dài tại những nhà máy lọc dầu lớn nhất cả nước.

Đình công tại các nhà máy lọc dầu lớn nhất cả nước khiến các trạm xăng ở Pháp thiếu nguồn cung. Ảnh: Reuters.

Hơn một tuần trước, tổ chức công đoàn CGT của Pháp kêu gọi đình công ở TotalEnergies. Người lao động yêu cầu tăng lương trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng vọt, còn các công ty năng lượng có lợi nhuận tăng mạnh. Ban đầu, kế hoạch này dự kiến kéo dài 3 ngày.

Sau cuộc đàm phán thương lượng không thành công vào hôm 10/10 với lãnh đạo công ty dầu khí ExxonMobil, CGT thúc giục chính phủ vào hòa giải trong một bức thư ngỏ.

Trong khi đó, công nhân tại nhà máy lọc dầu TotalEnergies SE ở Normandy cũng quyết định kéo dài đình công cho đến ít nhất hết ngày 11/10, Bloomberg đưa tin.

Tờ Local France nhấn mạnh Pháp hiện không thiếu nhiên liệu trong nước. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc giao hàng từ các nhà máy lọc dầu đến trạm xăng bị đình trệ do nhân viên đình công.

Yêu cầu tăng lương 10%

Hiện tại, 1/3 trạm xăng dầu tại Pháp trong tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Khu vực Paris và miền Bắc Pháp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các công ty đang chịu áp lực chấm dứt tình trạng này. Thủ tướng Elisabeth Borne đã triệu tập cuộc họp với một số bộ trưởng vào tối 10/10 để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Trước đó, Thủ tướng Borne cho biết bà hy vọng tình hình sẽ cải thiện vào cuối tuần, sau khi chính phủ mở kho hàng, khai thác nguồn dự trữ chiến lược và tăng nhập khẩu.

Bên lề chuyến đi đến miền Tây nước Pháp, ông Macron cũng kêu gọi các công ty dầu mỏ và công đoàn có trách nhiệm, đồng thời cho biết việc phong tỏa các kho chứa nhiên liệu “không phải là cách để đàm phán”.

Theo tuyên bố hôm 9/10, TotalEnergies đề nghị dời đàm phán về mức lương hàng năm, nhưng chỉ khi công đoàn chấm dứt đình công và kêu gọi “tinh thần trách nhiệm”. Công ty đã đồng ý chuyển cuộc đàm phán về lương sang tháng 11 so với thời gian thông thường là tháng 1.

Theo Le Monde, lập trường của công đoàn bắt đầu mềm mỏng. Trong thư ngỏ gửi giám đốc điều hành TotalEnergies hôm 8/10, CGT đã giảm nhẹ một số yêu cầu. Mặt khác, CGT vẫn yêu cầu duy trì tăng lương 10%, gồm 7% theo kịp lạm phát và 3% phù hợp với lợi nhuận của tập đoàn, vốn đạt 10,6 tỷ USD trong nửa đầu năm.

phap xep hang do xang anh 1

Biển báo "không hoạt động" ở trạm xăng TotalEnergies ở Nice, Pháp hôm 10/10. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Thierry Defresne - đại diện ủy ban công nhân châu Âu của CGT tại Total - xác nhận nguồn cung nhiên liệu có khả năng được cải thiện, đồng thời lưu ý các biện pháp của chính phủ là nhằm giúp các công ty kéo dài thời gian, theo AFP.

Nhóm đình công nhất trí tiếp tục phong trào này ở Normandy, gần Le Havre, tại kho hàng gần Dunkirk và tại nhà máy nhiên liệu sinh học ở Bouches-du-Rhone. Trong khi đó, 15 trạm xăng tại đơn vị Argedis của Total sẽ đóng cửa vào ngày 11/10, ông Defresne cho biết.

AFP đưa tin hôm 9/10 cho biết tại nhà máy lọc dầu TotalEnergies ở Feyzin gần Lyon, công việc sản xuất vẫn tiếp tục nhưng việc chuyển hàng bị đình trệ.

“100% công nhân được điều động đã đình công trong ca làm lúc 6h”, đại diện CGT, ông Pedro Afonso, nói. “Thông thường mỗi ngày có 250 - 300 xe tải, cùng với 30-50 toa xe lửa, nhưng bây giờ không xe nào chở nhiên liệu đi ra”.

Dấu hiệu "mùa đông tiềm ẩn bất mãn"?

Trên phương tiện truyền thông Pháp tràn ngập hình ảnh người dân xếp hàng trước các trạm xăng. Nhiều người phàn nàn họ không thể lái xe đi làm, trong khi tài xế taxi yêu cầu họ cần được ưu tiên đổ xăng.

Guardian hôm 9/10 đưa tin một số trạm xăng xuất hiện tình cảnh đợi hàng dài gần 2 tiếng đồng hồ, trong khi một số tài xế tranh giành nhiên liệu.

Ở Haute-Savoie, đông nam nước Pháp, một người đàn ông tầm 30 tuổi phải nhập viện sau khi xô xát với một tài xế khác chỉ vì chen lấn tại trạm xăng. Giới chức Pháp đang điều tra vụ việc.

phap xep hang do xang anh 2

Lửa bùng lên trước nhà máy lọc dầu ExxonMobil ở Port-Jerome-sur-Seine, Pháp hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

Trước đó hôm 8/10, hàng dài cả trăm m xuất hiện tại một trạm xăng ngoại ô Paris.

“Chúng tôi đã đợi cả tiếng đồng hồ”, một người lái xe ôtô nói, cho biết xe mình đã cạn xăng. “Hàng này không hề nhúc nhích. Tôi không biết chúng tôi phải làm gì”.

Một tài xế khác đứng đợi tại đây sau khi thử rẽ qua 2 trạm xăng khác. “Tôi đến cùng lúc với những người khác, nhưng có vẻ như xăng không còn nữa”, người này nói.

Không chỉ gây thất vọng cho người tiêu dùng, thiếu xăng dầu còn khiến các ngành nghề khác như dịch vụ giao hàng, y tế, hậu cần và taxi rơi vào hỗn loạn.

"Điều khiến tôi lo lắng là chuyện gì sẽ xảy ra với người khuyết tật. Nếu chúng tôi không đổ được xăng, sẽ không ai phục vụ việc đi lại cho họ”, một tài xế đợi đổ xăng ở Paris chia sẻ. “Bình dự trữ của xe tôi chỉ còn một nửa”.

Xăng dầu có vị trí quan trọng đối với người Pháp. Paul Smith - phó giáo sư về chính trị Pháp tại Đại học Nottingham - cho biết: “Giá nhiên liệu đồng nghĩa với gilets jaunes (những người biểu tình Áo vàng)”.

Phong trào Áo vàng bùng lên vào mùa đông năm 2018 khi giá xăng dầu tăng, trong đó hàng nghìn người đổ xuống đường phản đối trong nhiều tuần liên tiếp.

"Tình hình hiện tại gây khó khăn cho (chính phủ), giống như dự đoán trước vấn đề gì sắp xảy tới - một mùa đông tiềm ẩn bất mãn”, ông nói thêm.

Pháp thừa nhận nhiều trạm nhiên liệu cạn xăng

Phát ngôn viên chính phủ Pháp cho biết khoảng 10% trạm xăng ở Paris đang gặp vấn đề nguồn cung, song ông khẳng định trên tổng thể, Pháp vẫn có đủ xăng dầu.

Pháp công bố gói biện pháp an ninh năng lượng mới

Hôm 6/10, chính phủ Pháp công bố kế hoạch cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng, nhằm hạn chế tình trạng cắt điện hoặc thiếu hụt năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông sắp tới.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm