Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Người Mỹ ở TP.HCM đón lễ Tạ ơn khác những năm trước

Lễ Tạ ơn năm nay đối với người Mỹ ở TP.HCM thật khác. Bạn bè đồng hương của ông Joshua West đã về nước hết, ông một mình đón ngày lễ mang ý nghĩa gia đình sum vầy tại thành phố.

Ngày cận kề lễ Tạ ơn, ông Josh (quận 7) trầm ngâm nhớ lại dịp này mấy năm trước ông đón lễ cùng các bạn đồng hương Mỹ.

“Đáng buồn là bây giờ những người bạn Mỹ của tôi đều đã về nước. Năm nay tôi chỉ ăn một mình và nhắn tin cho gia đình, bạn bè”, ông Josh thở dài.

Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) được người Mỹ tổ chức vào ngày thứ năm trong tuần thứ tư của tháng 11 hàng năm. Đối với người Mỹ, lễ Tạ ơn là dịp để sum họp, quây quần và dành thời gian nghỉ ngơi bên gia đình.

le Ta on cua nguoi My o TP.HCM anh 1

Năm nay, "lễ gia đình" của người Mỹ diễn ra vào ngày 25/11. Ảnh: Getty Images.

Không giống lễ mọi năm

2 năm trở về trước, vào những ngày cận lễ, ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt hành khách Tây chờ chuyến về nước. Năm ngoái không đông bằng, còn năm nay thì không còn cảnh này.

Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người không thể về nước gặp gia đình. Đồng thời, không ít người Mỹ đã rời TP.HCM. “Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, tôi đã chứng kiến nhiều đồng hương của mình quyết định rời đi, họ trở về nước hoặc chuyển đến một quốc gia khác”, Josh nói.

5 năm sống ở TP.HCM, đây là lần đầu tiên ông Josh đón lễ không người quen thân. Mấy năm trước, hội bạn Mỹ của ông thường gặp mặt trong ngày này, có thể dùng những bữa ăn không quá truyền thống như pizza, bánh mì kẹp thịt, thậm chí cả đồ ăn Trung Quốc, miễn là quây quần cùng nhau.

le Ta on cua nguoi My o TP.HCM anh 2

Josh kể gia đình ông thường ăn con gà tây nặng 9-11 kg và mất khoảng 5 giờ để nấu chín. Ảnh: NVCC.

Người đàn ông này đã lên kế hoạch về Mỹ để đón "một mạch" lễ Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới. Dự định này phải hoãn chưa biết đến khi nào do tình hình dịch bệnh phức tạp.

“Ở lại TP.HCM 3 năm nay, tôi nhớ gia đình rất nhiều. Tôi nhớ mẹ thường dậy từ sáng sớm để nấu gà tây. Cha tôi đảm nhận việc cắt thịt. Cả nhà sẽ ăn gà tây trong cả tuần sau lễ với đủ thứ món như bánh mì gà tây, thịt gà tây hầm, salad gà tây, súp gà tây… và nhiều hơn nữa”, ông hồi tưởng.

Ở TP.HCM một mình, ông Josh không tự mua gà tây trong dịp lễ. Ông cho biết nguyên con gà tây khá đắt và khó nấu nếu không có lò nướng chuyên dụng và nguyên liệu đúng điệu. “Vả lại, thịt gà tây địa phương của Việt Nam không giống với thịt ở Mỹ, tôi không chuộng lắm”, ông nói.

Còn Bradley Davis (33 tuổi, ngụ quận 1) mới sống ở TP.HCM từ tháng 10/2020, song anh đã đón tận 4 ngày lễ Tạ ơn ở thành phố này.

“Tôi là người Mỹ quê ở Canada. Ở Canada, chúng tôi ăn lễ Tạ ơn vào tháng 10, còn Mỹ là tháng 11. Vậy là mỗi năm tôi ăn lễ 2 lần. Tính từ ngày đến TP.HCM, hôm 25/11 sẽ là lễ thứ 4 tôi ở đây”, Davis giải thích.

Ngày lễ đầu tiên, Davis vừa bay đến TP.HCM, đã phải “cô đơn” tự tổ chức trong khách sạn cách ly với một chai bia, một tô phở và trái cây. Ngày 26/11 năm ngoái là lần thứ hai, anh đã ra nhà hàng một mình và ăn chiếc bánh pizza. Tháng 10 năm nay anh bỏ qua vì bận việc.

le Ta on cua nguoi My o TP.HCM anh 3

Davis cho biết vào dịp lễ này thường rất lạnh, gia đình anh ở Mỹ và Canada sẽ uống nhiều rượu cho ấm. Còn ở TP.HCM, anh chỉ cần vài chai bia cho mát. Ảnh: NVCC.

Còn 25/11 năm nay, tuy không về nước được, thay vào đó anh sẽ cùng bạn bè “đi trốn”, tổ chức buổi tiệc nướng ấm cúng tại một homestay ở Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Tất nhiên, Davis cũng nhớ gia đình đang sống ở bang Georgia (Mỹ).

“Tôi đã khá thành công trong việc không quá nhớ nhà khi đi chơi với nhóm bạn. Nhưng tôi nghĩ rằng nỗi nhớ này sẽ xuất hiện vào ngày mai sau khi tôi về TP.HCM”, Bradley Davis chia sẻ với Zing.


Không chỉ người Mỹ đón lễ

Trước lễ 2 ngày, ông Joshua Josh bất ngờ nhận được bạn giới thiệu tham gia buổi tiệc vào đêm lễ chính tại một nhà hàng ở quận 1. Ông càng ngạc nhiên hơn khi những vị khách tham gia đến từ nhiều nước, có cả người Việt. Và ông chẳng quen biết ai.

“Không vì thế mà tôi ngại, tôi sẽ tham gia. Càng hào hứng hơn vì tiệc tổ chức theo kiểu ‘potluck’, tức là mỗi người sẽ góp một món gì đó, đến đấy mới biết. Lâu lắm rồi tôi mới dự lại tiệc dạng này”, ông bày tỏ.

Trong suy nghĩ của ông Josh, những người lạ có thể sẽ trở thành bạn bè, gia đình của nhau sau lễ Tạ ơn này. Không chỉ mỗi ông Josh, một số người Mỹ khác ở TP.HCM cũng có cùng ý tưởng ăn tiệc chung, do họ sống một mình ở đây.

Một người đàn ông tên Austin (đến từ New York) đã đăng bài trên nhóm cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM để rủ người tổ chức tiệc. “Tôi vừa bỏ lỡ lễ Tạ ơn cùng gia đình ở quê nhà vì hạ cánh xuống TP.HCM vào đúng dịp này. Do đó, tôi muốn tổ chức bữa ăn ngày lễ với một số người có thiện chí, không ngại mời người lạ đi cùng”, anh này viết.

le Ta on cua nguoi My o TP.HCM anh 4

Những buổi tiệc ghép chung là một giải pháp đón lễ Tạ ơn vui vẻ được cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM lựa chọn. Ảnh minh họa: Shironosov.

Vào dịp này, các nhà hàng Tây tại TP.HCM cũng bận rộn chuẩn bị thực đơn Thanksgiving để đón tiếp thực khách. Khách nước ngoài thường đến nhà hàng vì ở đây có đa dạng món truyền thống của dịp lễ.

"Gà tây không thể thiếu, kèm theo sốt nam việt quất, sốt thịt, đùi heo xông khói nướng, khoai tây nghiền, bánh bí ngô, gà trộn vụn bánh mì... Các món có thể được phục vụ theo bàn tiệc hoặc buffet", anh Trương Hỷ (nhân viên một nhà hàng cao cấp ở quận 1) cho biết.

Trong 3 năm phục vụ mùa lễ Tạ ơn, anh Trương Hỷ thấy khách đến dự tiệc thường là các gia đình. Họ có thể là cả nhà ngoại quốc, chồng Tây vợ Việt hoặc ngược lại. Bên cạnh đó, còn có cả nhóm 5-15 người gồm vài gia đình hoặc nhóm bạn, đồng nghiệp tổ chức đi ăn chung.

“Những người ăn lễ Tạ ơn thường theo Công giáo, họ làm dấu Thánh trước khi dùng bữa. Chính vì thế, tinh thần lễ ở Việt Nam nói chung không chỉ mỗi người nước ngoài tham gia, có nhiều gia đình người Việt cũng đến nhà hàng thưởng thức bữa tối chào đón dịp này”, anh Hỷ nói ra quan sát của mình.

Ngoài ra, nam nhân viên này cho biết lễ Tạ ơn chủ yếu tập trung vào sự ấm cúng của gia đình trên bàn ăn, nên không gian các nhà hàng thường không chú trọng trang hoàng lung linh như dịp Giáng sinh.

"Năm nay nhà hàng đón lai rai khách, ít hơn năm ngoái, còn năm 2019 kín bàn. Chúng tôi vẫn phục vụ đủ món và đúng tinh thần ngày lễ, vì điều này có thể mang đến một lễ Tạ ơn ý nghĩa cho người nước ngoài xa quê ở đây", nam nhân viên bày tỏ.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Giới trẻ TP.HCM chuẩn bị Giáng sinh sớm

Còn hơn một tháng nữa mới đến lễ Giáng sinh, nhiều bạn trẻ ở TP.HCM đã lên kế hoạch ăn mừng. Có người trang trí nhà cửa với cây thông và lục lạc, có người dự định đi du lịch.

Trải nghiệm sống ở TP.HCM của một người nước ngoài

Mike Williams (người Canada) không có ý định rời khỏi TP.HCM vì cuộc sống ở đây tuyệt vời. Với anh, mọi thứ đều có thể tìm thấy ở thành phố này.

Đợi đi hát karaoke ở TP.HCM

Với nhiều bạn trẻ, đồng nghiệp và gia đình ở TP.HCM, karaoke là điểm hẹn quen thuộc để giao lưu, sum họp, tiếp khách, giải trí.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm