Ngày 4/7/1994, khi hạ sinh bé Manon tại bệnh viện Cannes-la-Bocca, thành phố Cannes (Pháp), bà Sophie Serrano không thể tưởng tượng rằng câu chuyện tráo nhầm con lại xảy ra với mình.
Con gái của bà Sophie bị bệnh vàng da sau sinh và được đặt trong lồng ấp cùng một trẻ khác. Khi nhận lại con sau khi điều trị, Sophie cảm thấy nghi ngờ vì màu da của đứa trẻ tối hơn nhiều so với lúc mới sinh. Tuy nhiên, y tá quả quyết rằng, không có chuyện gì xảy ra và ánh sáng trong lồng ấp là nguyên nhân khiến màu da của bé thay đổi.
Ngờ vực
Khi Manon được 18 tháng tuổi, Sophie đưa con gái chuyển ra ngoài sinh sống vì không thể chịu đựng sự ngờ vực từ chồng. Chồng của Sophie cho rằng Manon không phải là con của ông. Bà cũng sống trong sự châm chọc của hàng xóm khi họ đồn rằng Manon là "con của người đưa thư".
Bà Sophie Serrano và ảnh chụp cùng con gái mới sinh. Ảnh: TF1 |
3 năm sau khi sinh, Sophie nhận thấy con gái Manon có tóc xoăn, nước da ngăm – những đặc điểm mà cả bà và chồng đều không có. Nhưng bà vẫn không chút nghi ngờ và dành trọn tình yêu thương cho con gái.
Năm 2002, khi Manon lên 9 tuổi, ông Serrano ngừng chu cấp tiền nuôi dưỡng và yêu cầu xét nghiệm mối quan hệ cha con. Kết quả đã chứng minh nghi ngờ của của ông này là đúng. Ông ly dị vợ vì quả quyết rằng bà Serrano có con với người đàn ông khác.
Hai năm sau, một cuộc kiểm tra khác cho thấy bà Sophie cũng không phải là mẹ đẻ của Manon.
“Bầu trời như đổ sụp xuống đầu tôi. Tôi cảm giác như đã mất đứa con mà mình nuôi nấng bấy lâu, và cũng cảm nhận sự đau đớn khủng khiếp", người phụ nữ tâm sự.
Biết không thể giấu con, Sophie đã lấy hết can đảm để nói ra sự thật rằng Manon không phải con đẻ của bà. "Tôi không muốn làm tổn thương con bé. Cuối cùng, tôi ngồi xuống, ôm con gái và nói đã có sự nhầm lẫn tại bệnh viện".
"Nhưng một điều sẽ không thay đổi là Manon mãi là con gái của tôi. Tôi yêu con bé bằng tất cả trái tim", bà Sophie khẳng định.
Bệnh viện Cannes-la-Bocca . Ảnh: Daily Mail |
Cô bé Manon khi đó chỉ biết khóc và sợ hãi sẽ không được sống bên gia đình hiện tại. “Khi mẹ nói tôi bị tráo đổi, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là tôi sẽ phải rời khỏi gia đình ư? Tôi thấy thật trống vắng khi sống thiếu họ”, Manon nói.
Bà Sophie khi ấy cố gắng tỏ ra mạnh mẽ hơn và an ủi con gái nhưng nỗi sợ hãi thực sự đã xâm chiếm tâm trí bà.
Sự thật
Vào ngày định mệnh năm 1994, nữ y tá phụ trách chăm sóc ca sinh của bà Serrano đã sử dụng rượu trong ca trực, dẫn tới sai sót nghiêm trọng. "Nhiều chai rượu được nhìn thấy trong phòng hộ sinh và hóa ra mọi người đều biết cô ta đã uống rượu khi làm việc", bà Sophie tố cáo.
"Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho y tá đã trao nhầm con tôi", bà nói.
Việc trao nhầm con xảy ra khi Manon được đặt cùng giường với con ruột của bà Sophie để điều trị bệnh vàng da. Khi nhận lại con sau quá trình điều trị, cả hai sản phụ đều nghi ngờ. Bà Sophie nói với y tá rằng đứa trẻ không giống lúc mới sinh nhưng người này khẳng định rằng không có sai sót.
Manon (phải) luôn sống trong tình yêu thương của "mẹ nuôi". Ảnh: Sophie Serrano |
Hơn 10 năm sau sự việc và tìm gặp nhau, gia đình hai sản phụ đệ đơn kiện bệnh viện. Nhưng do sự việc đã xảy ra rất lâu nên quyết định sa thải y tá vô trách nhiệm đã mất hiệu lực. Người y tá sau đó cũng phải điều trị vì chứng trầm cảm.
Tòa án Pháp hồi tháng 2/2015 ra phán quyết yêu cầu bệnh viện Cannes-la-Bocca bồi thường hơn 2 triệu USD cho hai gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống bị đảo lộn của gia đình bà Sophie là điều mà không ai có thể bù đắp được.
Cuộc sống đảo lộn
Sai lầm của y tá ở nhà hộ sinh đã làm thay đổi cuộc sống của Manon và mẹ. Họ đã phải đấu tranh trong nhiều năm để tìm ra danh tính thật cho cô gái. Theo Daily Mail, cha mẹ đẻ của Manon đến từ đảo Reunion thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương. Đó là lý do cô gái có màu da ngăm và mái tóc xoăn.
Bà Sophie mắc chứng trầm cảm và công việc kinh doanh phá sản sau khi phát hiện ra sự thật. “Tôi mất tất cả mọi thứ. Tôi mất niềm tin vào bản thân. Là một người mẹ, tại sao tôi lại để chuyện như vậy xảy ra? Tất cả các con tôi đều phải tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý”, bà nói. Bà Sophie còn có hai người con khác.
Khi gặp lại con ruột bị y tá trao nhầm, cảm xúc của bà Sophie trở nên lẫn lộn. Theo bản năng, bà yêu con gái ruột, nhưng vẫn dành nhiều tình cảm cho Manon.
Trong khi đó, Manon cũng mất niềm tin vào những người khác. Cô trở nên dữ dằn hơn và ít khoan dung. Tuy vậy, tình cảm giữa Manon và "mẹ nuôi" ngày càng gần gũi và dường như không thể tách rời.
"Khi đứng trước nguy cơ đánh mất người thân yêu, bạn mới nhận ra mình yêu họ tới nhường nào", bà Sophie nói.
Trong lần gặp gỡ cha mẹ đẻ sau 10 năm tìm lại, Manon nói em cảm thấy khó khăn. "Bạn đứng trước mẹ ruột nhưng cảm giác như người xa lạ”, Manon tâm sự.
Sau nhiều lần suy nghĩ, Manon, hiện 22 tuổi, quyết định vẫn sống cùng gia đình và người mẹ Sophie không cùng chung dòng máu nhưng đã ở bên cô suốt từ thuở lọt lòng.