*Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim
Vẫn nhập nhằng thể loại
Từ lúc được công bố, cho đến các chất liệu truyền thông như teaser hay trailer, Người lắng nghe được quảng bá là phim kinh dị với những cảnh ma ám và nỗi sợ hãi của nhân vật nữ chính.
Thế nhưng, phim lại khá nặng về tâm lý, vài cảnh kinh dị cũng chỉ được xem như gia vị Liêu trai chí dị pha trộn thêm tạo sự sinh động, hoàn toàn không có tác dụng hù dọa hay tăng trải nghiệm thưởng thức phim.
Vì vậy, Người lắng nghe đã đặt mình vào thế khó khi thời điểm ra rạp gần ngay sau phim kinh dị gây nhiều tranh cãi Chuyện ma gần nhà, khán giả Việt đang mất hứng thú với dòng phim khai thác sự sợ hãi được sản xuất nội địa. Độ hù dọa, ghê rợn không đủ đô kèm theo câu chuyện kém hấp dẫn thì lại càng khiến người xem mất kiên nhẫn. Chính vì vậy, việc bán sai thể loại đã vô tình khiến phim dễ rơi vào tình trạng "chết lâm sàng".
Người lắng nghe đã tự đặt mình vào thế khó khi tự quảng bá mình là phim kinh dị. |
Nội dung dư tham vọng nhưng thiếu nội lực
Người lắng nghe bắt đầu khi nữ nhà văn An Nhiên (Oanh Kiều đóng) liên tục bị ám ảnh bởi một hồn ma nữ mang tên Lê Vân - cũng là nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết của cô. An Nhiên được chị gái là Phương Vy (Phạm Quỳnh Anh đóng) đưa đến khám tại chỗ của bác sĩ tâm thần nổi tiếng Tường Minh (Quang Sự đóng). Vị bác sĩ nhiều kinh nghiệm đặc biệt hứng thú với ca cô nhà văn nên lao vào điều trị theo hướng điều tra như một thám tử.
Sau phần giới thiệu kịch bản chính, phim bắt đầu lạc lối. Diễn biến loạn xạ khiến người xem khó có thể theo dõi. Bầu không khí trầm buồn, nhịp phim vừa rối lại chậm, thiếu chất xúc tác để thúc đẩy khán giả đồng hành cùng toàn bộ hành trình của anh bác sĩ.
Đang lúc điều tra về bệnh nhân, phim lại chuyển hướng sang cuộc tán tỉnh, giận hờn vu vơ của cô nhà văn với người điều trị cho mình, vừa sến sẩm lại dư thừa. Không chỉ vậy, nhân vật của Oanh Kiều có sự biến chuyển cảm xúc xoành xoạch từ sợ hãi, bình tĩnh, vu vơ, cho đến yêu đương giận hờn như con gái mới lớn… chỉ trong tích tắc mà không cần bất kỳ bước chuyển đổi nào.
Điều này càng cho thấy đạo diễn vẫn khá non tay trong phát triển nhân vật. Kết quả, cặp đôi chính Quang Sự - Oanh Kiều không hề có phản ứng hóa học, mọi thứ chỉ được giải quyết bằng thoại và nét diễn rất truyền hình của cả hai.
Oanh Kiều nỗ lực hết mình, tiếc thay vai diễn này không đủ tốt để cô tỏa sáng. |
Người chị kiêm quản lý và chồng do Phạm Quỳnh Anh và Quốc Cường thủ vai lại mang đến cảm giác họ đang là vai chính chính trong một một bộ phim khác, được kể song song với vụ án ma ám của cô nhà văn. Ngoài vai trò quản lý hoặc đưa An Nhiên đi Đà Lạt, cặp đôi này được dành nhiều thời lượng để cãi nhau về chuyện drama gia đình, đặc biệt là hiếm muộn con cái.
Lúc này, Người lắng nghe chia ra nhiều nhánh, ai cũng có câu chuyện riêng và không ai rảnh để lắng nghe lẫn nhau. Kết quả, cả dàn diễn viên đều mạnh mạnh ai nấy diễn, phô bày màu sắc riêng, vượt ra khỏi khuôn khổ kiểm soát của đạo diễn.
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến nhân vật MA, tạm gọi là Lê Vân, do diễn viên trẻ Lý Hồng Ân đóng. Những câu thoại lặp đi lặp lại, xuất hiện liên tục trong hình hài hồn ma được trang điểm đậm với mái tóc ướt, Lê Vân thử thách kiên nhẫn nơi người xem, mỗi khi xuất hiện thì tạo cảm giác phiền, lại còn nhây nhiều hơn là sợ.
Cái kết của Người lắng nghe vốn nên được kết thúc sau khi bác sĩ nhớ lại chuyện xưa, bị dằn vặt vì bản thân đã vô tình gây ra cái chết cho bạn gái cũ. Nhưng không, đạo diễn Khoa Nguyễn quyết tâm làm cho tác phẩm đầu tay của mình thêm "nhân văn" khi dẫn người xem đến một nguyên nhân khác khiến Lê Vân, lúc này là Thùy Dương, đi tự tử, là do gia đình lục đục và sự không công nhận từ người cha.
Từ cái kết này, khán giả sẽ đặt lại câu hỏi, cuối cùng mục đích thật sự của cô ma nữ này là gì. Giúp người yêu nhẹ nhõm hơn chăng? Mà khoan, ngay từ đầu phim, anh bác sĩ vốn đã chạy trốn quá khứ, đã quên hẳn chuyện xưa và đang có một cuộc sống khá viên mãn, nàng ma lôi mọi ký ức đau thương trở về, rồi lại tự nhiên cho anh an yên vào hồi cuối? Hay đơn giản, hồn ma chỉ muốn ngồi kể chuyện tại sao mình chết và ép khán giả phải lắng nghe.
Tuyến nhân vật của Phạm Quỳnh Anh và Quốc Cường khá thừa thãi. |
Thể hiện nghèo nàn
Không chỉ yếu kém trong xây dựng nhân vật lẫn câu chuyện, đạo diễn Khoa Nguyễn vẫn khá nghèo nàn trong cách thể hiện loạt chi tiết "gặp ma". Xuyên suốt hai giờ đồng hồ, anh bác sĩ cứ bật dậy từ giấc mơ ghê rợn như thói quen không biết bao nhiêu lần, cứ gặp ma là lại tỉnh, còn người coi phim thì cứ bị giật mình vì âm thanh chát chúa nếu có vô tình ngủ gật. Sự trùng lặp nhàm chán này vốn đã xảy ra trong Chuyện ma gần nhà trước đó.
Được biết, ê-kíp sản xuất đã mời nhiều chuyên gia tư vấn chuyên môn tâm thần, tâm lý. Thế mà, không có bất kỳ phần nghiên cứu về vấn đề có liên quan nào được đem ra mổ xẻ trong phim. Tất cả, chỉ là sự mặc định, anh bác sĩ lao vào điều tra gia đình bệnh nhân, tin vào chuyện ma quỷ, mọi kiến thức chuyên môn đều bốc hơi. Có chăng ngay từ đầu nam chính nên là thám tử thì sẽ hợp lý hơn.
Nhân vật chính đã làm sai nghề. |
Kỹ xảo trong phim cũng không mấy khá khẩm khi cảnh nàng ma nữ biến hóa ghê rợn trông na ná các phim truyền hình Hoa ngữ cách đây hai thập niên. Quay phim khá ổn, khai thác được vẻ đẹp của ngoại cảnh nhưng không giúp ít được gì trong dẫn truyện.
Kịch bản rối loạn, tình tiết được sắp xếp theo kiểu ngẫu hứng, màu phim lúc nóng lúc lạnh, Người lắng nghe cho thấy cú vật lộn đuối sức giữa tham vọng vừa muốn làm phim thương mại vừa muốn có màu sắc "art-house" của vị đạo diễn trẻ.