Làng đa nghề
Đến với làng Chuông thời gian này, nhiều không khỏi ngạc nhiên về sự đa ngành nghề của nơi chuyên làm nón nổi tiếng bậc nhất miền Bắc. Sâu trong làng, tiếng máy cưa, máy tiện của nghề làm lồng chim, tiếng máy may xập xình, tiếng xào xạc phơi lá nón đan xen tạo nên thứ âm thanh hỗn độn. Người dân làng Chuông bây giờ vẫn làm nón nhưng để mưu sống, họ buộc phải làm thêm nhiều công việc khác.
Kinh tế khó khăn, người dân làng Chuông vẫn giữ nghề làm nón truyền thống song song với nhiều công việc khác để mưu sinh. |
Khó khăn với nón
Cuộc sống hiện đại, người dân ít đội nón hơn trước là lý do khiến đầu ra của làng nghề nón khó khăn. “Bây giờ chỉ có ra làm đồng ruộng là thường xuyên thấy cảnh phụ nữ đội nón còn lại hình ảnh của nó rất hiếm. Chưa kể, bỏ ra một khoản tiền hơn 50.000 để có một chiếc nón tốt không phải là chuyện dễ dàng với nhiều người. Cùng số tiền đó có thể mua được vài chiếc mũ vải, bây giờ người đội mũ nhiều chứ đội nón, kể cả nông thôn cũng ít gặp đi”, chị My, một người thợ đan nón tâm sự.
Người dân làng Chuông tỷ mỷ hoàn thành từng chiếc nón. |
Để làm ra một chiếc nón tốt, người làng Chuông phải mua nguyên liệu từ tận miền Trung rồi chọn lá tốt, phơi lá thật khô, cuối cùng mới là khâu nón. Bao nhiêu công đoạn tỷ mẩn, phức tạp nên dù giỏi đến mấy thì mỗi người cũng chỉ làm được 2 chiếc mỗi ngày. Gặp phải những hôm mưa, bão hay gia đình có việc thì coi như không làm được cái nào. Từ người già đến trẻ nhỏ ở đây, hầu hết bàn tay ai cũng bị hằn những vết kim đâm. Công việc vất vả mỗi ngày kéo dài liên tục từ sáng đến tận 9 - 10h giờ tối khiến nhiều người đau lưng, mắt kém, nhưng đổi lại thu nhập mỗi ngày chỉ khoảng 40.000 đồng.
Từ người già đến trẻ nhỏ ở làng Chuông, hầu hết bàn tay ai cũng bị hằn những vết kim đâm vì làm nón. |
Khó khăn là vậy nhưng người làng Chuông quyết không bỏ công việc làm nón. Họ chỉ hy vọng có sự hỗ trợ từ bên ngoài để người dân bớt chật vật hơn trong việc bảo tồn nghề truyền thống. Chị Doan, người trong làng tâm sự: “Dù làm gì thì cuối cùng dân trong làng cũng sẽ quay về với chiếc nón. Sản phẩm này đã gắn bó với người làng Chuông bao đời rồi, thương hiệu dễ gì mà tạo dựng được như vậy”.