“Vợ bảo chuẩn bị tiền học cho con. Anh đi làm, cố gắng nhé. Con thì kỳ kèo cha ơi, quần áo rách rồi, mặc thế xấu hổ lắm. Ông bà cũng nhắn nhủ liệu về lo giỗ chạp tử tế...”. Người “thợ đụng”, Đỗ Quang Quý tâm sự mà mồ hôi vã đầm ra trán. Các bạn bên cạnh cũng buồn hiu vì suốt cả mấy ngày chẳng được gọi làm việc gì. Áp thấp nhiệt đới và những trận mưa rào làm dịu hẳn chiều oi bức, nhưng người anh Quý vẫn hầm hập như sốt. Anh bảo có tật cứ lo lắng là người lại bừng bừng lên. Bao nhu cầu cuộc sống gia đình, con cái học hành, rồi nợ nần dồn đuổi anh mà việc làm lại chẳng có.
Cuối giờ chiều, thợ mộc vẫn đợi việc trên phố Đường Thành, Hà Nội. |
Đông người, thiếu việc
Giáp Tết này anh Quý tròn 46 tuổi mà đã có thâm niên 23 năm làm “thợ đụng” ở Hà Nội. Hồi mới rời quê xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam, anh chẳng nghề ngỗng gì, sáng ra đứng phố Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đợi ai kêu gì làm nấy. Hôm thì phụ hồ, bữa thì gồng gánh, kéo hàng. Gần đây anh tập tành chút nghề mộc, chuyển từ “chợ người” làm đủ thứ việc ở Cát Linh sang phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm) để gia nhập hội những người cầm cưa. Cũng ai kêu gì làm nấy, sơn lại cái tủ cũ, sửa cánh cửa bị sệ hay thay vạt giường bị gãy...
“Hà Nội là cái túi tiền mà. Hồi trước bọn tôi cũng xoay xở kiếm cơm qua ngày được, chả hiểu sao thời buổi bây giờ lại khó khăn thế. Anh em cứ nghệch mặt đứng đường suốt ngày này qua ngày khác mà chẳng mấy người thèm gọi” - anh Quý tâm sự và cho biết thêm anh chẳng hiểu lắm chuyện suy thoái kinh tế này nọ, nhưng sốt ruột với cái túi rỗng của mình. Đến cơm đĩa đậu phụ, dưa cà lề đường mà còn phải lắt nhắt đếm từng đồng để cố mua ngày ba bữa lót dạ, lấy gì gửi về cho vợ con?
Nhiều người lao động bây giờ “đụng” việc gì cũng làm. |
Ngày xưa, dân “chợ người” một thời gian thường nhẵn mặt nhau vì không đông lắm, nhưng giờ việc ít mà người lại đông hơn, anh em hỏi nhau đều nghe câu trả lời giống nhau đến não ruột: “Dăm sào ruộng ở nhà để mẹ thằng cu làm, chứ cúi mặt hết xuống đất thì cháo cũng không đủ ăn”. Rít hơi thuốc lào phả khói lõa xõa gương mặt khắc khổ, anh Quý và anh Bình tính chi li họ có làm giỏi thì mỗi sào ruộng cũng chỉ thu được tầm 600.000 đồng cho hai vụ lúa một năm.
Nhà anh Quý có năm sào, anh Bình bốn sào, nếu trông vào ruộng thì gia đình chỉ sống được 3, 4 tháng mỗi năm, chưa kể chuyện con cái học hành và trăm khoản thuế phí, lễ lạt, tang ma linh tinh. Chập choạng tối, cơn mưa dông sau áp thấp trở nặng hạt, anh Quý và anh Bình lủi thủi về, tìm mì gói trừ bữa vì chẳng kiếm được đồng nào. Tuy nhiên, phố Cát Linh gần đó vẫn còn những bóng người ngóng việc đêm. Anh Nguyễn Gia Trung ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa là một trong số đó. Có nghề xây dựng mươi năm, dạo trước nhiều ngày anh Trung được mấy thầu xây dựng cùng gọi, phải kén chọn ai, so đo từng đồng lương, giận dỗi chút là bỏ việc.
Gần đây, nhiều công trình xây dựng đình trệ, thợ xây đứng đường đầy “chợ người”. Từ mỗi ngày công 200.000-300.000 đồng, giờ họ sẵn sàng bốc vác, kéo xe. Trong các nghề bị thất nghiệp, có lẽ nghề xây dựng bị nặng nề nhất. Anh Trung chả hiểu bất động sản đóng băng, đông lạnh gì đó, mà chỉ nhìn đồng nghiệp cầm bay đứng ủ rũ ngóng việc ở “chợ người” là đủ thấu sự khó khăn. Dân thợ xây mạn Nghệ An, Thanh Hóa như anh trước đây có tiếng “chảnh” hay làm giá vì khéo nghề, chịu khó, giờ đon đả, năn nỉ việc thấy mà buồn.
Các “chợ người” ở Hà Nội thường phân biệt rõ ràng. Cấp thấp nhất là “chợ đụng”, tức những người không nghề, bạ gì làm đó, thu nhập bèo bọt nhất. Khá hơn thì có các chợ thợ xây, thợ mộc, điện nước, giúp việc nhà... Một hai năm lại đây, chợ nào cũng ế ẩm nên mọi người cứ chạy qua lại. Dân kiếm việc đứng phố này mà tai mắt lại ngóng thêm phố kia. Hễ nghe kháo nhau bên ấy có việc, dân bên này lại lục tục đổ qua. Đứng nhão chân mà không ai gọi, họ lại lũ lượt về góc cũ.
Chắt bóp từng đồng
Osin giúp việc nhà, giữ em luôn có tiếng là nghề “chảnh” của các loại “chảnh”. Lương 3-4 triệu đồng/tháng, nhiều người vẫn chê việc, nay làm chỗ này mai đổi chỗ khác. Tuy nhiên, gần đây nhiều osin kiếm việc đỏ mắt vẫn không người đón về. “Chủ cũ cho tôi nghỉ vì vợ mới thất nghiệp, ở nhà giữ con. Còn chỗ mới thì chưa thấy ai gọi. Chị em kháo nhau thời khó khăn, chủ nhà siết túi tiền, tự gồng gánh việc của osin cho đỡ tốn kém”, chị Lê Thị Phi, quê Gia Trung, Thanh Hóa giải thích.
Từng gần 20 năm giúp việc nhà với mức lương 4 triệu đồng bao ăn ở, giờ chị phải ra phố tìm việc. Chị chua chát kể từng rời bỏ năm gia chủ vì chê lương thấp, hoàn cảnh làm việc không ưng ý. Vừa rồi, chị muối mặt quay lại gõ cửa họ nhưng đều bị lắc đầu. Họ nói thẳng không đủ tiền trả lương người giúp việc, ông bà già ở nhà tự chăm cháu thôi, khi nào có điều kiện sẽ gọi lại chị.
Thời khó khăn, người lao động tìm đến gánh bắp rong. |
Tìm việc ở Hà Nội đỏ mắt không ra, nhiều người lại đổ vào Nam. Cánh trẻ tuổi xoay xở xin việc nhà máy. Ngày trước, giới công nhân này được tiếng “chảnh”: điều kiện làm việc không thuận lợi, lương không phù hợp là đình công, hè nhau nhảy việc. Giới chủ bứt tóc than trời, lo tìm người trám vào cho kịp hợp đồng hàng hóa. Nhưng thời khó này, chính người lao động cũng hiểu đừng dại “chảnh”: họ chưa kịp hăm nghỉ việc thì giới chủ đã cho nghỉ ngay, bởi không đủ việc cho công nhân làm, ai muốn nghỉ cứ nghỉ, càng giảm quỹ lương. Những người đứng tuổi, lao động phổ thông như bạn bè anh Quý và anh Bình chỉ có thể tiếp tục cầm đồ nghề xây dựng xin việc ở các công trình. Tuy nhiên, giấc mơ tìm việc ở TP.HCM không phải lúc nào cũng sáng hơn Hà Nội.
Hai anh em Lê Văn Trình cùng quê huyện Bình Lục, Hà Nam, cho biết: “Bọn tôi vào Nam gần cả năm, nhưng chỉ có việc, có lương chưa đầy ba tháng, còn mười tháng lang thang tìm việc. Thầu nào cũng lắc đầu chối thẳng. Công trình đâu mà nhận?”. Chịu đựng thất nghiệp không nổi, họ lại ngược ra Bắc, mua vé xe khách gần 1,4 triệu đồng từ tiền vay đồng hương.
Vật vã kiếm việc vẫn chẳng có, dân đứng “chợ người” chỉ còn cách bóp miệng, tiết kiệm tối đa. Anh Nguyễn Văn Khanh, quê ở Hoài Đức, Hà Nội, kể khách hàng chính của gánh bắp nhà anh là dân lao động. Mỗi trái bắp 5.000 đồng tạm đủ cho họ lót lòng buổi sáng, thậm chí qua được cả bữa trưa. Chính sự tiết kiệm của đối tượng khách hàng này đã bày anh nghĩ cách bán cả nước luộc bắp với giá 1.000 đồng mỗi túi nước to khoảng cái ly lớn. Dân lao động, thất nghiệp uống nước luộc bắp vừa mát ruột vừa rẻ hơn cả ly trà đá vỉa hè. Nhiều người mua mỗi trái bắp mà vẫn kỳ kèo trả giá. Nhìn mặt thiểu não của họ, anh Khanh chẳng nỡ lắc đầu. Mọi người chỉ còn biết tự an ủi “sau cơn mưa trời lại sáng”. Và ngày ngày, họ lại đứng bạc mặt ở “chợ người” ngóng đợi.