Kinh doanh
Những đồng kiều hối nhọc nhằn
- Thứ ba, 22/10/2013 17:04 (GMT+7)
- 17:04 22/10/2013
Chùm ảnh về cuộc sống và lao động của công nhân nhập cư ở nhiều nước trên thế giới, những người tạo ra nguồn kiều hối dồi dào.
|
Những công nhân làm trong nhà máy gạch ở Lalitpur, Nepal này bao gồm công nhân nhập cư từ Ấn Độ. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ sẽ nhận dòng kiều hối khoảng 71 tỷ USD trong năm nay, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thậm chí, kiều hối của Ấn Độ còn lớn hơn kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin của nước này. |
|
Một công nhân nhập cư từ Mexico đang hái thuốc lá ở bang Kentucky, Mỹ. Hơn 75% lượng kiều hối đổ về khu vực Mỹ Latin/Caribbean đến từ Mỹ, theo WB. Bởi vậy, các nền kinh tế trong khu vực này rất dễ chịu tác động từ các thay đổi trong nền kinh tế Mỹ. Lượng kiều hối gửi về Mexico đã giảm trong mấy tháng gần đây, kéo theo sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng kiều hối trong cả khu vực. |
|
Hầu hết ngư dân ở Benghazi, Lybia là công nhân nhập cư từ Ai Cập sang tìm kiếm mức thu nhập tốt hơn. Kiều hối mà Ai Cập nhận được đã tăng gấp ba trong thời gian từ năm 2009 tới nay, dự kiến đạt 20 tỷ USD trong năm 2013, theo WB, nhiều gấp 3 lần doanh thu của nước này từ kênh đào Suez nổi tiếng. |
|
Biểu đồ ước tính và dự báo về lượng kiều hối đổ về các nước đang phát triển (phần màu vàng) và cả thế giới (cả phần màu vàng và màu cam). |
|
Công nhân nhập cư từ Myanmar trên một tàu cá ở phía Tây thủ đô Bangkok của Thái Lan. Trong bối cảnh các nền kinh tế thu nhập thấp ở khu vực châu Á phát triển nhanh chóng, người lao động của các nước này ở nước ngoài bắt đầu quay trở về nhà. Đây được xem là một mối lo ngại với các quốc gia tiếp nhận lao động nhập cư như Thái Lan. |
|
Công nhân người Trung Quốc tại một công trường xây dựng ở Khartoum thuộc quốc gia châu Phi Sudan, nơi Trung Quốc là chủ đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn. Châu Phi đang trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn với lao động nhập cư. Trung Quốc là nước nhận nhiều kiều hối thứ nhì thế giới sau Ấn Độ, dự kiến đạt mức 60 tỷ USD trong năm nay theo số liệu của WB. |
|
Trong ngày nghỉ, hai nữ lao động giúp việc nhà người Indonesia ở Hồng Kông chụp ảnh cho nhau. Ở Hồng Kông hiện có khoảng 270.000 lao động nhập cư làm nghề giúp việc. Trung bình, mỗi người giúp việc nhập cư từ Indonesia, chi phí để được sang Hồng Kông làm việc là 2.708 USD, bằng khoảng 5 tháng lương, theo số liệu của WB. |
|
Một công nhân nhập cư người Campuchia làm việc trong một nhà kho ở Thái Lan. Số lao động từ Đông Á và Thái Bình Dương ra nước ngoài làm việc đã tăng thêm 60% trong vòng 14 năm qua, lên mức khoảng 35 triệu người. WB dự báo, lượng kiều hối mà số lao động này gửi về nước sẽ tăng lên mức 115 tỷ USD vào năm 2013 và 154 tỷ USD vào năm 2016. |
|
10 nước nhận nhiều kiều hối nhất thế giới năm nay theo dự báo của WB. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9. |
|
Một công nhân nhập cư từ Indonesia đang chờ kiểm tra giấy tờ ở Kuala Lumpur trong một đợt rà soát lao động nhập cư trái phép của nhà chức trách Malaysia. Theo số liệu của WB, lao động nước ngoài, trong đó quá nửa là từ Indonesia, chiếm khoảng 9,5% lực lượng lao động của Malaysia vào năm 2010, tăng từ mức 3,5% vào năm 1990 . |
|
Công nhân nhập cư từ Ba Lan đang thu hoạch măng tây ở Đức hồi tháng 4 năm nay. Theo dự báo của WB, lượng kiều hối gửi về các quốc gia đang phát triển ở Đông Âu và Trung Á sẽ tăng 11%, đạt mức 42,6 tỷ USD trong năm nay. |
Lao động
kiều hối
công nhân