Nghề làm mặt nạ giấy bồi đã có từ rất lâu. Trước đây, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc, vào những dịp lễ tết trẻ em lại mang ra khoe và đọ xem mặt nạ của ai đẹp hơn, tinh tế hơn. Trong cuộc sống hiện đại, sự xuất hiện của trò chơi điện tử cùng hàng loạt hình thức giải trí khác khiến những chiếc mặt nạ này vắng bóng hơn vì ít người mua.
Trong con ngõ nhỏ ở phố Hàng Than, Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cùng vợ vẫn ngày ngày cặm cụi tô vẽ từng đường nét tỉ mẩn để cho “ra đời” những chiếc mặt nạ giấy bồi đúng chất truyền thống. Trước mặt ông là hàng chục chiếc mặt nạ vừa được phơi khô đang chờ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân “thổi hồn” vào đó.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cùng vợ vẫn ngày ngày cặm cụi làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi đậm chất truyền thống. |
Ông kể mình học được nghề này từ họ ngoại, làm nghề đến nay đã 30 năm. Suốt quãng thời gian đó, ông dường như sống với từng mảnh giấy bồi, con mực và nét vẽ.
“Nghề này nhiều gian truân và vất vả lắm, làm ra một chiếc mặt nạ đẹp và mang có hồn phải mất cả ngày, từ làm khung, dán giấy đến tô vẽ. Riêng phần vẽ cũng phải mất 3-4 tiếng chưa kể công làm khô”, ông nói. Dẫu vậy, ông vẫn yêu và giữ cái nghề này hàng chục năm qua, ngay cả khi nó không còn là sản phẩm bán chạy trên thị trường.
Mỗi chiếc mặt nạ là thành quả của cả quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nghệ nhân. Song giá của chúng trên thị trường hiện chỉ 30.000 đồng mỗi chiếc mà vẫn rất ít người mua. Sản phẩm thường chỉ bán chạy hơn vào những dịp lễ Tết. “Ngày trước, khi chưa có đồ chơi Trung Quốc thì bán đắt hàng lắm chứ bây giờ, ngày thường chỉ bán cho các sự kiện, triển lãm là chủ yếu thôi” ông Hòa kể tiếp.
Mỗi chiếc mặt nạ là thành quả của cả quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nghệ nhân. |
Xưởng làm mặt nạ giấy bồi của ông Hòa nằm trên tầng 3 của một căn nhà cổ với diện tích chỉ hơn 10m2. Ông cùng vợ mình hằng ngày phải tận dụng mọi diện tích có thể của căn phòng từ lan can cầu thang, mái tôn… để làm việc. Thỉnh thoảng mệt ông lại ngồi bệt xuống giữa cầu thang lên xuống, mồ hôi chảy thành từng dòng làm bật lên vẻ nhiệt tình, cứng cỏi của người từng trong quân ngũ. Ông nói: “ Mệt thì có mệt nhưng mình làm vì cái tâm nên cảm thấy thanh thản lắm. Nếu không vì cái tâm thì làm sao giữ được nghề đến giờ giữa bao nhiêu bộn bề cuộc sống”.
Ông Hòa cùng vợ - bà Lan là những nghệ nhân cuối cùng còn lại của nghề làm mặt nạ giấy bồi tại Hà Nội. Qua thời gian, 2 ông bà đã tạo dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, để giờ đây cứ nhắc đến mặt nạ giấy bồi là nhiều người nghĩ ngay đến địa chỉ 73 Hàng Than .
Ông chia sẻ: “Hàng thật, hàng truyền thống rất dễ phân biệt với hàng giả. Khung mặt nạ chắc chắn, nét vẽ tinh tế, đậm sắc, giấy cũng phải là giấy thật tốt chứ không như những loại mặt nạ làm theo số lượng như hiện nay. Mình làm vì chất lượng, vì cái tâm để giữ nghề và tạo thương hiệu riêng cho mình”.
Tuy có thương hiệu nhưng giữa quá nhiều hàng nhái, đồ chơi hiện đại, những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống của ông Hòa vẫn rất chật vật để cạnh tranh và tồn tại. Ông kể: “có lần những người mới làm mặt nạ giấy bồi đã lấy thương hiệu của ông để bán trong dịp trung thu. Họ nói là mặt nạ của ông Hòa. Sau rồi khách hàng tìm đến, báo chí lên tiếng ông mới biết”. Thêm đó, không ít người mua hiện nay, nhất là giới trẻ, cũng chỉ biết là có loại mặt nạ truyền thống bằng giấy bồi chứ ít người biết cách phân biệt chất lượng tốt xấu.
Hiện tại, ông Hòa chủ yếu bán sản phẩm của mình cho khách du lịch hoặc bán cho các sự kiện, triển lãm. Thỉnh thoảng các nhà trẻ cũng mua về làm đồ chơi cho các bé, họ đặt số lượng lớn nhưng rất hiếm khi được như vậy.
Nhưng giữa muôn vàn khó khăn của việc giữ nghề ông cũng có những niềm vui riêng. Thỉnh thoảng có khách nước ngoài đến chơi, họ cầm cả bản đồ khoanh tròn địa chỉ 73 Hàng Than lại rồi chăm chú nhìn từng nét vẽ của ông, khiến ông mừng lắm. “Ít nhất mình cũng khẳng định được thương hiệu của mình, đươc cả người Việt và người nước ngoài biết đến”, ông nói.